Cuối thế kỷ 21 Trái đất sẽ có nguy cơ gặp thảm họa tàn khốc nhất

Theo các nhà khoa học Mỹ, nhiệt độ toàn cầu gia tăng hơn 3 độ C có thể gây ra nhiều hậu quả "thảm khốc" liên quan tới các thảm họa tự nhiên khó kiểm soát ở cuối thế kỷ 21.

Thảm họa tự nhiên sẽ ở mức không thể kiểm soát

Để có được những dự đoán trên, các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Hải dương học ở Đại học California San Diego (Mỹ) đã tiến hành thí nghiệm bằng cách sử dụng phép ngoại suy, nhằm xác định điều gì sẽ xảy ra nếu nhiệt độ gia tăng từ năm 2017 đến năm 2100.

Từ kết quả thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đưa ra cảnh báo rằng: "1/20 khả năng chúng ta có thể bị hủy diệt do những sự kiện "có ít khả năng xảy ra nhưng hậu quả kinh hoàng" diễn ra". 1/20 tức là 5%, con số này khiến nhiều người cho rằng là nhỏ bé, ít có khả năng xảy ra.

Có một cách so sánh như thế này. Giả sử bạn di chuyển trên một chiếc máy bay có tỉ lệ rơi là 5% thì sao? Trên thực tế, nhiều máy bay gặp nạn do tình hình thời tiết xấu với những diễn biến khó lường. Đó là lý do vì sao chúng ta cần phải nhìn nhận nghiêm túc xác suất 5% này.

Veerabhadran Ramanathan, giáo sư về khoa học khí hậu tại Đại học California (Mỹ) cho hay: "Chúng ta sẽ không bao giờ bước lên chuyến bay 5% ấy, nhưng con cháu của chúng ta có thể trở thành nạn nhân".

Trái đất đang có nguy cơ gặp thảm họa do biến đổi khí hậu toàn cầu. Ảnh minh họa

Trái đất đang có nguy cơ gặp thảm họa do biến đổi khí hậu toàn cầu. Ảnh minh họa

Theo đánh giá nguy cơ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dựa trên mục tiêu được đặt ra ở Hiệp định Paris lịch sử năm 2015, các quốc gia thống nhất sẽ giữ mức nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 2 độ C so với thời kỳ Tiền công nghiệp (khoảng năm 1750).

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, ngay cả khi đạt được mục tiêu đó, mức tăng nhiệt độ toàn cầu 1,5 độ C vẫn được coi là nguy hiểm, gây nhiều thiệt hại cho con người và tự nhiên.

Theo đó, với việc gia tăng 3 độ C, thảm họa tự nhiên sẽ ở mức không thể kiểm soát. Còn nếu tăng tới 5 độ C, hậu quả về những kịch bản mà con người và hệ sinh thái tự nhiên phải hứng chịu là không thể đoán trước được.

Con người sẽ ra sao khi thảm họa xảy ra?

Các nhà khoa học cho biết, nếu Trái đất nóng lên, hậu quả có thể bao gồm việc tăng nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt chết người, bão, lũ lụt hoặc hạn hán với cường độ mạnh, khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, nhiệt độ toàn cầu tăng cao còn có thể gây mất phần lớn lãnh thổ ở nhiều quốc gia ven biển. Mực nước biển dâng cao do sự sụp đổ của lớp băng khổng lồ ở Tây Nam Cực. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến nhiều thành phố, quốc gia trên thế giới.

Tần suất xuất hiện những hiện tượng thời tiết, thảm họa thiên nhiên sẽ diễn ra với cường độ mạnh như siêu bão, lũ lụt lớn, ... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với đời sống của những người nghèo.

Giáo sư Ramanathan cho rằng, nguy cơ nhiệt độ toàn cầu tăng lên còn cao hơn và ẩn chứa nhiều hậu quả "không thể lường trước" với Trái đất và nhân loại.

"Bóng ma" của biến đổi khí hậu được nêu lên để phản ánh những nguy cơ tiềm ẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và sự tuyệt chủng của nhiều loài động, thực vật khi nhiệt độ toàn cầu tăng trên 5 độ C, điều mà chưa từng xảy ra trong ít nhất 20 triệu năm qua.

Theo các nhà khoa học, những sự thay đổi ở hiện tại còn quá nhỏ để chúng ta phải lo sợ. Tuy nhiên nếu nhìn tới 500 năm nữa khi mà những sự thay đổi trở nên rõ ràng hơn và gây ra hậu quả nghiêm trọng , chắc chắn chúng ta sẽ phải biết lo sợ cho Trái đất.

Bắt đầu với năm 2100, khi đó nhiệt độ Trái đất sẽ tăng thêm khoảng 2,2 độ C so với năm 2016. Và 2 độ C có thể gây ra những khác biệt rất lớn.

Các khu vực như Châu Phi, Nam Mỹ và Ấn Độ sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất, khi mà nhiệt độ trung bình mùa hè có thể tăng lên 43 độ C. Mức nhiệt độ này có thể giết chết hàng nghìn người mỗi năm. Các núi băng khổng lồ tại Châu Á (chủ yếu thuộc dãy Himalayas) sẽ bị giảm kích thước khoảng 30%, do băng tan chảy.

Hạn hán sẽ xảy ra, cùng với đó là việc dân số tiếp tục tăng cao. Nguồn nước không đủ đáp ứng cho người dân sử dụng tại Châu Á sẽ là rắc rối vô cùng to lớn. Dòng sông băng khổng lồ trên dãy Alps của Châu Âu sẽ hoàn toàn biến mất.

Đại dương cũng sẽ trở nên nóng hơn, khiến cho rặng san hô Great Barrier lớn nhất thế giới có thể biến mất. Mực nước biển sẽ nâng cao lên thêm 1m, khiến cho hàng trăm nghìn người phải di tản và tìm nơi định cư mới. Các quốc đảo như Tuvalu, Kiribati và quần đảo Marshall sẽ không còn sinh sống được.

Vào thế kỷ 22, dân số thế giới có thể đạt 9,5 tỷ người. Trong khi tài nguyên như nước, thực phẩm, năng lượng ngày càng hạn hẹp. Kết quả là có thể dẫn đến nhiều cuộc xung đột. Lúc đó loài người có thể tìm kiếm được một thuộc địa mới ngoài vũ trụ, như Sao Hỏa.

Tuy nhiên chúng ta luôn phải đối mặt với những thảm họa tự nhiên như những cơn bão Mặt Trời. Nó có thể phá hủy hoàn toàn mạng lưới điện, do khí quyển Sao Hỏa mỏng hơn nhiều so với Trái đất.

An Dương

Theo VietQ