Chuyên gia giải đáp lý do ung thư có thể di truyền

Theo các chuyên gia, trong gia đình nếu có người mắc bệnh ung thư thì nên chủ động đi khám, làm xét nghiệm từ sớm để phòng bệnh cho mình và người thân.

Giải thích về ung thư có yếu tố di truyền, Giáo sư Nguyễn Bác Đức, nguyên giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội) giải thích trên Lao động, chỉ một số ít bệnh ung thư liên quan đến gene di truyền. Còn phần lớn người mắc ung thư không liên quan đến di truyền và không để lại bệnh cho các thế hệ sau.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hiểu một cách đầy đủ hơn thì ung thư là bệnh do tổn thương gene - vật liệu mang tính di truyền của tế bào gây ra. Có rất nhiều nguyên nhân gây tổn thương gene, hơn 80% là do các yếu tố bên ngoài môi trường tác động vào cơ thể. Những tổn thương gene này không di truyền.

Theo giáo sư, nhưng khoảng dưới 10% là tổn thương gene có sẵn trong cơ thể. Những tổn thương gene có thể di truyền nhưng không di truyền cho tất cả con của người có gene này. Chỉ khoảng 50% số con sẽ nhận di truyền các gene đó. Trong số những người con có gene sinh ung thư, cũng không phải tất cả sẽ bị ung thư. Chỉ một tỷ lệ rất nhỏ sẽ mắc ung thư trong cuộc đời họ.

Ung thư thường là bệnh mãn tính, có quá trình phát triển lâu dài qua nhiều giai đoạn mà không có dấu hiệu báo trước khi chúng được phát hiện. Triệu chứng đau chỉ là dấu hiệu ở giai đoạn muộn của bệnh

Bệnh ung thư hoàn toàn không lây nhiễm từ người này sang người khác do tiếp xúc dù là ung thư đường hô hấp hay bất kỳ loại ung thư nào khác. Bệnh có thể tấn công ở bất kỳ bộ phận hoặc cơ quan nào của cơ thể, đa số biểu hiện dưới dạng các khối u ác tính...

 Ảnh: VNN

Ảnh: VNN

Theo thông tin từ nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Washington đã nhận diện được 12 căn bệnh ung thư khởi phát từ các đột biến di truyền. Chúng là các bệnh ung thư buồng trứng, dạ dày, vú, tuyến tiền liệt, 2 dạng ung thư phổi, u thần kinh đệm, đầu và cổ, lạc nội mạc tử cung, thận, u nguyên bào thần kinh đệm (u não) và bạch cầu nguyên bào cấp tính (ung thư máu).

Các nghiên cứu bộ gen ung thư trước đây luôn so sánh kết quả việc giải trình tự gen các mô khỏe mạnh của bệnh nhân với gen trong khối u của họ. Việc này giúp phát hiện các đột biến di truyền tồn tại trong khối u và giúp các nhà nghiên cứu nhận diện những gen quan trọng, có tác động đến việc mắc ung thư.

Tuy nhiên, những nghiên cứu đó không phân biệt các đột biến di truyền xuất hiện từ lúc sinh với các đột biến hình thành trong cuộc sống của một người. Vì vậy, nghiên cứu mới của các chuyên gia đến từ Đại học Washington (Mỹ) được xúc tiến nhằm phanh phui các yếu tố di truyền của bệnh ung thư.

Theo các chuyên gia, nếu nhận thấy trong gia đình có người mắc bệnh ung thư thì nên chủ động đi khám để xét nghiệm từ sớm. Vì nếu phát hiện ra càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Độ tuổi nên tầm soát ung thư

Theo các chuyên gia, độ tuổi nên tầm soát ung thư với nam giới nên từ 40 tuổi và phụ nữ nên bắt đầu ở lứa tuổi 20. Cả nam giới và nữ giới đều cần thực hiện tần suất kiểm tra sàng lọc từ 1 đến 3 hoặc 5 năm tùy lứa tuổi với các phương pháp khám, xét nghiệm, chụp chiếu. Với sự phát triển của khoa học, ngày nay các trang thiết bị y tế đã ngày càng hiện đại nên việc tầm soát “đại dịch” ung thư đã dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều.

M.H (th)

Theo GiaDinh