Cuộc đảo nợ của đại gia bất động sản phố núi Gia Lai

Sau khi tất toán khoản vay với chủ nợ lớn nhất là BIDV, Quốc Cường Gia Lai phát sinh những khoản vay lớn, nhưng chủ nợ lần này lại chính là các lãnh đạo của doanh nghiệp.

Cùng với Hoàng Anh Gia Lai , Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) từng được xem là hai doanh nghiệp nổi tiếng nhất tại phố núi nhưng có hoạt động kinh doanh chủ yếu tại các tỉnh thành lớn. Với hàng loạt dự án triển khai khu vực TP.HCM và phía Nam, Quốc Cường Gia Lai là một trong những đại gia bất động sản có tiếng. Song giai đoạn 2016-2017, công ty gặp rất nhiều khó khăn khi vướng vào các khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng.

Từng nói với PV, ông Nguyễn Quốc Cường , Phó chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG), cho rằng khoảng thời gian vướng vào khoản nợ hơn 1.000 tỷ với BIDV là thời điểm căng thẳng nhất với công ty. Mặc dù đã tất toán khoản nợ này nhưng công ty đã đối mặt với hệ quả rất lớn, là bị chấm dứt mọi quan hệ tín dụng với nhà băng này.

“Đây là đòn đau đối với một doanh nghiệp đang hoạt động”, ông Cường khẳng định.

Cuộc đảo nợ của đại gia bất động sản phố núi Gia Lai

Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai. Ảnh: Hải An.

Thực tế, từ khi tất toán toàn bộ nợ gốc và lãi 1.376,7 tỷ cho BIDV vào cuối tháng 3/2017, doanh nghiệp đã không còn phát sinh bất kỳ khoản vay nào tại BIDV.

Cho đến cuối tháng 6 vừa qua, tổng nợ phải trả của công ty là 7.992 tỷ, tăng 9% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cũng là 1,93 lần, chấp nhận được với một doanh nghiệp đang tái cơ cấu.

Tuy nhiên, trong cơ cấu nợ phải trả của công ty, nợ vay tài chính vốn là khoản nợ lớn nhất thì từ năm 2017 đã thay đổi, hiện chỉ còn chiếm 7% tổng nợ phải trả, so với 44% vào cuối 2016. Trong khi đó, tại các công ty bất động sản cùng quy mô, tỷ lệ này vào khoảng 25% như với Nam Long; 39% với Hải Phát Invest và 45% tại Văn Phú Invest, khoảng 11% với Phát Đạt...

Cơ cấu nợ của Quốc Cường lại tập trung tới 79% vào khoản phải trả ngắn hạn khác, bao gồm hơn 2.882 tỷ tiền nhận đặt cọc của Sunny cho Dự án Phước Kiển; 1.500 tỷ đồng phải trả bên thứ 3 và 1.950 tỷ phải trả bên liên quan.

Các bên liên quan này chính là gia đình nữ Chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan, gia đình ông Lại Thế Hà, Thành viên HĐQT và các tổ chức, cá nhân khác.

 

Cuộc đảo nợ của đại gia bất động sản phố núi Gia Lai
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai đang cho công ty vay tổng cộng 259,5 tỷ đồng. Hai người thân Nguyễn Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Ngọc Huyền My là em và con ruột bà Loan cũng cho công ty vay 510 tỷ.

Chồng và con gái bà Nguyệt là ông Hồ Viết Mạnh và bà Hồ Thị Diệu Thảo cũng đang cho công ty mượn hơn 129,5 tỷ đồng. Tính chung những người có liên quan tới bà Loan đang cho Quốc Cường Gia Lai vay tới gần 899 tỷ đồng, gấp 25 lần dư nợ năm 2016.

Ông Lại Thế Hà, Thành viên HĐQT, cùng con gái là bà Lại Thị Hoàng Yến, cũng đang có khoản cho vay 333 tỷ đồng với công ty này.

Ngoài ra, công ty đang phải mượn tiền từ nhiều bên khác, như 110 tỷ mượn từ Công ty cổ phần Bắc Phước Kiển; 160 tỷ mượn của Công ty TNHH XD và KD Nhà Phạm Gia; 332 tỷ mượn từ Công ty cổ phần BĐS Hiệp Phú; 59 tỷ mượn từ Công ty cổ phần BĐS Hiệp Phú Land…

Riêng hoạt động tín dụng với ngân hàng , sau khi bị cắt tín dụng với BIDV, Vietcombank trở thành chủ nợ lớn nhất của Quốc Cường với 450 tỷ đồng dư nợ. Ngân hàng liên doanh Việt Nga cũng đang cho công ty vay tổng cộng 82,6 tỷ và VDB cho vay gần 53 tỷ đồng gồm cả ngắn hạn và dài hạn.

Các khoản vay đều có tài sản đảm bảo là dự án bất động sản và thủy điện mà công ty đang triển khai.

Cuộc đảo nợ của đại gia bất động sản phố núi Gia Lai
Tính đến cuối tháng 6, Quốc Cường có tổng cộng 7.123 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho, chiếm 59% tổng tài sản.

Trong số hàng tồn này, có tới 94% là bất động sản dở dang, lớn nhất là dự án khu dân cư Phước Kiển, ghi nhận 4.786 tỷ đồng tồn kho. Mặc dù đã nhận hơn 2.882 tỷ tiền tạm ứng từ đối tác Sunny, đến cuối kỳ qua, dự án này vẫn được ghi nhận thuộc sở hữu của Quốc Cường Gia Lai.

Số tiền tạm ứng sẽ được dùng để cấn trừ giá trị chuyển nhượng trong tương lai, khi việc đàm phán chuyển nhượng dự án được hoàn tất.

Quốc Cường Gia Lai cũng trải qua quý II kinh doanh không mấy thuận lợi, chỉ ghi nhận doanh thu thuần 86 tỷ đồng, giảm mạnh 71% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán hàng hóa và bán điện bất ngờ tăng mạnh, nhưng doanh thu từ bất động sản chỉ vỏn vẹn 2,47 tỷ đồng, giảm tới 99%.

Theo ban lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai, doanh thu trong quý vừa qua giảm mạnh là do công ty chưa bàn giao căn hộ cho khách hàng. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ, công ty báo lãi sau thuế vỏn vẹn 4,53 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Quốc Cường đạt 54 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 81% so với thực hiện năm trước.

Cuộc đảo nợ của đại gia bất động sản phố núi Gia Lai

Theo Zing