Dân buôn đặc sản vùng miền dịp Tết lại vào mùa kiếm tiền



Vào dịp giáp tết, chị em nội trợ hay những người sành ăn lại săn đón các loại đặc sản nổi tiếng của núi rừng. Không chỉ đảm bảo độ sạch – ngon, chúng còn hấp dẫn bởi vị lạ miệng, hấp dẫn.

dan-buon-dac-san-vung-mien-dip-tet-lai-vao-mua-kiem-tien

Lạp sườn là đặc sản mang nét độc đáo riêng của đồng bào dân tộc Tày Nùng thuộc vùng núi Cao Bằng hay Lào Cai.

Sản vật đặc trưng ở các vùng miền trên cả nước thường được vận chuyển đưa về các thành phố lớn. Càng gần đến Tết Nguyên đán, những loại hàng hóa này càng thu hút sự chọn lựa của khách hàng.

Bên cạnh những sản phẩm thông dụng thì nhiều người còn có nhu cầu lùng mua những sản vật độc đáo của các vùng miền làm quà biếu Tết khiến thị trường mặt hàng này trở nên sôi động.

Bà Thanh Huyền (đường Thái Hà, Hà Nội) cho biết, bà đã đặt mua gần 10kg lạp sườn xông khói - đặc sản của vùng núi Lạng Sơn để ăn Tết và làm quà biếu họ hàng, người thân. "Thông thường bữa ăn truyền thống của mình ngày Tết đều có rồi, nhưng bây giờ có thêm những đặc sản khác của vùng miền thì mâm Tết cổ truyền của mình sẽ phong phú hơn và phục vụ được cho cả người già, trẻ con khiến gia đình rất là vui vẻ" - bà Huyền chia sẻ.

dan-buon-dac-san-vung-mien-dip-tet-lai-vao-mua-kiem-tien

Giữa muôn vàn loại nấm không rõ nguồn gốc xuất xứ như ngày nay, nấm hương rừng từ vùng núi như Điện Biên, Hà Giang, lại “được lòng” bà nội trợ hơn hẳn dù giá cả trội hơn.

Nắm bắt được nhu cầu của những người dân xa quê đang sinh sống tại thành phố lớn, các cửa hàng kinh doanh các đặc sản vùng miền đã không ngừng tăng cường các loại hàng hóa của đủ các địa phương nhằm phục vụ đầy đủ nhu cầu của khách hàng dịp Tết.

Chị Đỗ Thu Loan, nhân viên cửa hàng thực phẩm đặc sản tại đường Cầu Diễn (Hà Nội) cho biết, ngoài các mặt hàng khô, năm nay để phục vụ nhu cầu của người dân, cửa hàng còn cung cấp nhiều mặt hàng tươi như: rau, củ, quả, đến các loại thực phẩm như: bún lá, chả rươi, chả cá Lã Vọng, chả mực… Đây là các đặc sản có tiếng ở các tỉnh phía Bắc.

Không chỉ có các cửa hàng chuyên kinh doanh đặc sản, các nhân viên công sở cũng tìm cách kiếm tiền dịp Tết nhờ buôn đặc sản. Anh Vũ Ngọc Tuấn, nhân viên kỹ thuật tại một công ty viễn thông ở Hà Nội cho biết, cứ gần Tết, anh lại đi đến các điểm chuyên bán hàng "độc" để đặt trái cây. Hiện anh đã nhận khoảng 200 đơn hàng đặt 400 cặp trái cây “độc”, trong đó có 300 cặp bưởi hồ lô, 100 cặp dưa hấu vuông và dưa hấu thỏi vàng.

Để bảo đảm hàng hóa đến được với người tiêu dùng thành phố nhanh và giữ được chất lượng tốt nhất, các mặt hàng này đều được vận chuyển bằng đường hàng không để khách hàng hưởng được độ tươi ngon của các sản phẩm.

dan-buon-dac-san-vung-mien-dip-tet-lai-vao-mua-kiem-tien

Không chỉ đơn thuần là món ngon đãi khách, thịt gác bếp còn trở thành món đồ biếu ý nghĩa tặng người thân, ban bè dịp Tết.

Ngoài ra, các thực phẩm khô và tươi dùng trong những ngày Tết như: chè (Thái Nguyên), miến dong (Hà Nội), măng khô (Tuyên Quang), bánh đậu xanh (Hải Dương), các loại thịt gác bếp (Sơn La), nem, chả (Huế), rượu Làng Vân (Bắc Giang), cá bống Sông Trà (Quảng Ngãi), rượu Bàu Đá (Bình Định), nấm mộc nhĩ, nấm hương, các loại măng khô, dưa kiệu, hành muối… cũng hút khách dịp này.

Hiện nay, hầu hết các mặt hàng này đều được bán trực tuyến trên Internet tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tranh thủ mua sắm trong những ngày bận rộn cuối năm. Một cái Tết nữa lại đến gần, những món ăn đặc sản vùng miền này chắc chắn sẽ đem đến những bữa cơm Tết đa dạng, phong phú mà giữ được phong vị truyền thống cho ngày Tết cổ truyền trong mỗi gia đình.

Theo GiaDinh