"Cô ơi, ba con mất rồi, mẹ con cũng không qua khỏi"

"Chỉ 3 - 4 hôm sau, mẹ học trò cũng không qua khỏi. Cậu bé không kịp nhìn mặt mẹ lần cuối. Em trở thành trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ trong chưa đầy một tuần" - cô N. kể về tình cảnh của cậu học trò lớp 9.

Những ngày này, cô N.P.N, giáo viên Sinh học ở TPHCM hễ nhắc đến cậu học trò lớp 9, ngụ ở Quận 10 là nghẹn ngào. Bố mẹ em là người quen với gia đình cô N., gắn bó bao năm nên cô nắm rõ hoàn cảnh. 

Cậu học trò ấy bỗng chốc trở thành một trong hàng ngàn đứa trẻ mồ côi vì dịch Covid-19. Tận cùng đau đớn, em mất cả cha lẫn mẹ. 

Cô N. kể cả gia đình học trò là F0. Cậu bé với bố được vào điều trị cùng một bệnh viện, ở chung một phòng. Còn người mẹ - tình trạng bệnh nặng hơn được chuyển qua một cơ sở y tế khác. 

co-oi-ba-con-mat-roi-me-con-cung-khong-qua-khoi

Em Võ Quyên Tiền Định, ở Thủ Đức, TPHCM mất mẹ vì dịch Covid-19 (Ảnh: Nguyễn Quang)

Những ngày trong viện, cậu học trò sớm khỏe nên phụ bác sĩ chăm sóc bố. Cô N. kể có lần liên lạc hỏi thăm gia đình em, nghe người cha nói: "Anh mệt, khó thở lắm!". Nữ giáo viên chẳng hỏi han được nhiều. 

"Vài hôm sau, cậu học trò bật khóc trong điện thoại báo tin ba đi rồi. Em kể đã lau người cho ba trước khi khâm liệm", cô nói tới đây nghẹn giọng một lúc. Rồi cô òa khóc. 

"Chỉ 3 - 4 hôm sau, mẹ học trò cũng không qua khỏi. Cậu bé không kịp nhìn mặt mẹ lần cuối. Em bỗng thành trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ trong chưa đầy một tuần" - cô N. kể. 

Về cậu học trò thân quen với gia đình mình, cô N. nói em là đứa trẻ hiếm muộn, bố mẹ đã lớn tuổi mới sinh được con. Bây giờ cả hai đã ra đi, không kịp để lại cho con một lời căn dặn.

Hiện tại, cậu học trò đang sống với gia đình người cậu ruột ở TPHCM. Nhiều khả năng tới đây dì của em đang ở nước ngoài sẽ trở về Việt Nam sinh sống để chăm sóc - nữ giáo viên kể. 

Những ngày qua, cậu học trò vẫn tham gia học online, cố gắng mạnh mẽ.

"Có lẽ cú sốc mất cả cha lẫn mẹ trong chốc lát vượt quá sức chịu đựng của em. Ước gì lúc này tôi có thể ở bên cạnh, ôm em vào lòng", cô N. bày tỏ. 

Vượt quá năng lực của trường học 

Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An, TPHCM cho biết ở trường mình có nhiều hoàn cảnh học sinh mồ côi cha mẹ do dịch Covid-19. Trong hoàn cảnh giãn cách này, nhà trường không dễ dàng tiếp cận được ngay để hỗ trợ các em. 

Theo ông Hoàng, không phải em nào cũng có nhu cầu hỗ trợ về tiền bạc, vật chất ngay, nhưng đòi hỏi thành phố có một chiến lược dài hơi trong vấn đề này. Trong đó rất cần sự cẩn trọng, tế nhị vì tâm lý lứa tuổi các em, thêm đối diện khủng hoảng sẽ rất phức tạp, đôi khi không lường hết được. 

co-oi-ba-con-mat-roi-me-con-cung-khong-qua-khoi

4 chị em Võ Quyên Tiền Định trở thành những đứa trẻ mồ côi mẹ (Ảnh: Nguyễn Quang)

Báo cáo mới nhất của TPHCM, đến ngày 13/9, toàn TPHCM có 1.517 từ tiểu học đến THPT trở thành trẻ mồ côi vì dịch Covid-19 . 

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, trước mắt, đối với học sinh mồ côi, thầy cô, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm sẽ nắm tình hình, trao đổi với người thân về vấn đề chăm sóc các em. Bên cạnh đó, giáo viên động viên, hỗ trợ kịp thời các em trong quá trình học tập.

Thảm cảnh xảy ra với các em, giáo viên sẽ là một trong những người quan trọng trong việc tiếp cận học trò. Nhưng thực tế, nhiều giáo viên cũng lúng túng, không biết phải chia sẻ với các em như thế nào trước mất mát quá lớn. 

Một giáo viên ở Quận 7, TPHCM bày tỏ bản thân mình không có kiến thức hay kỹ năng về tâm lý trong tình huống quá đặc biệt này. Im lặng thì bất an, hỏi thăm cũng sợ có thể vô tình mình gợi nhớ, xoáy vào nỗi đau của học trò. 

Trong bối cảnh giãn cách, không thể gặp trực tiếp, việc động viên các em càng khó khăn hơn. Nhiều lời động viên mình cho là cần thiết nhưng có thể tác dụng ngược với các em; sự chia sẻ thiếu tế nhị có thể trở thành sự thương hại...

"Tôi nhắn tin cho một học trò cũ mất mẹ, nói em cố gắng lên. Em nói: "Làm sao con cố nổi hả cô?". Thế rồi hai cô trò òa khóc nức nở... Cả tuần liền, cô học trò không ăn nổi, chỉ uống sữa cầm hơi. Mình quá nhỏ bé trước nỗi đau của các con", cô giáo thổn thức.

"Tấm lòng là không thiếu, điều cần là những tính toán cho lâu dài"

Sáng 17/9, bên lề buổi làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã chia sẻ với báo chí về cách thức, phương hướng hỗ trợ đối với hơn 1.500 học sinh phổ thông rơi vào cảnh mồ côi do dịch Covid-19 trên địa bàn.

"Chúng ta cần tính toán chu toàn. Sau mỗi cuộc chiến, bão lũ, dịch bệnh, hậu quả bao giờ cũng có đối với người dân. Trách nhiệm của chính quyền là phải chăm lo", Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ.

Về các phần việc cụ thể, người đứng đầu Đảng bộ TPHCM cho biết, Thành ủy đã bàn với UBND TPHCM, Hội Phụ nữ thành phố để phối hợp, tính toán. Việc chăm lo không chỉ cho giai đoạn trước mắt mà còn giúp các em học sinh có chỗ dựa, phát triển lâu dài, không phải chịu thiệt thòi.

Ông Nguyễn Văn Nên lấy ví dụ một số trường hợp các em mồ côi cả cha lẫn mẹ trong đại dịch, gia đình, người thân chưa ai kịp về để lo các công việc tiếp theo. Chính quyền phải lo lắng, tính toán những kế hoạch chi tiết về việc quản lý, giữ gìn tài sản trước mắt cho các em nhỏ.

"Chắc chắn thành phố sẽ tính toán, sắp xếp ổn định mới phân công nhau cho chu toàn. Xã hội luôn sẵn lòng, cũng đã có các tập đoàn hỗ trợ xây dựng trường học. Tấm lòng là không thiếu, điều cần là những sự tính toán cho lâu dài", ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Theo Dantri