Đề phòng ngộ độc ánh mặt trời khi nắng nóng kéo dài

Nghiêm trọng hơn cả cháy nắng chính là hiện tượng bị ngộ độc ánh mặt trời. Đây là hiện tượng nghe như đùa nhưng thực chất lại chứa mối nguy hại không ngờ dẫn tới ung thư da.

Ngộ độc ánh mặt trời có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng

Từ đầu hè đến nay, nhiệt độ miền Bắc liên tục tăng cao khiến các bệnh viện quá tải do nhiều người nhập viện. Theo thống kê tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Lão khoa Trung ương, vào thời điểm nắng nóng, số người già mắc bệnh mạn tính đến khám cũng tăng.

Nhiều biến chứng nghiêm trọng

Theo thông tin trên Gia đình & Xã hội,  PGS.TS Vũ Đức Định, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện E) cho biết, có nhiều mức độ thương tổn do nắng nóng gây ra như say nắng nóng xảy khi làm việc ở môi trường có nhiệt độ trên 32,2 độ C trở lên trong 3 - 4 ngày liên tiếp.

Khác với cháy nắng, ngộ độc ánh mặt trời là dạng cháy nắng nghiêm trọng. Điều này xảy ra khi bạn phơi mình dưới ánh nắng mặt trời cũng như tiếp xúc với tia cực tím trong một thời gian quá lâu. Không giống như cháy nắng nhẹ, ngộ độc mặt trời cần phải được điều trị có liệu trình.

Triệu chứng cụ thể nhận biết bị ngộ độc ánh mặt trời

- Ngứa, phồng rộp da: Da bạn sẽ trở nên ngứa ngáy hoặc xuất hiện các vết phồng rộp trên vùng bị ảnh hưởng, tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím.

- Đau và sưng: Vùng da bị ảnh hưởng có thể đau, xuất hiện các thương tổn, da cũng có thể đỏ hoặc bị sưng lên trên diện rộng.

- Da sẫm màu: Trong một số trường hợp, vùng da bị ảnh hưởng có thể trở nên tối màu hơn, đây được gọi là tăng sắc tố.

- Một nhóm các triệu chứng khác bao gồm: Sốt, buồn nôn, đau đầu, nnhững triệu chứng này có thể bị nhầm lẫn với cúm hoặc các bệnh tương tự, nên hơi khó nhận biết.

Cách phòng ngừa ngộ độc ánh mặt trời

Phồng rộp da là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất và nghiêm trọng nhất do ngộ độc nắng gây ra. Ảnh minh họa

Để phòng ngừa ngộ độc nắng, bạn không nên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu. Bên cạnh đó hãy chắc chắn sử dụng một phương pháp chống nắng, như luôn thoa kem chống nắng tốt trước khi bước ra khỏi nhà, nên sử dụng kem chống nắng, có chỉ số tối thiểu SPF 30, trong trường hợp bạn thường đổ nhiều mồ hôi hoặc đi bơi thì nên thoa lại kem chống nắng trước khi bước ra ngoài.

Nếu phải ra ngoài khi trời nắng nóng, chú ý mặc quần áo rộng, vải bông nhẹ dễ hấp thụ mồ hôi và cách nhiệt tốt. Màu sắc quần áo nên chọn màu trắng hoặc màu dịu, không nên mặc các màu hấp thụ nhiệt tốt như màu đen, màu sẫm, màu đỏ… 

Nếu phải làm việc hoặc đi lại nhiều ngoài trời nắng nóng, nên chủ động có những khoảng nghỉ giải lao từ 15 - 20 phút tại những nơi mát mẻ thoáng đãng, uống đủ nước cho cơ thể hồi phục.Tránh làm việc liên tục dễ bị kiệt sức, đột qụy do nắng nóng.

Vào những ngày nắng nóng, nên thay đổi thời gian làm việc cho những người phải làm việc ở ngoài trời. Làm việc sớm vào buổi sáng và muộn về buổi chiều. Không nên làm việc ngoài trời nắng nóng khi cơ thể mệt mỏi, đang bị các bệnh mạn tính, phụ nữ đang trong ngày “đèn đỏ” hoặc có thai. Người già và trẻ em là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng do nắng nóng nên càng phải được đặc biệt chú ý.

Theo PhuNuNews