Chống đối, không cho CSGT kiểm tra nồng độ cồn bị xử lý thế nào?

Khi bị cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn, nhiều tài xế vừa đi ra từ quán bia có hành vi bỏ xe lại, không chấp nhận kiểm tra nồng độ cồn, rời khỏi chốt kiểm tra. Bỏ xe không cho CSGT kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị xử lý thế nào?

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng Hà Nội đã tiến hành các biện pháp như lập chốt kiểm tra nồng độ cồn ngay gần các quán bia rượu để ngăn chặn tình trạng tai nạn giao thông do lái xe say rượu bia gây ra.

Tuy nhiên, khi bị cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn, nhiều tài xế vừa đi ra từ quán bia đã bỏ xe lại và rời khỏi chốt kiểm tra.gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý.

Về vấn đề này, luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc công ty luật Minh Bạch, Đoàn luật sư TP Hà Nội khẳng định: “Đây là hành xử rất đáng lên án của một bộ phận người tham gia giao thông. Những người này đã chủ động thực hiện hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông nhưng lại không dám chịu trách nhiệm trước hành vi vi phạm của mình. Họ cho rằng việc bỏ đi Công an sẽ không có chứng cứ, vật chất để chứng minh cho hành vi vi phạm của họ.

chong-doi-khong-cho-csgt-kiem-tra-nong-do-con-bi-xu-ly-the-nao

Khi bị yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn, tài xế liền rút chìa khóa và bỏ đi. Ảnh cắt từ clip

Nhưng trong trường hợp này, lực lượng chức năng hoàn toàn có đủ căn cứ để có thể lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân này về hành vi sử dụng rượu, bia vượt quá nồng độ cho phép với sự xác nhận của những người làm chứng”.

Theo luật sư, hành vi bỏ xe lại của những tài xế vừa đi ra từ quán nhậu khi CSGT kiểm tra nồng độ cồn không bị xem là hành vi chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, khi xem xét ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, những người này sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hành chính theo quy định tại điểm k, Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 với hành vi cụ thể là: "Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm hành chính".

Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển phương tiện xe ô tô trên đường sẽ bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, phạt tiền từ 7-8 triệu đồng nếu rong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; phạt tiền từ 2-3 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở;

Còn theo Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị xử phạt từ 3 - 4 triệu đồng và biện pháp xử phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe từ 3-5 tháng.

Đối với người vi phạm không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ sẽ bị áp dụng mức xử phạt trung bình là 3,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 tháng.

Đối với trường hợp người vi phạm có 1 tình tiết tăng nặng thì có thể bị áp dung mức xử phạt cao nhất là phạt tiền 4 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 5 tháng.

“Trong trường hợp, CSGT chứng minh được người điều khiển xe vi phạm nhiều lỗi thì trong biên bản cùng 1 lúc lập nhiều lỗi vi phạm và có thể ban hành cùng 1 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, sau đó tổng hợp các lỗi lại và buộc người vi phạm phải thực hiện” – Luật sư Tuấn Anh cho biết thêm.

Theo DanViet