Chuyên gia chỉ cách tránh đột quỵ nhiệt trong ngày nắng nóng rất nhiều người không chú ý

Trong những ngày nắng nóng gay gắt hiện nay, đột quỵ nhiệt rất dễ xảy ra. Để tránh những tổn thương nguy hiểm từ đột quỵ nhiệt, mọi người nên nhớ điều dưới đây.

BS Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Việt Đức) đã chia sẻ rằng, đột quỵ nhiệt là một tình trạng chấn thương bởi nhiệt. Cơ thể bị rối loạn do tiếp xúc với nhiệt độ cao trong một thời gian, thường kết hợp với tình trạng mất nước và ở những người lao động quá sức dẫn đến hệ thống điều hoà nhiệt độ của cơ thể tổn thương, mất kiểm soát. Trong ngày hè nắng nóng, cấp cứu này rất hay gặp.

Đột quỵ nhiệt có thể giết chết hoặc gây tổn thương não, cơ bắp, các cơ quan khác của cơ thể khi không sơ cứu, xử trí kịp thời.

Định nghĩa y học về đột quỵ nhiệt là khi nhiệt độ cơ thể lớn hơn 104 độ F (tức 40 độ C ) với các biến chứng liên quan đến hệ thống thần kinh trung ương xảy ra sau khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Triệu chứng hay gặp là buồn nôn, co giật, lú lẫn, mất phương hướng, đôi khi mất ý thức, hôn mê. Nếu không được sơ cứu, cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

Đối tượng dễ bị đột quỵ nhất

+ Đột quỵ nhiệt thường xảy ra vào mùa hè nắng nóng hoặc trong các hầm lò đốt nhiệt độ cao ở những người lao động nặng kéo dài, người tham gia huấn luyện quân sự, các vận động viên chạy đường dài…

+ Người tiếp xúc đột ngột với môi trường nắng nóng như 1 đợt nắng nóng của mùa hè, đi du lịch đến vùng đất nóng… Khi đó cần hạn chế hoạt động mạnh vài ngày để cơ thể kịp thích nghi trước.

chuyen-gia-chi-cach-tranh-dot-quy-nhiet-trong-ngay-nang-nong-rat-nhieu-nguoi-khong-chu-y

Đột quỵ nhiệt nếu không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm tính mạng. Ảnh minh họa

+ Người dân sống trong khu vực đô thị dễ bị đột quỵ do nhiệt trong một đợt nắng nóng kéo dài. Nguyên nhân một phần từ hiệu ứng đảo nhiệt: nhựa đường và nhiệt cửa hàng bê tông tích trữ trong ngày và chỉ dần dần phát tán nó vào ban đêm làm nhiệt độ tăng cao về đêm.

+ Sơ sinh, trẻ em dưới 4 tuổi và người lớn trên 65 tuổi dễ bị tổn thương vì kém thích nghi.

+ Người bị bệnh tim, phổi hoặc thận, béo phì hoặc thiếu cân, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tâm thần, nghiện rượu… đều là những đối tượng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng đầu tiên bởi nắng nóng kéo dài.

Khi nghi ngờ ai đó bị đột quỵ do nhiệt, hãy gọi ngay cấp cứu 115 hoặc đưa người đó đến bệnh viện càng nhanh càng tốt. Bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc tìm kiếm trợ giúp y tế đều có thể dẫn đến tử vong cho bệnh nhân.

Trong quá trình đợi nhân viên y tế tới tiến hành sơ cứu cho người tai nạn đột quỵ nhiệt bằng cách đưa người bệnh đến khu vực râm mát mẻ, cởi bỏ bất kỳ quần áo nào không cần thiết.

Làm mát cơ thể để đưa nhiệt độ về 38 đến 38,5 độ C như dùng quạt không khí thổi đều trên người bệnh trong khi làm ướt da bằng khăn ướt hoặc vòi nước rửa... làm mát chúng có thể làm giảm nhiệt độ cơ thể nhanh chóng. Không dùng đá lạnh cho bệnh nhân lớn tuổi, trẻ nhỏ, bệnh nhân bị bệnh mãn tính..

Cách tránh đột quỵ nhiệt ít người chú ý

Theo BS Trần Quốc Khánh, khi chỉ số nhiệt cao mọi người nên ở nhà trong môi trường có máy lạnh, quạt mát. Bắt buộc phải ra ngoài có thể ngăn ngừa đột quỵ nhiệt bằng cách sau:

+ Mặc đồ nhẹ, màu sáng, thoáng và đội mũ rộng vành, đeo kính râm.

+ Dùng kem chống nắng với hệ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên, nhất là ai đi ngoài nắng, đang bơi…

+ Bổ sung nước: Mọi người nên uống ít nhất tám ly nước/ngày để ngăn ngừa tình trạng mất nước bằng nước suối, nước trái cây hoặc nước ép rau, trong đó nước từ các loại thảo dược tốt hơn. Vì bệnh liên quan đến nhiệt độ cũng có thể do thiếu muối. Bởi vậy, mọi người thay thế một loại đồ uống thể thao giàu muối khoáng trong các giai đoạn có nhiệt độ và độ ẩm cao.

Người chơi thể thao, làm việc ngoài trời khuyến cáo chung là uống 24 ounce chất lỏng (tầm 700ml) hai giờ trước khi tập thể dục - lao động và cân nhắc thêm 8 ounce (~ 240 ml) nước hoặc thức uống thể thao khác trước khi tập thể dục. Trong khi tập thể dục nên tiêu thụ tầm 240ml mỗi 20 phút, ngay cả khi không cảm thấy khát.

+ Không để bất cứ ai trong một chiếc xe đang đậu mà không chạy điều hoà hoặc tắt máy, đây là nguyên nhân phổ biến gây tử vong do nhiệt ở trẻ em. Khi đậu dưới ánh mặt trời, nhiệt độ trong xe có thể tăng thêm 6,7 độ C chỉ trong vòng 10 phút.

+ Theo dõi màu nước tiểu, nếu đậm hơn là dấu hiệu thiếu nước. Khi uống đủ nước, nước tiểu có màu vàng nhạt và trong.

+ Tránh các chất lỏng có chứa caffeine hoặc rượu vì có thể làm mất nhiều chất lỏng hơn và làm trầm trọng thêm các bệnh liên quan đến nhiệt.

Ngoài ra, không dùng thuốc viên bổ sung muối trừ khi bác sĩ chỉ định. An toàn nhất để bổ sung muối và các chất điện giải khác trong ngày nắng nóng là uống đồ uống thể thao hoặc nước trái cây, thảo dược (rau má, nhân trần, mướp đắng…). Tốt nhất nên tham khảo bác sĩ khi bổ sung chất lỏng.

Hơn nữa, sau khi hồi phục do đột quỵ nhiệt, bệnh nhân có thể nhạt cảm hơn với nhiệt độ cao nên dễ bị sốc nhiệt tái phát. Bởi vậy cần tránh thời tiết quá nóng, tránh tập thể dục nặng cho đến khi có lời khuyên từ bác sĩ.

Theo GiaDinh