ĐBQH yêu cầu Bộ GD&ĐT rút kinh nghiệm vì lấy học sinh làm... "chuột bạch"

“Thời gian qua vấn đề thí nghiệm, thực nghiệm của mình, có một số chỗ không đạt yêu cầu. Lấy học sinh ra làm chuột bạch, được thì tốt, không được thì không biết học sinh sẽ đi về đâu. Sai một ly đi một dặm” – đây là khẳng định của đại biểu Dương Minh Tuấn, đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu.

dbqh-yeu-cau-bo-gd-dt-rut-kinh-nghiem-vi-lay-hoc-sinh-lam-chuot-bach

Đại biểu Tuấn chia sẻ về thực trạng lấy học sinh làm chuột bạch.

Ngày 15/11, Quốc hội tiếp tục bàn về Dự án Luật Giáo dục sửa đổi. Đại biểu Dương Minh Tuấn nêu ý kiến: “Tôi xin đóng góp một từ, đó là từ "thực nghiệm". Trước đây, ở luật cũ, từ này tồn tại ở Điều 29 trong việc xây dựng sách giáo khoa phải thực nghiệm. Lần này, tôi tìm thấy từ đó nằm ở Điều 103 ở phần quản lý nhà nước về giáo dục. Tại sao tôi đặt vấn đề chỉ phân tích một từ này.

Báo cáo Quốc hội, kỳ trước tôi phân tích cũng khá sâu về thực nghiệm, thí nghiệm. Bởi vì, thời gian qua vấn đề thí nghiệm, thực nghiệm của mình, có một số chỗ không đạt yêu cầu.

Lấy học sinh ra làm "chuột bạch", được thì tốt, không được thì không biết học sinh sẽ đi về đâu. Sai một ly đi một dặm. Chúng tôi có đặt vấn đề thí điểm thực nghiệm phải được thông qua Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo thẩm tra của cơ quan thẩm tra cũng đã có nhận định cần phải có cơ quan kiểm chứng, cho ý kiến hoặc phê duyệt trước khi thí điểm.

Tiếp thu ý kiến này, Ban soạn thảo đưa vào hai văn bản, một văn bản tiếp thu, một tài liệu hỏi đáp, cũng tiếp thu ý kiến, tức là đặt vấn đề về thí điểm. Tuy nhiên, mới nghe qua ta nghĩ Ban soạn thảo rất cầu thị nhưng đọc kỹ vào câu chữ thì thấy cách viết lòng vòng, không thể hiện sự cầu thị.

Tôi xin đọc nguyên văn ở Điều 103: "Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định việc áp dụng đại trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công". Đồng nghĩa đại trà mới xin, còn thí điểm thì không xin.

Tôi đọc câu này, mới nghe qua rất hay, nhưng thực chất quan điểm của Ban soạn thảo vẫn bảo đảm giữ ý chí thí điểm thực nghiệm, thử nghiệm là không thông qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tôi cho việc này là không được. Thực tế, tốn bao nhiêu tiền tỉ nhưng cuối cùng hết giai đoạn 2015 - 2016 nhưng không tổng kết và công việc diễn ra do nóng vội, tập huấn chưa đầy đủ, những bất cập trên trong mô hình trường học mới đã được Bộ GD&ĐT nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Thế thì học sinh đi về đâu? Trân trọng đề nghị Ban soạn thảo phải có ý kiến về nội dung này. Nếu tiếp thu thì chỉnh sửa thêm Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào để phê duyệt.

Nếu không tiếp thu thì Ban soạn thảo cũng phải nói rõ rằng việc thí điểm này tốn tiền tỉ, học sinh là chuột bạch nhưng do nguyên nhân gì đó, không phải xin Thường vụ Quốc hội thì cũng phải nói rõ để chúng tôi biết lý do, đừng viết lòng vòng để cuối cùng cũng là không phải xin Thường vụ Quốc hội.

Đề nghị Ban soạn thảo hết sức cầu thị. Chuyện đầu tiên chúng tôi tiếp cận luật này là chúng tôi đi tìm chữ này, tìm rất khó mới thấy được, lần trước "thực nghiệm" bỏ, đến nay thay bằng chữ "thí nghiệm". Tôi xin nhấn mạnh sự bức xúc về việc này.

Liên quan đến điều này có một điểm nữa là Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương lớn có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước.

Mới nghe thì hay nhưng thực chất rất khó. Như thế nào là chủ trương lớn? Như thế nào là chủ trương nhỏ? Để thực hiện được chủ trương lớn phải đi kèm với nghĩa vụ học tập công dân trong phạm vi cả nước, 5 tỉnh, 10 tỉnh, 50 tỉnh, điều kiện này rất khó áp dung.

Tôi đề nghị sửa lại đơn giản là Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương về giáo dục đào tạo, như vậy đã bao hàm hết tất cả mọi chuyện. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét”.

Theo GiaDinh