Dịch càng quét, Mỹ vượt Trung Quốc thành nước nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới

Sáng nay,  sau một ngày có thêm hơn 15.400 người nhiễm bệnh, Mỹ đã chính thức trở thành quốc gia đứng đầu thế giới với tổng số người nhiễm là 83.672. Italy có số người nhiễm gần bằng Trung Quốc và đứng đầu thế giới với số người tử vong cao chưa từng thấy.

Nước Mỹ "thất thủ" trước đại dịch COVID-19

Tính đến 7h15 sáng nay 27/3 (theo giờ Việt Nam), Mỹ đã vượt Trung Quốc về số người nhiễm cao nhất thế giới. Qua một đêm, số người nhiễm ở Mỹ đã tăng thêm 15.461 người và 182 người tử vong, đưa tổng số ca mắc lên 83.672 và 1.209 người tử vong. 

Số người nhiễm của Mỹ đã vượt Trung Quốc đang có tổng số người nhiễm hiện tại là 81.285. Trong những ngày qua, trái ngược với tốc độ tăng của Mỹ, số người nhiễm và tử vong ở Trung Quốc gần như "đứng im".

my-vuot-trung-quoc-thanh-nuoc-co-so-nguoi-nhiem-covid-19-cao-nhat-the-gioi

Chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đại học Nebraska, Mỹ. (Ảnh: AP)

Theo các chuyên gia y tế, dịch bệnh đã bắt đầu ảnh hưởng đến các bệnh viện trên khắp nước Mỹ. Nếu không cận thận, Mỹ có thể trở thành "Italy", nơi các bác sĩ phải chọn bệnh nhân để đặt máy thở.

"Những gì chúng ta đang chứng kiến trong các phòng cấp cứu rất thảm khốc", ông Craig Spencer, người điều hành cơ quan y tế khẩn cấp tại Trung tâm y tế Đại học NewYork-Presbyterian ở thành phố New York nói.

Hiện New York là bang đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất Mỹ từ dịch COVID-19, do số ca mắc bệnh và tử vong ngày càng tăng, trong khi hệ thống y tế đang bị quá tải. Ngày 26/3, chỉ vài giờ sau khi số người thiệt mạng do COVID-19 tại Mỹ vượt qua mốc 1.000, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo thông báo bang này ghi nhận 100 ca tử vong trong ngày qua.

my-vuot-trung-quoc-thanh-nuoc-co-so-nguoi-nhiem-covid-19-cao-nhat-the-gioi

Dịch bệnh gia tăng khiến lực lượng y tế tại Mỹ căng thẳng. (Ảnh: The New York Times/TTXVN)

New York đang là tâm điểm của dịch COVID-19 tại Mỹ với 385 người tử vong và hơn 37.000 ca mắc bệnh. Lượng bệnh nhân tăng chóng mặt đã khiến hệ thống y tế của bang này bị quá tải nghiêm trọng. Ông Cuomo đánh giá, tình hình dịch bệnh tại bang New York sẽ lên đến đỉnh điểm trong vòng 3 tuần tới và các bệnh viện đang cần khoảng 30.000 máy thở.

Dịch COVID-19 lan ra 198 quốc gia và vùng lãnh thổ, Italy có số người tử vong cao nhất thế giới

Tính đến 7h45 sáng nay, thế giới có 531.615 người nhiễm, 24.065 người tử vong do COVID-19. Hiện đã có 198 quốc gia và vùng lãnh thổ có người mắc COVID-19. Hầu hết các ca tử vong trên thế giới tập trung ở châu Âu. 

Tại châu Âu, Italy vẫn là tâm bão của dịch COVID-19. Đến sáng nay, Italy đã ghi nhận thêm 712 ca tử vong và 6.203 ca nhiễm mới, nâng tổng số người thiệt mạng tại nước này lên tới 8.215 trong tổng số 57.786 ca nhiễm. 

my-vuot-trung-quoc-thanh-nuoc-co-so-nguoi-nhiem-covid-19-cao-nhat-the-gioi

Bệnh nhân được khám lâ sàng tại một căn lều bên ngoài bệnh viện ở Cremona, Italy. (Ảnh: AFP)

Tín hiệu đáng lạc quan là số ca hồi phục đã vượt số ca tử vong với 10.361 trường hợp. Italy đã công bố những biện pháp trừng phạt mới mạnh tay hơn để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, trong đó có việc áp dụng hình phạt tù đối với những người cố tình vi phạm quy định cách ly.

Tây Ban Nha trở thành "điểm nóng", đứng thứ 4 thế giới về dịch COVID-19

Trong khi đó, các nước khác như Tây Ban Nha, Pháp, Anh cũng chứng kiến số ca tử vong tăng mạnh. 9 nhà lãnh đạo của châu Âu, trong đó có Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã gửi một lá thư tới Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi chung tay hành động để đối phó với dịch bệnh COVID-19. 

Tây Ban Nha cũng đang trở thành "điểm nóng" về COVID-19 khi số ca tử vong trong ngày vượt Italy với 718 ca. Hiện quốc gia này có 4.365 ca trong số 57.786 người mắc bệnh. 

Tây Ban Nha đã áp đặt lệnh phong tỏa và ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào ngày 13/3.

Quan chức y tế hàng đầu của nước này ông Fernando Simon dự đoán đỉnh dịch vẫn chưa xảy ra và số lượng các trường hợp nhiễm bệnh sẽ tiếp tục gia tăng trong những ngày tới. Việc phong tỏa kéo dài 15 ngày, nhưng Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết tính trạng khẩn cấp có thể kéo dài thêm 14 ngày nữa. 

my-vuot-trung-quoc-thanh-nuoc-co-so-nguoi-nhiem-covid-19-cao-nhat-the-gioi

Nhân viên y tế làm việc tại khu điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Barcelona, Tây Ban Nha (Ảnh:THX/TTXVN)

 Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết, chính phủ đã đồng ý mua khẩu trang, bộ xét nghiệm, găng tay và máy thở với tổng trị giá 46 triệu USD từ Trung Quốc và các lô hàng sẽ được chuyển giao từ cuối tuầng này. 

Kế tiếp là Pháp với 29.155 ca mắc trong đó có 1.696 ca tử vong trong, đứng thứ 5 thế giới về số người tử vong chỉ sau Italy, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Iran. 

Nước Anh ghi nhận 11.658 ca mắc bệnh Covid-19 với 578 ca tử vong. Đáng chú ý trong ngày 25/3, Thái tử Anh Charles đã được xác nhận có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Các bệnh viện tại thủ đô London đang phải chứng kiến số bệnh nhân nhiễm virus ập đến như "sóng thần". 

Phát biểu với BBC, Giám đốc điều hành của Nhà cung cấp dịch vụ y tế quốc gia Chris Hopson cho biết, các bệnh viện ở London đã phải tăng cường năng lực chăm sóc gấp 5 đến 7 lần so với những tuần qua để đáp ứng nhu cầu của người bệnh.

Nước Đức đang ghi nhận nỗ lực số ca tử vong thấp nhất có thể

Trên cả nước Đức đã ghi nhận 43.938 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 267 ca tử vong. Trong một động thái siết chặt quy định nhập cảnh, Chính phủ Đức thông báo từ ngày 25/3 sẽ tạm cấm nhập cảnh các lao động thời vụ từ nước ngoài cho đến khi có thông báo tiếp theo nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Cho tới nay, có hơn 10 quốc gia đã chẩn đoán được hơn 9.000 ca mắc, và trong số này, có 3 nước là Hàn Quốc, Thụy Sĩ, và Đức là có tỷ lệ tử vong thấp hơn các nước còn lại.

Đối với Hàn Quốc, các ca bệnh phần nhiều xảy ra ở đối tượng bệnh nhân trẻ hơn, còn thông tin về Thụy Sĩ thì vẫn đang hé lộ dần. Đối với Đức, bệnh  COVID-19  đang được chẩn đoán ở những người trung niên tương tự như ở nhiều nước khác.

Đức là một trường hợp đặc biệt ở tâm bão COVID-19 của châu Âu, khi nước này có tới 37.323 ca mắc bệnh nhưng mới chỉ có 267 trường hợp tử vong (tính đến sáng ngày 27/3).

Hiện độ tuổi trung bình mắc bệnh này ở Đức là 45 và độ tuổi trung bình tử vong là 81 tuổi. Theo số liệu của Hiệp hội các bệnh viện Đức (DKG), hiện cả nước Đức có khoảng 3.000 – 4.000 người nhiễm SARS-CoV-2 phải điều trị trong bệnh viện, trong đó khoảng 1.000 trường hợp phải nằm ở các cơ sở điều trị tích cực.

Chủ tịch DKG Gerald Gaß cho rằng, số trường hợp mắc COVID-19 ở Đức trong những ngày tới có thể tăng lên 70.000 ca. Ông nhận định, với việc áp đặt những hạn chế đi lại và tiếp xúc như hiện nay, tốc độ lây lan dịch ở Đức có thể chậm lại bắt đầu từ đầu hoặc giữa tuần tới.

Chủ tịch Viện Robert Koch, ông Lothar Wieler cho biết, Đức sẽ phải tiếp tục phải đối phó quyết liệt với dịch bệnh COVID-19 trong vài tuần nữa, đồng thời cảnh báo những người trẻ và khỏe mạnh cũng có thể mắc bệnh, thậm chí tử vong.

my-vuot-trung-quoc-thanh-nuoc-co-so-nguoi-nhiem-covid-19-cao-nhat-the-gioi
Cùng ngày tại Thuỵ Sĩ, giới chức y tế nước này thông báo số ca mắc COVID-19 đã tăng lên 11.811 ca, số ca tử vong là 191 ca.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Liên bang Nga cho biết, tính đến ngày 27/3, nước này đã ghi nhận thêm 182 trường hợp nhiễm bệnh tại 18 tỉnh, thành.

Trong số ca mắc mới, 136 trường hợp nhiễm virus được ghi nhận ở thủ đô Moscow; 7 trường hợp ở tỉnh Sverdlovsk; 5 ở thành phố St. Petersburg và tỉnh Perm; 4 ở Yakutia; 3 ở các tỉnh Stavropol và Krasnoyarsk, Tatarstan và Chelyabinsk; 2 trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận ở các tỉnh Pskov và Samara, khu tự trị Khanty-Mansi và Buryatia; 1 trường hợp tại các tỉnh Kemerovo, Tomsk, Novosibirsk, cũng như Khabarovsk.

Tất cả bệnh nhân mới trong hai tuần qua đều đã đến các quốc gia có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao. Những người nhiễm bệnh được nhập viện và điều trị trong các phòng cách li, những người có tiếp xúc với bệnh nhân đã được đưa đi kiểm tra.

Như vậy, tính đến ngày 27/3, tổng số bệnh nhân nhiễm virus ở Nga đã lên tới 840 (546 trong số này ở Thủ đô Moscow), 38 người đã hồi phục, hai người thiệt mạng. Khoảng 139.000 người được các bác sĩ giám sát.

Bộ Y tế Iran cho biết, số trường hợp tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này đã tăng thêm 157 ca, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên thành 2.234 người.

Người đứng đầu Trung tâm Thông tin và Quan hệ Công chúng của Bộ Y tế và Giáo dục Y tế, ông Kianush Jahanpur cũng công bố thêm 2.389 trường hợp mắc Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm virus lên thành 29.406 người. Ông Jahanpur cho hay, 10.457 bệnh nhân đã phục hồi.

my-vuot-trung-quoc-thanh-nuoc-co-so-nguoi-nhiem-covid-19-cao-nhat-the-gioi

Các nhân viên y tế Iran đo nhiệt độ cho người qua lại khu vực biên giới. (Ảnh: New York Times)

Trong một diễn biến liên quan tới tình hình bùng phát dịch COVID-19, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC) cùng ngày cho biết, châu lục này hiện đã có tổng cộng 72 người tử vong và 2.746 trường hợp mắc COVID-19 được xác nhận tại 46 quốc gia trong lục địa.

Châu Á, tình hình dịch bệnh gia tăng căng thẳng

Tình hình dịch bệnh tại châu Á cũng đang diễn biến nghiêm trọng hơn. Indonesia và Malaysia đang trở thành các "điểm nóng" dịch bệnh tại Đông Nam Á khi những nước này ghi nhận số ca mắc bệnh tăng nhanh chỉ trong một thời gian ngắn.

Malaysia đã ghi nhận 235 ca nhiễm mới virus, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 2.031 ca, trong đó có 23 người tử vong. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã quyết định kéo dài Mệnh lệnh Kiểm soát di chuyển (MCO) đến ngày 14/4 sau khi mệnh lệnh này kết thúc vào ngày 31/3 trong bối cảnh số ca bị nhiễm SARS-CoV-2 tại Malaysia tiếp tục tăng lên.

my-vuot-trung-quoc-thanh-nuoc-co-so-nguoi-nhiem-covid-19-cao-nhat-the-gioi

Bệnh nhân Malaysia nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: AFP)

Indonesia có thêm 20 ca tử vong và 103 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Như vậy đến thời điểm hiện tại, nước này đã có 78 ca tử vong trên tổng số 893 ca mắc.

Philippines ghi nhận thêm 71 ca mắc, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại đây lên 707 người, trong đó có 45 ca tử vong. Thượng nghị sỹ Philippines Christopher Go cho biết Tổng thống nước này Rodrigo Duterte đã ký ban hành luật cho phép Tổng thống thực thi các biện pháp khẩn cấp đối phó với dịch COVID-19.

Trung Quốc đã yêu cầu các hãng hàng không cắt giảm mạnh số lượng chuyến bay trong và ngoài nước do lo ngại số ca mắc COVID-19 nhập cảnh gia tăng có thể làm bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ 2. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã ghi nhận 3.287 ca tử vong trên tổng số 81.258 ca mắc.

Theo tin từ Sở Y tế tỉnh Svay Rieng, Campuchia đã cho cách ly tập trung 174 du khách Trung Quốc tại thành phố Bavet, sau khi những người này từ thủ đô Phnom Penh di chuyển tới đây, để đề phòng nguy cơ lây nhiễm bệnh COVID-19. Trong quá trình khám y tế, có 2 người Trung Quốc trong nhóm này có nhiệt độ cơ thể cao quá 38 độ C. Các mẫu xét nghiệm của nhóm người Trung Quốc này đã được gửi tới Viện Pasteur Campuchia để kiểm tra.

Cho tới sáng nay (27/3), Bộ Y tế Campuchia xác nhận đã phát hiện 96 ca mắc COVID-19 tại nước này.

Minh Trang (th)

Theo GiaDinh

----------------

Xem thêm:

Họp báo trực tuyến mùa Covid-19, Việt Nam phản đối Trung Quốc xây 2 trạm nghiên cứu ở Trường Sa

Nơi an toàn nhất thế giới, virus corona vẫn chưa đặt chân tới

Chính thức: TPHCM ra thông báo khẩn về ổ dịch bar Buddha bùng phát kỷ lục