Chuyên gia khuyến cáo, giữ ấm bàn chân mùa đông như bảo vệ trái tim mình

Nhân viên văn phòng, công nhân lao động ngoài trời, nông dân… thường “bỏ quên” bảo vệ bàn chân của mình vào mùa đông dẫn tới đau nhức, sưng tấy, chảy máu… Ảnh hưởng không nhỏ tới các bộ phận trên cơ thể.

Các bệnh thường xảy ra đối với bàn chân trong mùa đông

Vào mùa đông, thời tiết hanh khô, bàn chân tiếp xúc với môi trường bên ngoài thường bị khô da, nứt nẻ, chảy máu. Vì ở bàn chân, chỉ có da và các xương, lớp mỡ phía dưới rất ít… khó bảo vệ khỏi các tác nhân bên ngoài. Các vết nứt này dễ nhiễm trùng do nằm ở vị trí rất sâu, tận dưới sát lớp cơ.

Tiếp đến là bệnh thấp khớp cấp với biểu hiện là chân sưng to, nóng đỏ. Toàn bộ cổ chân tròn, đỏ mọng như cà chua, gây ra đau nhức, cứng, khó vận động thậm chí "bất di bất dịch". Thông thường, bệnh thấp khớp cấp chỉ xuất hiện ở 1 chân, chân này khỏi, chân kia sẽ mắc phải.

chuyen-gia-khuyen-cao-giu-am-ban-chan-mua-dong-nhu-bao-ve-trai-tim-minh

Bàn chân tiếp xúc với môi trường bên ngoài thường bị khô da, nứt nẻ, chảy máu.Ảnh minh họa

Bàn chân cũng có thể mắc viêm đa khớp dạng thấp nếu không được bảo vệ vào mùa đông. Khi bàn chân tổn thương, các đầu khớp ngón chân bị tổn thương, khó vận động vào buổi sáng khi thức dậy.

Ngoài ra, thời tiết chuyển sang rét đậm rét hại đột ngột trong những ngày vừa qua khiến bàn chân bị cước, đặc biệt là phụ nữ trung niên và cao tuổi. Cước chân là hiện tượng da bàn chân bị nứt, loét, viêm và hoại tử. Đầu ngón chân tự nhiên bị sưng lên, tím đỏ và rất đau. Nếu không được điều trị cẩn thận thì có thể bị hỏng khớp và phải bỏ khớp ngón chân.

Nguyên nhân cước chân là do chân bị nhiễm lạnh khiến cho mạch máu da và khớp bị co thắt, thiếu máu dẫn đến viêm khớp hoại tử dạng vô khuẩn. Đầu ngón chân là vị trí dễ bị cước nhất.

Giữ ấm bàn chân như chính trái tim của mình

Chia sẻ với PV Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), bác sĩ Dương Văn Tâm, Bệnh viện Châm cứu Trung ương nhấn mạnh, giữ ấm đôi bàn chân vào mùa đông như "giữ chính trái tim của mình".

Bởi theo Đông Y, huyệt dũng tuyền, kinh thận… đi từ bàn chân đi lên.Theo bác sĩ Tâm, nếu để chân trần, toàn thân sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có tim mạch, thận… "Nhiều người thường bị đau bụng vì nhiễm lạnh, đi ngoài lỏng vào buổi sáng… do để lạnh bàn chân", bác sĩ lấy ví dụ.

Ngày ngay, y học còn áp dụng nhiều phương pháp điều trị bệnh bằng việc bấm vào các vị trí huyệt dưới bàn chân. Ví dụ, vị trí chữa mắt, thận, nội tiết, mất ngủ… Cho nên, bác sĩ Tâm khẳng định, cần giữ ấm cho đôi bàn chân, đặc biệt là thời điểm rét đậm, rét hại.

Bác sĩ khuyến cáo, thời điểm này, nên giữ ấm cơ thể, đặc biệt là đôi bàn chân. Khi ra ngoài trời lạnh, nên mang giầy, tất cao cổ.

Một số loại tất thời trang ngắn cổ không phải sự lựa chọn để giữ ấm chân. Ngay cả khi ở nhà hoặc bất cứ thời điểm nào cảm thấy lạnh, mọi người cũng phải đi tất ngay.

Với những người làm việc ngoài trời, thường xuyên phải lội nước, nên đi sục hay ủng để bàn chân được khô ráo.Hơn nữa, hạn chế tiếp xúc với nước lạnh, các chất tẩy rửa. Thay vào đó, luôn giữ ấm đôi bàn chân bằng việc ngâm chân với nước ấm, có thêm gừng, lá lốt; mát xa chân để tăng cường sức đề kháng.

Khi đi ngoài đường trở về nhà, bàn chân thường lạnh buốt nhưng tuyệt đối không hơ chân vào lửa để sưởi ấm. Bên cạnh đó, không nên dùng túi chườm, chăn điện để ủ ấm chân. Ngược lại, hãy dành thời gian để xoa bóp bàn chân cho máu lưu thông.

Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước ấm để tăng cường chất dinh dưỡng cho cơ thể hoạt động tốt. Với những đôi chân thường xuyên phải tiếp xúc với thời tiết bên ngoài, dẫn tới nứt nẻ đau nhức nên dùng kem dưỡng ẩm thường xuyên, vệ sinh sạch sẽ, tránh vi khuẩn lây lan.

Dù thời tiết khắc nghiệt tới đâu, mọi người cũng nên vận động, tập thể dục để nâng cao sức đề kháng. Đối với bàn chân, nên đi lại thư giãn ngay ngay cả khi làm việc hoặc ngồi xem tivi.

Theo Doanh nghiệp