Cua Cà Mau giá giảm không phanh

Một nhóm giáo viên tại TP.Cần Thơ ngồi trao đổi chuyên môn thì bất ngờ nhận điện thoại từ cô bạn đồng nghiệp đang công tác tại Cà Mau vồn vã: “Ăn cua gạch son không, có hơn trăm ngàn đồng/kg hà. Ăn thì tui mua gửi lên liền”.​

Cua Cà Mau hiện đang có giá mua bán giảm sâu chưa từng thấy. Điều này khiến nhiều hộ nông dân nuôi cua gặp nhiều khó khăn. Giá cua giảm từ đầu năm tới nay là do đầu ra khó khăn: khách du lịch giảm mạnh, thị trường nhập khẩu cua chủ yếu là Trung Quốc đang bị “đóng băng”…

Giá cua giảm không phanh

Tổ hợp tác nuôi cua thương phẩm 2 Tháng 9 (xã Đông Thới, H.Cái Nước, tỉnh Cà Mau) nhiều năm qua ăn nên làm ra nhờ con cua. Trước tết Nguyên đán, trong 18 hộ thành viên của tổ, hộ thấp nhất cũng được hơn chục triệu, hộ cao nhất thu được vài chục triệu đồng từ vụ cua tết.

Vụ cua tết của họ không chỉ để bán trước tết mà còn để cung cấp cho thị trường sau tết. Nhưng niềm vui trúng mùa được giá đó chẳng được lâu. Khi vừa qua tết, giá cua liên tục lao dốc không phanh. Ông Nguyễn Minh Phồi - tổ trưởng tổ hợp tác - cho biết, giá cua gạch cận tết lên tới 750.000 đồng/kg, hiện còn 200.000 - 250.000 đồng/kg; cua thịt loại 1 giá 600.000 đồng/kg, giảm xuống còn 150.000 - 200.000 đồng/kg, cua thải loại có giá chỉ hơn 100.000 đồng/kg.

“Trước tết, người dân thu hơn 2 triệu đồng/thùng cua, bây giờ chỉ được vài trăm ngàn đồng. Cả năm chỉ trông chờ vào vụ cua dịp Trung thu và vụ cua đón tết Nguyên đán mà thế này thì đói. Chúng tôi đang định hướng chuyển đổi sang nuôi sò chứ dịch bệnh kiểu này, giá cua khó mà tăng được” - ông Phồi than thở.

cua-ca-mau-gia-giam-khong-phanh

Giá cua Cà Mau đang giảm mạnh khiến nông dân nuôi cua điêu đứng

Hằng năm, giá cua sau tết Nguyên đán giảm nhưng không đáng kể và chưa năm nào giảm đột ngột, giảm mạnh như năm nay. So với cùng kỳ năm trước, giá cua thương phẩm thấp hơn khoảng 50-60%. Tại thủ phủ của con cua Cà Mau - vùng đất bạt ngàn rừng đước và rừng mắm thuộc H.Năm Căn - một số thương lái thậm chí tạm ngưng thu mua cua, càng khiến giá cua giảm sâu hơn. Nguyên nhân giảm là do xuất khẩu gặp khó khăn, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 80% sản lượng xuất khẩu cua của tỉnh Cà Mau, nay ngưng nhập hàng.

Loay hoay tìm đầu ra

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn H.Năm Căn, toàn huyện có gần 25.000ha đất nuôi cua xen canh với tôm, sản lượng thu hoạch đạt từ 5.000 - 6.000 tấn cua thương phẩm/năm. Dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của hàng chục ngàn nông hộ cũng như các cơ sở kinh doanh cua ở vùng đất ngập mặn đặc thù này.

“Chúng tôi rất cần có thêm thị trường khác thay thế để ổn định cho đầu ra con cua, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc” - ông Trần Thanh Dũng, Phó giám đốc Công ty TNHH Cua Biển Nam, nói.

Theo ông Phạm Trường Giang - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng H.Năm Căn - ngành chức năng địa phương đang tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân nhưng trong phạm vi quyền hạn thì rất khó. Từ trước đến nay, mặt hàng cua của huyện chủ yếu xuất tiểu gạch qua thị trường Trung Quốc và cũng do các thương lái nước này tự gom hàng từ các đại lý. Hiện cần thị trường khác nhưng doanh nghiệp ở huyện toàn nhỏ lẻ nên năng lực rất yếu.

“Chúng tôi chỉ biết phản ánh, kiến nghị chứ không làm được việc này. Bây giờ, phải liên hệ được với Bộ Công thương để biết thị trường nào, doanh nghiệp nào có nhu cầu, mới mời gọi về hợp tác được. Chính quyền cấp huyện và các doanh nghiệp nhỏ lẻ ở đây không có khả năng để liên hệ giao dịch, mua bán” - ông Giang nói.

Hiện dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Nếu dịch bệnh kéo dài, tình hình sản xuất, kinh doanh cua của nông dân Cà Mau sẽ còn tiếp tục khó khăn.

Theo Pháp luật Việt Nam/GĐXH