Chứng bệnh khiến nữ sinh 18 tuổi cứ bực mình là... vật xuống đất

Cô gái sinh năm 2000 luôn mâu thuẫn với bố - người bị cho là từng ngoại tình, bài bạc, cũng là nguyên nhân khiến mẹ em từng tự tử bất thành. Khoảng 3 năm nay, em thường xuyên bủn rủn chân tay, liên tục bị ngất...

Trầm cảm vì bố gia trưởng, phản bội mẹ

P.N.M.A (SN 2000, Điện Biên) được đưa đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Thường Tín, Hà Nội) với các biểu hiện bủn rủn chân tay ngày 2 lần, bị ngất.

2-3 năm nay, M.A thường xuyên dễ bực tức, cáu gắt với bố mẹ khi không được đáp ứng yêu cầu của mình. Điều kỳ lạ là M.A luôn cho rằng bố mẹ không yêu thương mình nên rất ít khi nói chuyện, em chỉ có duy nhất một bạn thân ở lớp.

Khoảng 10 ngày trước khi vào viện, M.A có biểu hiện mất ngủ, ít nói, ít giao tiếp với mọi người, bực tức với người thân, có cơn ngã vật xuống nền nhà, người mềm nhũn.

"Trong cơn ngất, M.A vẫn biết điều gì đang xảy ra. Nữ bệnh nhân này đã từng có ý định muốn chết vì thấy thất vọng về bản thân" - BS Vũ Văn Thuấn (khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1) cho biết khi báo cáo tại Hội nghị khoa học Tâm lý lâm sàng, do Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức sáng 23/11.

Mẹ M.A cho biết, trong gia đình, M.A và bố có quan hệ không tốt. Bố em công tác xa nhà, chỉ cuối tuần mới về. Ông có tính gia trưởng, ít quan tâm, lo lắng tới gia đình. Có thời gian, ông còn chơi bài bạc, ngoại tình.

Dù đồng nghiệp nói ông là người hiền lành, nhỏ nhẹ, thành công nhưng ở nhà, ông lại ít tâm sự, mắng, miệt thị con cái liên tục. Sau nhiều lần bị bố đánh, M.A tức giận, né tránh, gặp bố không chào, ăn cơm không mời. Gia đình rất căng thẳng.

chung-benh-khien-nu-sinh-18-tuoi-cu-buc-minh-la-vat-xuong-dat

Điều trị bệnh nhân trầm cảm tại Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: A.T

Mẹ của M.A cũng là người có hoàn cảnh phức tạp khi kết hôn lúc 21 tuổi và ly hôn vài năm sau đó. Người bố gia trưởng này là chồng thứ 2 của mẹ M.A.

Khi biết chồng ngoại tình, mẹ của M.A từng uống thuốc tự tử, nhưng bất thành, được hàng xóm cứu. Trong cuộc sống hàng ngày, thay vì nói những điều tích cực, mẹ của M.A liên tục than phiền vì thất bại trong hôn nhân, sự cam chịu của ông ngoại (từng bị vợ bỏ đi, để lại 3 con cho ông nuôi). Mỗi lần hai vợ chồng cãi nhau, M.A, em trai ruột và chị gái cùng mẹ khác cha, đều chứng kiến...

18 tuổi, học lớp 12 và chuẩn bị thi đại học, nhưng M.A rất mơ hồ hoang mang về tương lai. Học lực của em giảm dần theo từng năm. Em nhút nhát, thụ động, không có hứng nói chuyện, lúc nào cũng lo sợ khi ở trường, ở nhà.

M.A nói em thích kiến trúc, mẹ cho em đi học vẽ và em được đánh giá có năng khiếu. Nhưng điều đáng băn khoăn là với điều kiện sức khoẻ của em hiện nay, thầy giáo nói em khó lòng trụ được với lĩnh vực này bởi áp lực tiến độ công trình khi em đi làm. Điều đó càng khiến nữ sinh ở Điện Biên hoang mang, không biết sẽ tiếp tục ra sao.

Mấy năm nay, khi về nhà, M.A thường xuyên cáu bẳn, gây hán với người em trai ruột 8 tuổi bướng bỉnh. Mâu thuẫn với bố ngày càng tệ khi cách đây 1 năm, khi bố biết được chuyện em nhắn tin rủ bạn trai bỏ học đi xem phim, ông đã đánh em một trận thừa sống thiếu chết, cấm tuyệt đối chuyện yêu đương. Dù yếu ớt chấp nhận sự cấm đoán đó, nhưng trong lòng em luôn tràn ngập sự căm hận.

Chỉ thuốc là không đủ

Mẹ M.A cho biết, em từng được đưa vào Bệnh viên tỉnh điều trị nhưng không hiệu quả nhiều nên chuyển lên tuyến Trung ương. Tại đây, em được làm các xét nghiệm lâm sàng, các test đánh giá tâm lý. Mới vào viện, nữ sinh 18 tuổi này không thể trả lời đồng nhất các câu hỏi, không thực hiện được test.

Biết con vào viện điều trị, nhưng bố của M.A vẫn chỉ gượng gạo gọi điện cho con đẻ để nói dăm ba câu khi bị vợ thúc ép. M.A vì thế càng không tôn trọng bố đẻ của mình.

"Với những biểu hiện lo lắng, cảm xúc, suy nghĩ của M.A, chúng tôi hướng những chẩn đoán bệnh của nữ sinh này là giai đoạn trầm cảm nặng không có triệu chứng loạn thần" - BS Nguyễn Thị Cẩm Tú (Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1) cho hay.

Các bác sĩ cũng cho biết, với trường hợp của M.A, những vấn đề tâm lý của em có thể được cải thiện nếu có sự kết hợp từ hoá dược và trị liệu tâm lý - giáo dục phù hợp, đồng thời tư vấn gia đình phải có những ứng xử tích cực từ phía người thân. Nhà trị liệu cùng gia đình sẽ phải trao đổi với em về bệnh trầm cảm, dự định nghề nghiệp, kiểm soát cảm xúc...

2 tuần sau điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, M.A có những biểu hiện tiến bộ về cảm xúc, hành vi. Em không còn buồn chán, muốn chết, hợp tác điều trị. Nhưng em vẫn ít nói, ngại giao tiếp, ngủ chưa tốt... 2 tuần tiếp theo khi có sự kết hợp điều trị tâm lý, tư vấn gia đình, em đã ăn ngủ tốt hơn, không còn cơn ngã ngất. Em vui vẻ, tự tin hơn...

Các bác sĩ cho biết, M.A là ca lâm sàng tiêu biểu cho những biểu hiện trầm cảm ở thanh thiếu niên có liên quan tới cách ứng xử của gia đình.

"Những đặc điểm tính cách của trẻ trong giai đoạn hình thành, phát triển nhân cách, có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển tâm lý của con người.

Cách ứng xử của gia đình, những trải nghiệm bản thân của trẻ, kỹ năng xã hội trẻ được học tập sẽ tạo cho các cháu cách suy nghĩ, ứng phó khó khăn, tình huống trong quá trình phát triển" - các chuyên gia về tâm thần học cho biết.

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS.Ngô Quý Châu – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại Viện Sức khoẻ tâm thần, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú ngày càng tăng, trung bình 200-250 lượt/ngày, gấp rất nhiều lần so với trước đây.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, nhân lực trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần bao gồm: Bác sĩ chuyên khoa, điều dưỡng chuyên khoa tâm thần, cán bộ tâm lý, cán sự xã hội và các nhân viên y tế khác. Trong đó, cán bộ tâm lý đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ chẩn đoán và cung cấp việc đánh giá tâm lý người bệnh.

Việc điều trị rối loạn tâm thần là sự kết hợp giữa dược lý tâm thần và trị liệu tâm lý, cán bộ tâm lý thực hiện các liệu pháp tâm lý, thảo luận với người bệnh và gia đình người bệnh trong quá trình điều trị, cung cấp các kỹ năng ứng phó và giáo dục tâm lý cho người bệnh và gia đình người bệnh về các rối loạn tâm thần và bệnh lý người bệnh đang mắc.

Theo GiaDinh