Cử nhân loại giỏi ấm ức vì trượt viên chức

Sau bốn năm học tập, phấn đấu, Vũ Phương Nhi tốt nghiệp loại giỏi, chính quy, ngành sư phạm Văn của Đại học Giáo dục. Với ước mơ được đứng trên bục giảng, Phương Nhi đã tham gia kỳ thi tuyển viên chức của ngành giáo dục Hà Nội. Tuy nhiên chị đã bị trượt chỉ vì cách tính điểm mà chị cho là "khó hiểu"...

Cử nhân loại giỏi ấm ức vì trượt viên chức
Thí sinh Vũ Phương Nhi (bên phải) cảm thấy thất vọng khi bị trượt trong kỳ thi công chức. Ảnh: Quang Huy

Cả tháng nay, khi biết tin mình thi trượt viên chức, Vũ Phương Nhi (SN 1993, trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn chưa thể lấy lại thăng bằng. Chị Nhi cho rằng, việc áp dụng cách tính điểm chưa hợp lý đã khiến chị bị loại.

Trò chuyện với chúng tôi, Phương Nhi cho biết: “Em tham gia thi tuyển viên chức ngành giáo dục ngày 18/10/2015 với chỉ tiêu vào Trường THCS Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội). Em tự tin vì làm bài thi khá tốt, đặc biệt là trước đó em đã tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi của Đại học Giáo dục. Điểm bảo vệ khóa luận tốt nghiệp của em là 9,4".

Sau đó, Vũ Phương Nhi đã nhận được kết quả thi từ Hội đồng tuyển dụng quận Đống Đa. Theo đó, Nhi đạt các điểm thi như sau: Điểm thực hành 66,5 (điểm này được nhân đôi - PV); điểm học tập 79,24; điểm tốt nghiệp 79,24. Tổng số điểm là 291,48. Kết quả này khiến Nhi xếp sau một thí sinh khác, đồng nghĩa với việc bị trượt bởi chỉ tiêu ở môn Văn vào Trường THCS Láng Hạ chỉ lấy duy nhất 1 người.

Theo Phương Nhi, Hội đồng Tuyển dụng đã căn cứ vào điểm học tập của chị (là 7,924 - nhân với hệ số 10 - bằng 79,24 - PV) chứ không căn cứ vào điểm khóa luận (là 9,4 điểm, nếu nhân hệ số 10 sẽ bằng 94 điểm) để xét tuyển. Nếu căn cứ vào điểm khóa luận thì Phương Nhi đã đạt 321 điểm, chứ không phải 291,48 điểm như thông báo. Với 321 điểm, Nhi sẽ hơn thí sinh trúng tuyển vào trường THCS Láng Hạ... 26 điểm.

Cử nhân loại giỏi ấm ức vì trượt viên chức
Kết quả thi do Hội đồng Tuyển dụng quận Đống Đa công bố.

Ngày 24/11/2015 chị Nhi có đơn khiếu nại. Đến ngày 30/11/2015, Hội đồng Tuyển dụng viên chức ngành giáo dục quận Đống Đa có công văn trả lời. Nội dung công văn ghi: “Căn cứ vào Khoản 3, Điều 12, Nghị định 29, trường hợp người dự xét tuyển được đào tạo theo hệ thống tín chỉ thì điểm học tập đồng thời là điểm tốt nghiệp và được quy đổi theo thang điểm 100 và tính hệ số 2”.

Theo Phương Nhi, nếu Hội đồng Tuyển dụng lấy điểm khóa luận thì chị đã trúng tuyển. Việc lấy điểm khóa luận là có căn cứ, bởi tại Khoản 2, Điều 12, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc tuyển dụng và quản lí công chức nêu về cách tính điểm như sau: “Điểm tốt nghiệp được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn của người dự xét tuyển và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 1”.

Trong Công văn số 2772 của Sở Nội vụ Hà Nội cũng nêu rõ: “Trường hợp thí sinh được làm khóa luận hoặc đồ án tốt nghiệp thì điểm khóa luận hoặc đồ án tốt nghiệp được thay thế 2 môn thi tốt nghiệp kiến thức giáo dục chuyên nghiệp”.

Vũ Phương Nhi cho rằng, việc Hội đồng áp dụng Khoản 3, Điều 12, Nghị định 29 là không thỏa đáng, bởi chương trình đào tạo đại học (tín chỉ hay niên chế) là do Bộ GD&ĐT quy định, sinh viên không có sự lựa chọn.

“Tôi đề nghị Hội đồng Tuyển dụng và các cơ quan chức năng của quận Đống Đa, của Thành phố Hà Nội xem xét lại kết quả thi của tôi, áp dụng cách tính điểm thật sự công bằng, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh", Vũ Phương Nhi nói.

Theo Quang Huy (Gia đình & Xã hội)