Đang gây tranh cãi, nhưng Golf đang được đào tạo thành chuyên ngành tại một số trường đại học nổi tiếng Việt Nam

Trong khi nhiều người còn đang tranh luận về việc có nên đưa Golf vào dạy môn thể chất của ĐH Quốc gia Hà Nội, một số trường đại học tại Việt Nam chính thức đưa Golf trở thành chuyên ngành đào tạo và tuyển sinh từ vài năm nay.

Mới đây, ĐH Quốc gia Hà Nội đã công bố từ năm học 2021 - 2022, trường sẽ chính thức đưa bộ môn Golf vào giảng dạy thử nghiệm như một trong những bộ môn giáo dục thể chất để sinh viên lựa chọn. 

Nhà trường trang bị hoàn toàn dụng cụ, cơ sở vật chất tập luyện… Học phí vẫn tương tự những tín chỉ bình thường khác, sinh viên không phải đóng các loại phí bổ sung.

Thông tin này nhanh chóng tạo ra những tranh luận, bởi nhiều người cho rằng môn thể thao này vốn được coi là "quý tộc", chỉ người giàu mới có khả năng chơi…

Trong khi vẫn còn nhiều tranh luận về việc đưa Golf trở thành môn Giáo dục thể chất tại ĐH Quốc gia Hà Nội thì trên thực tế, môn Golf cũng không phải xa lạ tại một số trường đại học ở Việt Nam, trở thành chuyên ngành đào tạo về nghề nghiệp. 

Cụ thể, vào năm 2017, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã công bố trường ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với một trường đại học tại Hàn Quốc. Sau đó, nhà trường đã đưa môn Golf trở thành một chuyên ngành trong Khoa Giáo dục thể chất. Chương trình học này được liên kết với Đại học KonKuk (Hàn Quốc).

Theo ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Golf là môn thể thao thời thượng, ngành học phù hợp với nhu cầu phát triển của thực tiễn xã hội.

Sinh viên tốt nghiệp sẽ trở thành giáo viên giảng dạy Golf và một số môn thể thao khác tại các trường học trong nước và quốc tế; huấn luyện viên dạy Golf tại các sân tập và khu tập Golf; giảng dạy Golf tại các học viện Golf; chuyên viên quản lý cơ sở vật chất và các công trình về Golf; chuyên viên tổ chức các sự kiện thể thao và Golf chuyên nghiệp.

dang-gay-tranh-cai-nhung-golf-dang-duoc-dao-tao-thanh-chuyen-nganh-tai-mot-so-truong-dai-hoc-noi-tieng-viet-nam

Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã đưa Golf trở thành chuyên ngành đào tạo. Ảnh: HIU

Tương tự, ĐH Tôn Đức Thắng cũng đã đưa Golf trở thành chuyên ngành đào tạo Khoa Khoa học thể thao. Cụ thể, chuyên ngành đào tạo về Golf có thời gian học 4 năm, trình độ đại học hệ chính quy.

Về tuyển sinh, năm 2019, điểm trúng tuyển chuyên ngành Golf là 24,00 điểm. Năm 2020, điểm trúng tuyển 27,00 điểm. Dự kiến, năm 2021, ĐH Tôn Đức Thắng tiếp tục tuyển sinh chuyên ngành Golf.

Theo nhà trường, ngành Golf là ngành được đào tạo duy nhất tại Khoa Khoa học thể thao. Chương trình đào tạo được nhập khẩu của trường đại học Chung - Ang (Hàn Quốc), trường đại học đào tạo Golf nổi tiếng nhất tại Hàn Quốc. Đội ngũ giảng viên là các giáo sư, chuyên gia, huấn luyện viên quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực Golf đến từ Hàn Quốc, Đài Loan.

Cơ sở vật chất và môi trường học tập hiện đại: hệ thống sân tập với 54 line phát bóng, hệ thống sân tập ngoài trời 6.000m2, hệ thống phòng tập thể lực hiện đại, hệ thống phòng mô phỏng phân tích 3D về kỹ thuật và thể lực với đầy đủ trang thiết bị hiện đại nhất. 4 học phần thực tập được học trực tiếp tại các sân Golf trên toàn quốc. Hơn 50% môn học chuyên ngành gắn liền thực hành.

Theo giới thiệu của ĐH Tôn Đức Thắng, sinh viên tốt nghiệp ngành Golf sẽ tìm thấy nhiều vị trí, cơ hội việc làm hấp dẫn trong các lĩnh vực như:

Chuyên viên tổ chức sự kiện trong lĩnh vực Golf; chuyên viên quản lý hệ thống sân tập Golf; chuyên viên kinh doanh sản phẩm về Golf; chuyên viên quản lý dịch vụ thể thao tại resort và khách sạn 5 sao có sân Golf; chuyên viên tổ chức sự kiện giải đấu Golf; giảng viên, huấn luyện viên Golf, vận động viên Golf chuyên nghiệp.

Theo GiaDinh