Đau đầu vì chọn nghề, biết đúng hay sai?

Thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp thường xuyên, nhiều bạn trẻ không biết lựa chọn ngành nghề nào là phù hợp với bản thân.

Vấn đề về lựa chọn ngành nghề theo đuổi luôn là vấn đề nan giải trong tình hình xã hội hiện nay, nhất là khi tình hình bất ổn về cán cân giữa cung và cầu trong thị trường lao động đang có chiều hướng xê dịch về cung nhiều hơn cầu.

Đặc biệt là trong một số ngành nghề nhất định, tỉ lệ sinh viên sau khi ra trường theo báo cáo của Tổng cục thống kê tỷ lệ thất nghiệp 2015, gần 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp , số người thất nghiệp theo trình độ chuyên môn đại học và sau đại học tăng khoảng 16.000 so với cùng kỳ năm 2014.


Hình minh họa

Việc lựa chọn nghề nghiệp định hướng tương lai trong tâm thế dựa trên những quan điểm, sở thích cá nhân, hay thông tin tìm hiểu từ nhiều nguồn không chính thống khác nhau đã gây nên tâm lý hoang mang và cực kì chủ quan khi đưa ra quyết định. Điều đó dẫn đến tình trạng lựa chọn ngành nghề không phù hợp với bản thân hoặc bản thân không thích làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và làm trái ngành nghề càng cao.

Trong những năm gần đây, nhóm ngành có tỷ lệ quan tâm và thu hút nhiều bạn trẻ nằm trong các lĩnh vực về quản trị kinh doanh, du lịch, thiết kế đồ họa, tài chính-Marketing và một ngành mới nổi mang tên quan hệ công chúng (PR).

“PR là những hoạt động truyền thông giúp cho cá nhân, tổ chức được mọi người yêu mến, ủng hộ và kính trọng. Bất kỳ một hoạt động truyền thông nào không tạo ra được sự yêu mến và kính trọng, đó không phải là PR”, theo chuyên gia truyền thông Lê Trần Bảo Phương.

Việc lựa chọn nghề nghiệp chạy theo xu hướng thời đại không có sự dẫn dắt hay thông tin thống kê rõ ràng, mang tính cảm tính sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đối với các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp. Tuy rời khỏi ghế nhà trường với tấm bằng cử nhân trong tay nhưng các bạn sinh viên cực kì bỡ ngỡ vì thị trường lao động không như những gì họ mong muốn.

Vậy, một vấn đề được đặt ra làm thế nào để có thể biết được còn đường nào là đúng đắn và cần làm những gì để tránh được tình trạng thất nghiệp sau khi ra trường? Vì thế, một trong những nguyên tắc đầu tiên trong việc lựa chọn nghề nghiệp là: 

1-   Tìm hiểu về bản thân

Việc  hiểu bản thân có những ưu - khuyết điểm như thế nào và sở thích gì là yếu tố đầu tiên trong việc định vị được con đường và hướng đi trong tương lai. Bởi vì mỗi ngành nghề đều có những đòi hỏi về tố chất nhất định cần có khi làm việc.

2-   Tìm hiểu về công việc mong muốn

Ngày nay, nhờ sự phát triển của  khoa học công nghệ và internet  mà việc tìm kiếm thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Do đó, nếu các bạn trẻ biết cách tìm hiểu thông tin một cách chủ động thì sẽ trang bị thêm kiến thức giúp cho việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân được dễ dàng và đúng đắn hơn.

3-   Tham dự các chương trình hội thảo về hướng nghiệp

Bên cạnh việc tìm kiếm thông tin online, thông tin việc làm từ các buổi hội thảo cũng chiếm đến 80% trong quyết định lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân. Tại đó, các bạn trẻ có thể đặt câu hỏi để được các chuyên gia thuộc lĩnh vực mà các bạn quan tâm giải đáp và tư vấn.

4-   Xác định mục tiêu ngành nghề đề ra cho bản thân

Sau các bước tìm hiểu bản thân và nghề nghiệp, các bạn trẻ đã có được một số vốn kiến thức để có thể xác định được mục tiêu mình muốn theo đuổi trong lĩnh vực chuyên môn và ngành nghề lựa chọn.


Hình minh họa

5-   Thường xuyên tự kiểm bản thân

Trong quá trình học tập, việc thường xuyên tự kiểm và chiêm nghiệm bản thân là cách để bảo đảm không rời xa khỏi mục tiêu được đặt ra ban đầu. Có nhiều trường hợp các bạn sinh viên năm cuối của chương trình vẫn không biết mình đang học gì và sẽ làm gì. Đây là một trong những vấn đề đáng quan ngại.

6-   Chuẩn bị đủ hành trang khi ra trường

Có một thực tế là khi tham gia thị trường lao động, tiếp xúc với thực tế thì kiến thức nhận được trong quá trình học tập chưa bao giờ là đủ để áp dụng vào thực tế.

Vì thế, ngoài những kiến thức nền tảng thì các bạn trẻ nên tự trang bị thêm cho mình những kỹ năng về chuyên môn trên nhiều phương tiện khác nhau nhằm giúp cho bản thân không bị lỗi nhịp với sự phát triển của thời đại.

Chọn nghề nào cho phù hợp là cả một quá trình cần có những bước đi chuẩn xác. Vì thế các bạn trẻ nên tìm hiểu thật kĩ và tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau để tránh việc lựa chọn công việc với đầu ra không như những gì bản thân mong muốn.

Hồ Tấn Tùng