Chuyện những đứa trẻ mồ côi vì COVID-19: Chị gái lo không nuôi được em ăn học; bé gái 9 tuổi được hàng xóm nhận chăm

Trở thành những đứa trẻ mồ côi cha mẹ, những đứa trẻ chỉ biết nương tựa vào nhau trong căn nhà trống vắng.

Mồ côi cha mẹ sau 2 ngày vì COVID-19, chị gái lo không thể nuôi em ăn học

chuyen-nhung-dua-tre-mo-coi-vi-covid-19-chi-gai-lo-khong-nuoi-duoc-em-an-hoc-be-gai-9-tuoi-duoc-hang-xom-nhan-cham

2 chị em Trần Thị Ngọc Tuyền (18 tuổi) và Trần Khoa Đăng Trường (10 tuổi) nương tựa vào nhau sống trong căn nhà đã vắng bóng cha mẹ.

COVID-19 đi qua khiến căn nhà vốn dĩ đầy đủ 4 thành viên gồm bố là ông T.H.D (71 tuổi), mẹ là bà P.T.Đ (64 tuổi) và 2 đứa con Trần Khoa Đăng Trường (10 tuổi) và Trần Thị Ngọc Tuyền (18 tuổi), nay chỉ còn lại 2 chị em tự xoay xở, dựa vào nhau để sống qua ngày.

Hai em sống tại căn nhà nhỏ nằm trên đường An Dương Vương (phường An Lạc A, quận Bình Tân), đồ đạc sách vở dụng cụ để sinh hoạt hàng ngày đều được để ngay trên chiếc giường gỗ. Mắt hai chị em vẫn còn sưng lên có lẽ vì khóc do nhớ thương bố mẹ.

Ngọc Tuyền kể lại những ngày đau đớn khi mất đi cha mẹ, bắt đầu từ giữa tháng 7. Cơn bão COVID-19 kéo tới gia đình khiến cả 4 người đều trở thành bệnh nhân COVID-19.

Tưởng rằng đi điều trị là sẽ sớm khỏi bệnh, nhưng nào ngờ đâu, vài ngày sau, mẹ đã không thể qua khỏi, ra đi ngay trước mặt con. Đó cũng trở thành nỗi ám ảnh và nuối tiếc đối với 2 chị em từng ngày cho tới tận bây giờ.

Lúc chiếc xe đẩy tới chuyển thi thể mẹ đi, Ngọc Tuyền nhớ như in khung cảnh em trai mình vừa chạy đuổi theo vừa khóc. "Em trai em khóc quá trời luôn, nó cứ nói "mẹ ơi sao mẹ bỏ con vậy...", còn em không thể nói gì hết, đứng yên đó vì quá hoảng hốt" - Tuyền kể lại, đôi mắt em rưng rưng.

Nhưng bi kịch chưa dừng lại khi bố của 2 em cũng ra đi mãi mãi nhưng tới 10 ngày sau 2 chị em mới nhận được tin. "Mẹ em mất ngày 4/8 rồi ba em mất ngày 5/8. Ba em mất mà em đâu có biết, mãi đến ngày 15/8 em mới được biết", Ngọc Tuyền tràn đầy sự nuối tiếc.

Ngọc Tuyền mới 18 tuổi nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Tuyền đã đi làm từ cách đây vài năm. Em đi làm để nhường cơ hội học tập cho em trai và mong muốn sớm có thu nhập đỡ đần cho ba mẹ. Lúc ba mẹ còn sống, ba làm nghề sửa xe, mẹ em trước đây làm nhà giáo nhưng đã nghỉ hưu.

Tuyền giờ đây vừa là chị nhưng vừa là mẹ. Trước mắt còn bao nhiêu khó khăn, những nỗi lo canh cánh trong lòng em lại là về cậu em trai mới chỉ đang học lớp 5. "Em đã định sẵn tương lai cho em từ trước rồi nhưng sợ tương lai của thằng nhỏ liệu có học hết lớp 12 được không, rồi không biết sẽ đi về đâu" - Tuyền tâm sự.

Căn nhà giờ còn có 2 chị em sinh hoạt, dường như mọi thứ cũng sơ sài hơn. Chiếc bàn thờ mẹ cũng là chiếc bàn học được kê sát vào góc tủ, bên trên cũng chỉ có hũ tro, dòng chữ viết tay "Xin cầu cho linh hồn Maria” và bát hương không hoa không nến. Tuyền nói, em gửi tro của bố ở trên một ngôi chùa quen, đến giờ này cũng chưa thể đưa tro của bố về bên cạnh mẹ.

Nỗi đau mất mẹ vì COVID-19 của bé gái 9 tuổi ở TP.HCM được hàng xóm chăm lo

chuyen-nhung-dua-tre-mo-coi-vi-covid-19-chi-gai-lo-khong-nuoi-duoc-em-an-hoc-be-gai-9-tuoi-duoc-hang-xom-nhan-cham

Quế Anh thường nhìn về nhà trọ cũ, nơi có nhiều kỷ niệm của em và mẹ

Hơn chục năm trước, chị Nguyễn Thị Dạ Thảo (45 tuổi) thuê nhà trọ trong hẻm 258 đường Trần Hưng Đạo, Q.1. Hẻm nhỏ, bà con sống quây quần nên ngày chị Thảo sinh Quế Anh, ai nấy đều xúm lại ẵm bồng. Cũng vì vậy mà từ bé đến lớn, Quế Anh được các bà, các cô trong hẻm cưng như con cháu trong nhà. Riêng bà Hồ Thị Chào (56 tuổi, nhà đối diện) có món gì ngon đều gọi Quế Anh sang ăn cùng. Dần dà, em được vợ chồng bà Chào xem như cháu chắt trong nhà.

Khoảng giữa tháng 8/2021, chị Thảo có triệu chứng ho, khó thở nên dặn Quế Anh ở hẳn bên nhà bà Chào, không được chạy qua chạy lại về nhà. Đến ngày 24/8, chị trở mệt, được đưa vào Bệnh viện đa khoa Sài Gòn. Hai ngày sau, bệnh viện báo tin chị không qua khỏi. “Nghe tin mẹ mất, Quế Anh òa lên khóc, ai nhìn cũng thương đứt ruột. Tôi nói nó thôi cứ ở đây với bà, bà lo cho học hành. Cha nó còn 7 - 8 đứa con với người vợ đầu nên cũng lo không xuể, nó ở với mẹ, gắn bó với mẹ nhất mà giờ mẹ nó đi vậy, tội lắm”, bà Chào tâm sự.

Quế Anh cho biết ngày còn mẹ, em thường chạy qua chạy lại giữa hai nhà, đồ đạc cũng để cả ở hai bên nên muốn ngủ ở đâu cũng được, em cũng luôn nghĩ bà Chào là ngoại của mình. 

chuyen-nhung-dua-tre-mo-coi-vi-covid-19-chi-gai-lo-khong-nuoi-duoc-em-an-hoc-be-gai-9-tuoi-duoc-hang-xom-nhan-cham

Bà Chào chăm sóc, nuôi dưỡng Quế Anh như con cháu trong nhà

Theo bà Chào, Quế Anh ngoan ngoãn, lễ phép, biết vâng lời nên chăm sóc em không có gì quá vất vả. Vì không biết đi xe máy nên bà Chào dự định khi trường học mở cửa lại, bà sẽ nhờ hàng xóm đưa rước Quế Anh đi học, chở bà đi họp phụ huynh. Bà Chào có con gái lớn đã lập gia đình ở riêng nên bà cũng muốn tiếp tục nuôi nấng, dạy dỗ Quế Anh nên người. Bà bộc bạch: “Nhiều hôm cứ tối đến là nó ra trước cửa, nhìn sang nhà gọi “Mẹ ơi, mẹ ơi” mà xót cả ruột. Hỏi đến thì nó lại khóc lớn hơn nên lắm lúc tôi cũng giả lơ, để con bé tự bình tĩnh trở lại. Sau này nó nói là nhớ mẹ quá không kìm chế được, nghe thương quá”.

Anh Nguyễn Long Hải (38 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh), cậu của Quế Anh, cũng cho hay bà ngoại Quế Anh vừa mất, ông ngoại mắc COVID-19 vừa xuất viện về, sức khỏe yếu nên cả nhà chưa dám báo tin. Anh Hải cũng đang trong thời gian cách ly tại nhà, không thể đón bé Quế Anh về nhà chăm sóc.

"Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, giờ may có cô Chào chăm sóc, chỉ cho bé học online. Ngày nhỏ, bé gắn bó với cô Chào nên có tình cảm. Khi dịch hết, nếu bé muốn ở với cô và cô đồng ý thì nhà tôi tiếp tục gửi bé bên đó hoặc đón về với ông ngoại. Bỗng chốc cháu mồ côi mẹ vì COVID-19, tôi giờ chỉ có thể gọi điện động viên chứ không biết làm gì khác. Tro cốt mẹ bé vẫn đang gửi ở chùa, sau dịch nhà tôi sẽ đón về thờ cúng", anh Hải nói.

Mẹ nhiễm COVID-19 rồi mất sau ca sinh mổ, bé trai 8 tuổi bỗng thành mồ côi

chuyen-nhung-dua-tre-mo-coi-vi-covid-19-chi-gai-lo-khong-nuoi-duoc-em-an-hoc-be-gai-9-tuoi-duoc-hang-xom-nhan-cham

Từ ngày mẹ mất, đứa trẻ 8 tuổi chỉ biết dựa dẫm vào ba

Con tên là Huỳnh Minh Thông, năm nay con 8 tuổi, học lớp 3. Con ở nhà với ba, mẹ con mất rồi. Ba nói mẹ con đi cách ly xong mẹ mất. Con nhớ mẹ lắm…

Đưa tay quệt nước mắt, Thông ngơ ngác nhìn xung quanh. Đã hơn một tháng trôi qua, trong tâm thức của đứa trẻ 8 tuổi, Thông chưa thể chấp nhận được việc mẹ con đã mãi mãi ra đi.

Ngày ba chở mẹ đi bệnh viện để khám em bé, Thông vẫn ngoan ngoãn ở nhà đợi mẹ về nấu cơm. Nhưng rồi cả ba mẹ đều nhiễm COVID-19, phải tạm cách ly trong bệnh viện, cuộc điện thoại ngắn ngủi gọi về, Thông còn nhõng nhẽo với mẹ.

"Mẹ gọi điện nói chuyện với con, mẹ nói con ở nhà ngoan, mẹ đi cách ly mai mốt rồi về, nhưng mà mẹ có về nữa đâu", Thông bật khóc.

Ngồi cạnh đứa con trai nhỏ, anh Huỳnh Phước Toàn (31 tuổi) thất thần sau sự ra đi đột ngột của vợ. Đôi mắt anh đỏ hoe sau những đêm dài mất ngủ, đến thời điểm hiện tại, anh vẫn chưa tin, vợ anh đã không còn nữa.

"Ngày 3/8, anh đưa vợ đi khám thai ở BV Nguyễn Tri Phương, đến đó test thì cả 2 đều dương tính. Anh cũng không biết bị lây ở đâu, 2 vợ chồng được chuyển đi cách ly. Vì sức khỏe vợ anh yếu nên chuyển qua Gò Vấp, bác sĩ nói sẽ cứu mẹ nhưng rồi chỉ cứu được em bé, vợ anh mất rồi", anh Toàn nghẹn lời.

chuyen-nhung-dua-tre-mo-coi-vi-covid-19-chi-gai-lo-khong-nuoi-duoc-em-an-hoc-be-gai-9-tuoi-duoc-hang-xom-nhan-cham

Mỗi ngày, ngoài việc học, Thông chỉ biết quanh quẩn bên cạnh ba

Từ ngày chị Nhung mất đi, căn nhà nhỏ cũng vắng hẳn tiếng nói cười. Bình thường mọi sinh hoạt trong nhà, ăn uống đều do một tay chị Nhung lo liệu, giờ vợ mất rồi, anh Toàn vừa phải làm trách nhiệm của cả mẹ lẫn ba.

"Thằng bé ngày nào cũng buồn, ban đêm nhìn con ngủ, nó ôm gối, ôm đồ cột tóc của mẹ nó, anh chỉ biết khóc. Anh không dám nhắc đến mẹ trước mặt con vì sợ nó buồn. Hai đứa còn quá nhỏ", anh Toàn đau đớn nói.

Đứng nép mình một góc trước cửa nhà, Thông hướng đôi mắt to tròn về phía đầu ngõ. Thông nhớ mẹ, nhớ những ngày 2 mẹ con quây quần bên nhau.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang tổng hợp danh sách người già neo đơn và trẻ em mất cha mẹ do COVID-19 để xây dựng chính sách hỗ trợ; dự kiến ban hành trong tháng 9/2021.

Dự kiến, đối với người già không có ai chăm sóc, các đoàn thể địa phương hỗ trợ, hoặc sắp xếp đưa các cụ vào trung tâm bảo trợ xã hội để chăm sóc tập trung được tốt hơn.

Đối với các cháu mồ côi, tùy theo hoàn cảnh, nguyện vọng của gia đình, người thân, người giám hộ và các cháu, thành phố sẽ triển khai chương trình đỡ đầu, chăm sóc, trao học bổng hoặc đưa các cháu vào trung tâm bảo trợ trẻ em để các cháu có điều kiện ăn học tốt hơn.

“Tinh thần là giúp các cháu có điều kiện tốt nhất để học tập đến năm 18 tuổi. Những cháu nào có thể học nghề thì tiếp cận với học nghề, kết nối với các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức tạo việc làm cho các cháu”, ông Mãi cho biết.

Thời gian qua, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã tham gia vào việc chăm nom, hỗ trợ trẻ em mồ côi do COVID-19. Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết thành phố rất trân trọng, hoan nghênh sự góp sức của các cá nhân, tổ chức. Trong các chính sách mà thành phố xây dựng cũng đa dạng, phát huy sự tham gia, hỗ trợ của các tổ chức xã hội. Thành phố và các tổ chức, doanh nghiệp sẽ cùng nhau bàn bạc để việc giúp đỡ thật sự bài bản, hiệu quả và có ý nghĩa lâu dài cho các cháu.

 

Theo GiaDinh