Đại gia Lê Phước Vũ 'nợ như chúa chổm' 16 nghìn tỷ, giá cổ phiếu chưa bằng cuốc xe ôm

Tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ có 9 tháng đầu năm làm ăn “bết bát” với khoản nợ lên tới hơn 16 nghìn tỷ, và giá cổ phiếu thì chưa bằng cuốc xe ôm.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2018 của Tập đoàn Hoa Sen (MCK: HSG) cho thấy, doanh thu thuần của HSG đạt 8.566 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kì năm trước.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lại tăng lên 2.026 tỷ đồng, cao hơn 35% so với cùng kỳ năm trước, khiến lợi nhuận gộp của công ty này giảm 407,6 tỷ đồng, giảm 36% (từ 1.131 tỷ đồng kỳ năm ngoái xuống 723,8 tỷ đồng).

Doanh thu hoạt động tài chính của Hoa Sen tăng mạnh gấp tới 31 lần so với cùng kỳ (kỳ trước là 4,3 tỷ đồng) và đạt 134 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính của Hoa Sen cũng tăng gấp đôi từ 171 tỷ lên 351 tỷ đồng. Kết thúc quý III, Hoa Sen ghi nhận khoản lỗ gần 102 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kì năm 2017, công ty báo lãi 258 tỷ đồng.

Một con số đáng chú ý trong báo cáo tài chính của Hoa Sen là chi phí trả lãi ngân hàng của công ty này tăng mạnh 54% so với cùng kì năm trước lên mức 234,5 tỷ đồng. Tính chung niên độ cả năm, Hoa Sen đã phải chi ra tới gần 812 tỷ đồng chỉ để trả lãi ngân hàng trong năm vừa rồi.

Tính đến 30/9/2018, tổng số nợ của Hoa Sen là hơn 16 nghìn tỷ đồng. Theo đó, nợ ngắn hạn là 12.587 tỷ đồng và nợ dài hạn là 3.465 tỷ đồng. Khoản nợ này gấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu hiện đang ở mức 5.152 tỷ đồng, gây sức ép lớn lên đến sự tăng trưởng của tập đoàn đại gia Lê Phước Vũ.

“Chủ nợ” vay ngắn hạn lớn nhất của HSG là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, với khoản tiền cho vay lên tới 3.541 tỷ đồng. Các “chủ nợ” lớn khác là Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (1.658 tỷ đồng), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (1.507 tỷ đồng).

Đại gia Lê Phước Vũ 'nợ như chúa chổm' 16 nghìn tỷ, giá cổ phiếu chưa bằng cuốc xe ôm

 Ông Lê Phước Vũ.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam cũng là chủ nợ lớn dài hạn của Hoa Sen với khoản tiền cho vay 2.520 tỷ đồng, cùng rất nhiều ngân hàng khác.

Được biết, tình hình vay nợ của Tôn Hoa Sen đã được nhà đầu tư cảnh báo từ các năm tài chính trước đó, dựa trên những dấu hiệu lao dốc về lợi nhuận, cổ phiếu sụt giảm và nhà đầu tư thi nhau thoái vốn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu dòng tiền không kịp về để HSG trả nợ thì hậu quả khó lường trước trong cả ngắn và dài hạn. Đây cũng là mối lo ngại đối với các ngân hàng đang "chôn vốn" tại HSG.

CTCP Hoa Sen tiền thân của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) thành lập năm 2001 với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng và 22 nhân viên hoạt động chính trong ngành sản xuất tấm lợp bằng thép mạ kẽm, hợp kim nhôm mạ kẽm; ống thép mạ kẽm; lưới thép mạ, dâp thép mạ; sản xuất ống nhựa…

Sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, HSG có hơn 10 nhà máy sản xuất và 371 chi nhánh phủ khắp từ Bắc và Nam. Năm 2017, HSG chính thức đặt chân vào những doanh nghiệp tỷ đô của Việt Nam khi ghi dấu doanh thu thuần năm tài chính 2016 – 2017 lên đến 26.149 tỷ đồng.

Đồng thời, Tập đoàn Hoa Sen cũng giữ vị thế dẫn đầu tại thị trường nội địa với hệ thống phân phối liên tục được mở rộng, phát triển mạnh, sản phẩm chiếm hơn 34% thị phần tôn mạ và gần 20% thị phần ống thép. Bên cạnh đó, HSG cũng xuất khẩu sản phẩm đến hơn 70 Quốc gia/lãnh thổ.

Mặc dù vậy, tình hình kinh doanh hiện tại của Tập đoàn Hoa Sen chính xác là không "đẹp đẽ" như lịch sử của nó.

Bên cạnh đó, giá cổ phiếu HSG của Hoa Sen hiện đang ghi nhận mức thấp kỷ lục, với giá chỉ dao động quanh mốc 8,59 nghìn đồng/cp, chưa bằng một cuốc xe ôm.

Theo VietQ