Chuyên gia dinh dưỡng "mách nước" cho các đoàn cứu trợ cách bảo quản bánh chưng lâu hơn

Hiện nay, trước những khó khăn chung của đồng bào miền Trung, nhiều hộ dân, địa phương đã tổ chức nấu bánh chưng ủng hộ đồng bào. Tuy nhiên, do vận chuyển nhanh, đường đi dài nên việc chế biên và bảo quản cũng tương đối khó khăn.

Chia sẻ với PV Báo Gia đình và Xã hội, chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Xuân Trà, đang tu nghiệp tại đại học Leeds Beckett, Anh Quốc cho biết: "Bản chất bánh chưng có rất nhiều năng lượng.

Bánh chưng có thể là một trong những ưu tiên khi cứu trợ bà con giai đoạn đầu tiên khi chưa có thể nấu nướng, chế biến. Một chiếc bánh chưng cỡ nhỏ cũng có thể cung cấp đủ năng lượng cho một ngày hoạt động.

Bà con vùng lũ nếu chỉ ăn mỳ tôm thì rất khó có thể đủ năng lượng trong thời gian dài, đặc biệt là mất sức do chống lũ".

chuyen-gia-dinh-duong-mach-nuoc-cho-cac-doan-cuu-tro-cach-bao-quan-banh-chung-lau-hon

Xúc động hình ảnh người dân vùng lũ Quảng Bình ăn vội chiếc bánh vừa được cứu trợ trưa ngày 26/10.

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Trà, để tăng thời gian bảo quản bánh chưng thì các tổ chức cứu trợ cần chú ý đến cả quy trình gói và vận chuyển bánh. Với quy trình gói bánh, người dân cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ các nguyên liệu, đặc biệt là lá gói bánh. Khi gói cần vệ sinh tay và các thảm trải, mặt bàn gói. Khi gói bánh xong thì cần rửa lại với nước để làm sạch lá.

Trong quy trình vận chuyển người dân không nên vận chuyển khi còn nóng. Đặc biệt với những vỏ bánh có lá bị hở thì phải gói lại bằng nilong để tránh mốc bánh.

Trong quá trình vận chuyển nếu có điều kiện thì cho túi bóng, hút chân không thì sẽ bảo quản được đến hơn một tuần lễ. Nếu không có máy hút chân không thì bà con có thể sử dụng các tấm nilon lớn trùm xung quanh để tránh nước mưa và mốc bánh.

Còn chị Lê Hải Lan, một tiểu thương đã có kinh nghiệm 30 năm gói bánh tại chợ Trung tâm tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Bánh chưng thường hỏng là do người dân không lau rửa lại lá sau khi luộc để bánh cứng lại và vận chuyển khi bánh còn nóng thì bánh sẽ bị hấp hơi và thiu. Nếu làm đúng quy trình, không cần tủ lạnh cũng sẽ bảo quản được từ 4 đến 6 ngày".

chuyen-gia-dinh-duong-mach-nuoc-cho-cac-doan-cuu-tro-cach-bao-quan-banh-chung-lau-hon

Chị Hà bên hàng nghìn chiếc bánh chưng đang được để khô chờ hút chân không lên đường cứu trợ đồng bào.

Trong những ngày qua, chị Nguyễn Thu Hà (chi cụm 3, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cùng những nhà hảo tâm đã gói hàng nghìn chiếc bánh chưng ủng hộ bà con. Tuy nhiên, theo chị Hà gần như không có bất kỳ một chiếc bánh chưng nào bị hư hỏng. 

Chị Hà chia sẻ về kinh nghiệm gói bánh của mình:

"Khi làm bánh, tôi và mọi người đều phải đãi sạch gạo và rửa sạch lá. Khi vớt ra, mình phải rửa sạch nhớt lá ở bánh và ép thật khô nước. Tiếp đó là đem đi lau lại một lần nữa trước khi đóng gói vào túi hút chân không để ủng hộ bà con.

Bà con sau nhiều ngày đói rét nên những chiếc bánh chưng thực sự rất ấm áp. Phát đến đâu, hết đến đấy. Chúng tôi đang tiếp tục kêu gọi để hỗ trợ bà con những đợt tiếp theo".

chuyen-gia-dinh-duong-mach-nuoc-cho-cac-doan-cuu-tro-cach-bao-quan-banh-chung-lau-hon

Mỗi công đoạn đều được đảm bảo đúng quy trình để bánh được "an toàn" đến tay điểm cứu trợ.

Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Xuân Trà cũng có lưu ý:

"Nếu không may, có những chiếc bánh chưng có biểu hiện mốc hoặc mùi lạ thì bà con cũng không nên tiếc của mà sử dụng vì trong bánh chưng mốc có chứa nhiều vi sinh vật có hại. Đặc biệt, sau nhiều ngày ăn uống thất thường, thể trạng và sức đề kháng của bà con chưa kịp phục hồi dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa, ngộ độc".

Người dân cả nước đỏ lửa, thức trắng đêm nấu bánh chưng ủng hộ đồng bào. Mỗi một chiếc bánh vượt qua giá trị vật chất là tình thương yêu, sự đùm bọc, nghĩa đồng bào thiêng liêng.

Theo GiaDinh