Dịch bệnh hạ nhiệt, người Trung Quốc mua sắm và di chuyển trở lại

Khi chính quyền Trung Quốc nới lỏng các biện pháp cách ly và kiểm dịch, người dân nước này bắt đầu nối lại các hoạt động sinh hoạt, kinh doanh và tiêu dùng.

"Nhìn kìa! Con cá lớn quá!", ông Ding Shijiu - sống ở thành phố Trùng Khánh - reo lên vui sướng khi câu được một con cá chép ở khu hồ gần nhà. Sau hơn 2 tháng chôn chân tại nhà, cuối cùng ông Ding cũng có thể tụ họp với bạn bè để cùng đi câu cá và ăn nhậu.

Theo Al Jazeera News, đó là điều rất nhiều người Trung Quốc không thể làm kể từ khi chính quyền nước này triển khai các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt trên phạm vi cả nước sau khi dịch virus corona chủng mới bùng lên từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Hàng loạt tỉnh thành Trung Quốc bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn. "Hai tháng qua là quãng thời gian không thể tin nổi. Mà tôi đã gần 70 tuổi, đã trải qua rất nhiều chuyện trong đời", Al Jazeera News dẫn lời ông Ding tâm sự. "Sau tất cả, chúng tôi vẫn sống sót và quãng thời gian tồi tệ nhất đã trôi qua".

Hiện, số ca nhiễm mới và tử vong do dịch Covid-19 tại Trung Quốc giảm mạnh. Trong số 81.000 ca nhiễm bệnh, 69.000 người đã được xuất viện. Do đó,chính phủ nước này bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm dịch hà khắc, đặc biệt ở các khu vực bên ngoài tỉnh Hồ Bắc.

dich-benh-ha-nhiet-nguoi-trung-quoc-mua-sam-va-di-chuyen-tro-lai

Bệnh nhân hồi phục đang xếp hàng rời khỏi các cơ sở khám chữa Covid-19 tại Vũ Hán hôm 10/3. Ảnh: Xinhua.

Nhà máy, trường học hoạt động trở lại

Ngay cả ở Hồ Bắc, nơi vẫn còn khoảng 10.000 ca nhiễm virus corona chủng mới đang được điều trị, áp lực đối với lực lượng nhân viên y tế tuyến đầu đã giảm bớt. Ngày 17/3, gần 4.000 nhân viên y tế từng được huy động đến ổ dịch Vũ Hán đã rời đi.

Như vậy, cuộc sống của người dân Trung Quốc dần quay trở lại bình thường. Hàng triệu học sinh đang trở lại trường học sau gần 2 tháng học trực tuyến. Ở các tỉnh được phân loại "nguy cơ nhiễm bệnh thấp" như Quý Châu, Thanh Hải, Tây Tạng và Tân Cương, chính quyền địa phương đã cho phép trường học hoạt động trở lại từ tháng này.

“Em không thể tập trung nổi khi tham gia các lớp học trực tuyến. Em cũng không được phép lãng phí thời gian vì kỳ thi đại học đang đến gần. Thật vui vì chúng em có thể quay lại trường”, Ouyang Yanjiang, môt học sinh lớp 12 ở Quý Dương cho biết.

Trong khi đó, các nhà máy cũng bắt đầu hoạt động trở lại sau một thời gian “cận kề cái chết”. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong 2 tháng đầu năm, sản lượng công nghiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên mức kỷ lục, hơn 6,2%. Gần 5 triệu người đã mất việc trong vòng 2 tháng qua vì dịch Covid-19 tàn phá hoạt động kinh doanh. Hàng loạt công ty rơi vào tình trạng gần như phá sản. Tuy nhiên, khi các biện pháp kiểm dịch được nới lỏng, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sớm khôi phục sản xuất.

dich-benh-ha-nhiet-nguoi-trung-quoc-mua-sam-va-di-chuyen-tro-lai

Khách hàng xếp hàng để mua mì thịt bò tại một nhà hàng ở Tương Dương thuộc tỉnh Hồ Bắc hôm 16/3. Ảnh: Xinhua.

Các thành phố có mật độ sản xuất công nghiệp lớn như Quảng Châu và Thâm Quyến đang kêu gọi doanh nghiệp tăng cường sản xuất, khôi phục hoạt động kinh doanh.

Ví dụ, dây chuyền sản xuất của Woniu - một công ty sản xuất thiết bị nhà bếp ở Quảng Châu - đóng băng từ ngày 20/1. Doanh thu Woniu bị triệt tiêu suốt 2 tháng qua và đối mặt nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, đến ngày 9/3, doanh nghiệp này đã hoạt động trở lại.

Người tiêu dùng Trung Quốc cũng đã mua sắm nhiều hơn. Ở Thành Đô, nơi có vài chục ca nhiễm đang điều trị và không có ca mới trong 3 tuần qua,các nhà hàng lẩu bắt đầu đầy ắp khách hàng đeo khẩu trang.

Theo thống kê, khoảng 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc đã quay lại hoạt động, trong khi tỷ lệ với các doanh nghiệp lớn là cao hơn nhiều.

Các tuyến đường được mở lại

Với người dân Thành Đô, nồi nẩu bốc khói là hình ảnh mang tính biểu tượng mạnh mẽ. Các nhà hàng lẩu được mở lại là thông điệp cho thấy giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 đã trôi qua.

Xiao Ma - nhân viên phục vụ tại Shudaxia, một nhà hàng lẩu nổi tiếng ở Thành Đô - cho biết: “Chúng tôi chỉ được phép hoạt động với công suất 50%. Nhưng vài ngày qua, cửa hàng luôn đông khách. Nhu cầu của người tiêu dùng quả thực đã bị dồn nén quá lâu”.

Nhiều tỉnh và thành phố bắt đầu nối lại các tuyến giao thông công cộng, bao gồm cả xe buýt đường dài liên tỉnh vốn bị cắt đứt từ ngày 23/1. Ngay tại Hồ Bắc, bộ chỉ huy phòng chống dịch bệnh đã cho phép các khu vực "nguy cơ thấp và trung bình", như Hàm Ninh và Nghi Xương, nối lại các tuyến giao thông công cộng.

Thời gian qua, tin tức về dịch bệnh luôn chiếm sóng truyền hình và trên mạng ở Trung Quốc. Nhưng khi tâm chấn dịch bệnh đang chuyển sang châu Âu, các chương trình giải trí bắt đầu xuất hiện trở lại.

"Bây giờ tôi có thể xem các chương trình mà không phải là tin tức về virus corona. Đây là điều không tưởng vào những tháng trước. Khi đó, hầu như không ai còn nhớ ra mình đã từng sống như thế nào trước khi có dịch”, Zeng Yunru, một người dân Vũ Hán, kể.

dich-benh-ha-nhiet-nguoi-trung-quoc-mua-sam-va-di-chuyen-tro-lai

Hoạt động kinh doanh nối lại, công viên và khu vui chơi ở Trung Quốc mở cửa trở lại. Ảnh: Getty.

Các tiệm hớt tóc đã mở cửa, công viên rộng cửa chào đón khách và người lao động nhập cư cũng quay lại công việc. Có thể nói, tai họa từng khiến xã hội Trung Quốc đóng băng đang dần qua đi.

Dù vậy, các chuyên gia lo lắng rằng rủi ro vẫn tiềm ẩn khi các hoạt động kinh doanh được khôi phục trở lại. Một khi các biện pháp kiểm dịch mở rộng được dỡ bỏ, Trung Quốc có thể bị tấn công bởi nguy cơ nhiễm dịch từ bên ngoài.

Đại dịch đang đe dọa với quy mô toàn cầu, các địa phương Trung Quốc bắt đầu báo cáo về số lượng ca nhiễm bệnh nhập khẩu. "Tôi không nghĩ có ai nói rằng dịch bệnh đã kết thúc, chỉ có thể nói là điều tồi tệ dường như đã qua. Những gì chúng ta có thể làm vẫn là duy trì khoảng cách xã hội và dần dần nối lại cuộc sống thường ngày”, Zeng nhận định.

Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ rất khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP vì hậu quả của dịch Covid-19 gây ra những tác động sâu rộng trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định "tốc độ tăng trưởng tăng hay giảm đi một chút không phải là vấn đề, quan trọng là thị trường việc làm trong nước vẫn ổn định”.

Theo Zing