Chủ đầu tư hay người mua nhà phải mua bảo hiểm cháy nổ chung cư?

Theo quy định, đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Tại các tòa chung cư, CĐT hay người mua nhà phải mua bảo hiểm?

Những thay đổi về quy định mua bảo hiểm cháy nổ tại các tòa nhà chung cư

Liên quan đến vấn đề đang được quan tâm sau khi liên tiếp xảy ra các vụ cháy chung cư thời gian qua, Luật Sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Everest (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, từ trước đến nay, chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc được quy định tại Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và Điều 2 Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22/05/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/04/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Chủ đầu tư hay người mua nhà phải mua bảo hiểm cháy nổ chung cư?

Vụ cháy chung cư Carina Plaza khiến 13 nạn nhân tử vong đang giống lên hồi chuông cảnh báo về an toàn cháy nổ tại các nhà chung cư cao tầng và việc mua bảo hiểm chung cư đang trở thành vấn đề nóng

Tuy nhiên, theo luật sư Minh từ ngày 15/04/2018 tới đây, quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc được thay thế và quy định tại Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018.

Theo Nghị định mới này, việc mua bảo hiểm cháy, nổ với các công trình nhà ở, dân sinh, trong đó bao gồm cả chung cư là mang tính bắt buộc và đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.

Chủ đầu tư hay người mua nhà phải mua bảo hiểm cháy nổ chung cư?

Theo Luật sư Phạm Ngọc Minh: "Nhà chung cư là một trong những đối tượng bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy, nổ theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Trước đó, pháp luật đã quy định: Người mua nhà (hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân) phải có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc".

Tuy nhiên, cũng theo luật sư Minh, trong trường hợp chủ đầu tư chung cư là người đại diện thì trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ tại chung cư thuộc về chủ đầu tư và người mua nhà có trách nhiệm nộp phí bảo hiểm cho người đại diện. Trường hợp, không xác định được người đại diện thì từng hộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cơ sở đó có trách nhiệm trực tiếp mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Không mua bảo hiểm cháy nổ tại chung cư bị xử phạt như thế nào?

Theo Luật sư Phạm Ngọc Minh, điểm a khoản 2 Điều 24 Nghị định số 52/2012/NĐ-CP ngày 14/06/2012 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy nêu rõ, nếu cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua theo quy định thì sẽ bị xử phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Luật sư Phạm Ngọc Minh phân tích thêm: "Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định cụ thể mức phí mua bảo hiểm cháy, nổ đối với nhà chung cư như sau: Nhà chung cư có hệ thống chữa cháy tự động (springkler) là 0,05%/năm; nhà chung cư không có hệ thống chữa cháy tự động (springkler) là 0,1%/năm. Tỷ lệ phí bảo hiểm đối với nhà chung cư như vậy là quá cao. Ví dụ: Một căn hộ không có hệ thống chữa cháy, giá trị căn hộ 1 tỷ đồng thì phải đóng phí bảo hiểm là 1 triệu đồng/năm".

Trên thực tế, mức phí bảo hiểm trước hết xác định đây là số đông bù cho số ít nhưng phải đảm bảo tính xã hội. Quy định pháp luật chỉ mang tính hành chính và không mang tính xã hội sẽ không được người dân ủng hộ.

Cụ thể, về việc mua bảo hiểm cháy, nổ băt buộc đối với chung cư như sau: Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thì liên quan đến lợi nhuận, đối với cơ quan, tổ chức được xác định là chi phí hợp lý, tuy nhiên đối với người dân được xác định là khoản tiêu dùng.

Vì thế, theo quy định này, cơ quan bảo hiểm đang được lợi rất nhiều, ví dụ: Trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.000 khu nhà chung cư, mỗi nhà chung cư có khoảng 200 đến 300 căn hộ. Tuy nhiên, tỷ lệ cháy nổ nhà chung cư trong một năm rất thấp (khoảng dưới 10%). Như vậy, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có lợi nhuận lớn khi con số mua bảo hiểm và con số doanh nghiệp bảo hiểm chi trả chênh lệch hàng nghìn lần. 

Theo GiaDinhVietNam