COVID-19 lan ra gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 98.000 ca mắc; người Mỹ hốt hoảng dự trữ hàng hoá

Sau một đêm, tính đến 7h30 sáng ngay (6/3), cả thế giới có 98.088 trường hợp xác định mắc bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Dịch bệnh lan ra 87 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã có 3.356 người tử vong vì căn bệnh này.

Ý trở thành quốc gia có số tử vong cao nhất ngoài Trung Quốc đại lục

Tại Trung Quốc đại lục, số ca mắc là 80.430 và số tử vong là 3.013. Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực cải thiện tình hình nên số ca mắc và tử vong tại quốc gia này đã giảm rõ rệt.

Trong khi số ca mắc và tử vong ở Trung Quốc có xu hướng giảm thì những số liệu này ở ngoài Trung Quốc đại lục đang tăng nhanh chóng mặt.

Tính đến 7h30 sáng nay, dịch COVID-19 đã lan ra 89 quốc gia và vùng lãnh thổ với 17.658 người mắc (tăng 2.878) và  343 ca tử vong (tăng 72). 

covid-19-lan-ra-gan-90-quoc-gia-va-vung-lanh-tho-voi-hon-98-000-ca-mac-nguoi-my-hot-hoang-du-tru-hang-hoa

Dịch bệnh lan nhanh trên thế giới với nhiều ca tử vong. Ảnh minh hoạ

Sau một đêm, số ca mắc và tử vong tại Ý tăng vọt bất ngờ thêm 769 ca mắc và 41 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 3.858 và 148 ca tử vong. Ý đã trở thành quốc gia có số người tử vong cao nhất thế giới, bên ngoài Trung Quốc đại lục, "soán ngôi" của Iran.

Iran có 108 ca tử vong (tăng 1) và 3.513 ca nhiễm (tăng 591). 

Hàn Quốc - điểm dịch lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc - ngày 5/3 có thêm 5 ca tử vong và 467 ca nhiễm mới. Như vậy, hiện Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 40 ca tử vong và 6.088 ca nhiễm. Chính phủ Hàn Quốc đã xác định thành phố Gyeongsan ở Đông Nam nước này là khu vực quan tâm đặc biệt trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Trước đó, hai địa phương khác đã được xác định là khu vực quan tâm đặc biệt là Daegu và Cheongdo. Chính phủ Hàn Quốc cũng quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các nhà trẻ, trường mẫu giáo thêm 2 tuần, đến ngày 22/3 tới, để phòng chống dịch bệnh. Hiện đã có tổng cộng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ áp đặt các lệnh cấm nhập cảnh hoặc quy định cách ly đối với du khách tới từ Hàn Quốc.

Trong ngày 5/3, Nhật Bản công bố thêm 33 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh COVID-19 lên 364 ca, chưa kể gần 700 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 trên tàu Diamond Princess.

covid-19-lan-ra-gan-90-quoc-gia-va-vung-lanh-tho-voi-hon-98-000-ca-mac-nguoi-my-hot-hoang-du-tru-hang-hoa

Các thành viên của Bộ chỉ huy tác chiến thứ hai của quân đội đã khử trùng một cửa hàng bán lẻ ở Daegu, tâm chấn của sự bùng phát coronavirus của Hàn Quốc, vào ngày 5 tháng 3 năm 2020. (Ảnh: Yonhap)

Virus SARS-CoV-2 có thể làm tổn thương hệ thần kinh trung ương của bệnh nhân

Theo Tân Hoa Xã, các bác sĩ Trung Quốc đã lần đầu tiên chứng minh rằng virus SARS-CoV-2 có thể làm tổn thương hệ thần kinh trung ương của bệnh nhân. Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng COVID-19 có thể tấn công các nội tạng như gan, thận và tim nhưng chưa có báo cáo nào về những tổn thương hệ thần kinh trung ương do virus gây ra. Các nhà nghiên cứu cũng từng phát hiện ra rằng virus SARS và MERS có thể xâm nhập hệ thống thần kinh của bệnh nhân.

Cũng trong ngày 5/3, Trung Quốc đã phê chuẩn việc sử dụng thuốc kháng viêm Actemra của hãng dược phẩm Thụy Sĩ Roche để điều trị cho các bệnh nhân nặng do nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi đang nỗ lực tìm cách mới chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus này gây ra.

Actemra là một loại thuốc sinh học, đã được Mỹ phê chuẩn năm 2010 để trị bệnh viêm khớp, thấp khớp (RA), có khả năng ngăn chặn tình trạng protein Interleukin 6 (IL6) tăng cao, vốn gây các bệnh viêm nhiễm. Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đang thử nghiệm thuốc Actemra trong một thử nghiệm lâm sàng đối với 188 bệnh nhân COVID-19. Thử nghiệm kéo dài tới ngày 10/5.

Số ca nhiễm COVID-19 ở Đức, Pháp, Hà Lan tăng mạnh

Trong ngày 6/3, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn tiếp tục lan rộng trên thế giới khi nhiều nước tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên và những ca nhiễm mới. Cụ thể, Nam Phi đã ghi nhận trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên. Bệnh nhân là một công dân Nam Phi, 38 tuổi, đã từng cùng vợ tới Italy. Họ là thành viên trong một nhóm du lịch gồm 10 người, trở về Nam Phi vào ngày 1/3/2020.

Hy Lạp ghi nhận thêm 22 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong một nhóm người vừa trở về từ Israel, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus này lên 31 người. 

Trong khi đó, Bộ Y tế Ai Cập thông báo nước này đã có thêm một trường hợp mắc COVID-19. Đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận là một công dân Ai Cập và là ca nhiễm thứ ba cho đến nay. Hai trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở Ai Cập trước đó được xác định là người nước ngoài, trong đó một ca đã hồi phục. Trường hợp thứ ba mới nhất là một công dân Ai Cập 44 tuổi trở về nước từ Serbia và sau 12 giờ quá cảnh tại Pháp. Người này đã có biểu hiện nhiễm chủng virus nguy hiểm này sau vài ngày về nước. Maroc cũng đã xác nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 thứ hai - bệnh nhân là một phụ nữ vừa trở về từ Italy.

Số người nhiễm COVID-19 đã tăng mạnh tại Bỉ những ngày gần đây. Theo thông báo của Bộ Y tế cộng đồng Bỉ, tính đến ngày 6/3, nước này đã có 50 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Riêng trong 24 giờ qua, có thêm 27 trường hợp, tức tăng hơn gấp đôi. Hiện tại tất cả các trường hợp xác định bị nhiễm bệnh đều là người đi du lịch từ Italy về hoặc có tiếp xúc với người đi từ Italy về. Các ca nhiễm bệnh được ghi nhận tại tất cả các vùng của Bỉ: vùng thủ đô Brussels, vùng nói tiếng Hà Lan và vùng nói tiếng Pháp. 

Nước Đức cũng ghi nhận thêm 283 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 chỉ trong vòng một ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 545. Bang chịu ảnh hưởng lớn nhất tại Đức là North Rhine-Westphalen ở miền Tây nước này, vùng có dân số cao nhất tại Đức. Trong khi đó, Thụy Sĩ đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19, bệnh nhân là một phụ nữ 74 tuổi sống tại miền Tây nước này.

Đến sáng nay 6/3, giới chức y tế Pháp xác nhận thêm 3 trường hợp tử vong do COVID-19 ở nước này, đưa tổng số người tử vong do SARS-CoV-2 lên 7 trường hợp, trong khi số ca nhiễm là 423 trường hợp. 

Số các ca nhiễm ở Hà Lan cũng tăng hơn 2 lần, lên 82 trường hợp nhiễm COVID-19. Bosnia và Herzegovina đã ghi nhận 2 ca đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là hai bố con sống ở khu vực Banja Luka, Tây Bắc nước này. Người bố từ Italy về nước hồi cuối tháng 2, hiện đang được cách ly, điều trị và trong tình trạng ổn định. Các thành viên trong gia đình cũng đã được xét nghiệm và một người con có kết quả dương tính ngày 4/3. Bosnia và Herzegovina là nước thứ 3 trong khu vực Balkan ghi nhận dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Người dân Mỹ hoảng loạn, vơ vét dự trữ hàng hoá

Tại Mỹ, bang Hawaii đã ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế nhằm tăng cường các nỗ lực ngăn chặn mối đe dọa từ COVID-19. Chính quyền bang này nhấn mạnh: "Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là sức khỏe và an toàn của cộng đồng toàn bang. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ giúp chúng tôi có thể hành động nhanh và hiệu quả hơn trong nỗ lực bảo vệ cộng đồng trước dịch bệnh và cung cấp viện trợ khẩn cấp khi cần thiết". Lệnh này sẽ có hiệu lực ngay sau khi công bố và kéo dài đến hết ngày 29/4 tới.

Trước đó, giới chức bang California cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi bang này ghi nhận số ca nhiễm bệnh ngày một tăng, đặc biệt là ca tử vong đầu tiên. Hiện Mỹ có 221 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và 12 trường hợp tử vong.

Giấy vệ sinh Charmin không còn tại hệ thống siêu thị Costco. Gạo, khẩu trang ở Walgreen cháy hàng. Ngay cả nước rửa tay diệt khuẩn cũng hết sạch trên Amazon. Có phải người Mỹ đang thận trọng chuẩn bị cho đại dịch Covid-19 mới bằng cách dự trữ hàng hóa hay chỉ là đổ xô đi mua hàng trong hoảng loạn?

Cuối tuần qua, cư dân mạng Mỹ đã chia sẻ rất nhiều hình ảnh ghi lại những dòng người khổng lồ xếp hàng vào các siêu thị để mua đồ dự trữ hay các kệ hàng trống trơn. Kroger - siêu thị truyền thống lớn nhất với hơn 2.700 cửa hàng ở Mỹ đã đăng một thông báo lên trang web của họ hôm 2-3 cho biết, phải hạn chế mỗi người chỉ được mua 5 sản phẩm thuộc nhóm khử trùng, hỗ trợ chống cảm lạnh và cảm cúm trong bối cảnh nhu cầu tăng đột biến.

covid-19-lan-ra-gan-90-quoc-gia-va-vung-lanh-tho-voi-hon-98-000-ca-mac-nguoi-my-hot-hoang-du-tru-hang-hoa

Người dân Mỹ hốt hoảng mua đồ dự trữ. Ảnh minh hoạ

Từ trước tới nay, người Mỹ duy trì thói quen dự trữ đồ dùng cần thiết đề phòng các trường hợp khẩn cấp như động đất ở California hay bão lớn ở miền Đông. Cơ quan ứng phó khẩn cấp liên bang gần đây cũng khuyến nghị cư dân nên trữ nước, thực phẩm và thuốc đủ dùng trong 2 tuần, đề phòng dịch COVID-19 bùng phát. 

Tuy vậy, trào lưu vơ vét, dự trữ hàng hóa dẫn đến khan hiếm đang mang đến những tác động đáng lo ngại. Tổng Y sỹ Hoa Kỳ Jerome M. Adams - người phát ngôn về các vấn đề có liên quan đến y tế công cộng trong Chính phủ liên bang cuối tuần trước đã viết trên Twitter: “Mọi người đang nghiêm trọng hóa, hãy dừng mua khẩu trang. Việc này không hiệu quả trong việc ngăn chặn COVID-19 nói chung. Khi mà những người trực tiếp chăm sóc sức khỏe của chúng ta không có khẩu trang để chăm sóc bệnh nhân, điều này sẽ khiến họ và cả cộng đồng gặp nguy hiểm”.

Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi bình tĩnh 

Các quan chức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, hiếm khi một mầm bệnh đường hô hấp như virus này có thể lây lan rộng rãi trong cộng đồng như vậy, nhưng nó cũng có thể ngăn chặn được. WHO cũng kêu gọi công chúng giữ bình tĩnh, bởi sự sợ hãi và hoảng loạn còn nguy hiểm hơn cả virus. “Quan tâm và lo lắng là tốt, nhưng hãy bình tĩnh và làm những điều đúng đắn”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng nhấn mạnh.

Theo GiaDinh