Điện thoại đang "giết" người dùng từng ngày theo cách này

Các nhà khoa học mới đây đã tìm ra bằng chứng rằng, khi sử dụng điện thoại có thể gây ra những hậu quả lâu dài với sức khỏe người dùng.

Cụ thể, báo Trí Thức Trẻ dẫn thông tin từ tờ New York Times cho hay, các nhà khoa học cho thấy, việc dành thời gian cho điện thoại thông minh đang phá hủy giấc ngủ, trí nhớ, các mối quan hệ, khả năng tập trung, sáng tạo cũng như việc giải quyết vấn đề và ra quyết định của người dùng.

Tuy nhiên, đó cũng chưa phải tất cả. Các nhà khoa học khẳng định việc sử dụng điện thoại thông minh thường xuyên có thể làm tăng lượng cortisol, loại hóc môn gây ra tình trạng stress. Việc sử dụng điện thoại giờ đây còn đe dọa sức khỏe, thậm chí là rút ngắn cuộc sống của những người sử dụng.

Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các cuộc thảo luận xung quanh điện thoại mới chỉ tập trung vào dopamine, một loại chất được sản sinh trong não bộ giúp con người hình thành thói quen, hay nói cách khác là nghiện. Giống như máy đánh bạc, điện thoại thông minh và những ứng dụng được thiết kế cho chúng rõ ràng nhằm mục đích kích hoạt sản sinh dopamine, khiến con người ta khó đặt chúng xuống.

dien-thoai-dang-giet-nguoi-dung-tung-ngay-theo-cach-nay

Dùng nhiều điện thoại có thể gây ra rắc rối cho sức khỏe

Những tác động của dopamine là lý do tại sao nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về hiện tượng nghiện điện thoại. Tuy nhiên, dopamine vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Việc chứng minh những chiếc điện thoại làm tăng lượng hóc môn cortisol có thể khiến tình trạng sử dụng điện thoại trở nên đáng báo động hơn nữa.

Sự giải phóng hóc môn này làm kích hoạt những thay đổi sinh lý, chẳng hạn như tăng huyết áp. Trong trường hợp nguy cấp, cortisol giúp cơ thể phản ứng ngay lập tức trước những mối đe dọa tới tính mạng.

Nếu chỉ thỉnh thoảng xảy ra, việc cơ thể sản sinh cortisol lúc dùng điện thoại sẽ không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, một người Mỹ dành trung bình 4 giờ mỗi ngày để nhìn vào màn hình smartphone và giữ nó trong tầm tay mọi lúc, mọi nơi, ngay cả khi ngủ. Kết quả là những chiếc điện thoại thông minh trang bị đẩy đủ các ứng dụng mạng xã hội, thư điện tử và đọc tin tức, khiến con người có nghĩa vụ liên tục làm việc, tạo ra những căng thẳng ngoài ý muốn.

David Greenfield, giáo sư tâm thần học tại Trường Y khoa thuộc Đại học Connecticut, nhấn mạnh: "Mức độ cortisol tăng lên khi điện thoại của người dùng ở trong tầm nhìn hoặc gần đó, khi người dùng nghe điện thoại hay thậm chí là nghĩ sẽ nghe điện thoại. Đó là một phản ứng căng thẳng và khó chịu, khiến cơ thể chống lại bằng việc kiểm tra điện thoại để giúp căng thẳng biến mất".

Như vậy, việc kiểm tra điện thoại sẽ khiến bạn dịu lại trong một giây nhưng có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn trong thời gian dài. Bất cứ khi nào kiểm tra điện thoại, người dùng có thể thấy một thứ gì đó đầy căng thẳng đang chờ đợi mình, dẫn tới sự biến động cortisol. Đó cũng là lý do bạn luôn muốn kiểm tra điện thoại để giảm lo lắng. Chu kỳ này diễn ra liên tục sẽ dẫn đến việc tăng cortisol mãn tính.

Hydrocortisone hoặc cortisol là một loại hormone sản sinh ra trong tuyến thượng thận và nếu hàm lượng cortisol trong cơ thể tăng cao quá mức có thể gây ra nhiều vấn đề tiêu cực cho sức khỏe. Dưới đây là các dấu hiệu cho thấy hormone cortisol đang tăng quá mức trong cơ thể và cần phải ngăn chặn ngay.

Tăng cân đột ngột

Tăng cân là một trong những dấu hiệu đầu tiên của việc hormone cortisol được sản sinh quá mức trong cơ thể. Vấn đề tăng cân thường diễn ra nhiều ở phần trên cơ thể vì khi hàm lượng cortisol dư thừa nhiều thì chất béo bắt đầu tích tụ ở những bộ phận như vai, lưng, ngực. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là tay và chân không thay đổi mà ngược lại đôi khi còn ốm đi rõ rệt.

Da xuất hiện nhiều vấn đề

Khi hàm lượng cortisol trong cơ thể tăng cao sẽ khiến làn da gặp rất nhiều vấn đề không mong muốn. Các dấu hiệu thường gặp như nổi nhiều mụn, dễ bị tím bầm, nổi nhiều nốt sần, mụn nước trên ngực, bụng, đùi, xuất hiện nhiều lông trên mặt và khắp cơ thể.

Trầm cảm và thay đổi tâm trạng

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, mức cortisol cao có thể làm giảm lưu lượng máu và glucose cho não. Điều này sẽ gây cản trở khả năng hoạt động cũng như tăng lượng tế bào chết trong não.

Do đó, nếu lượng cortisol tăng cao sẽ dễ gặp tình trạng lo lắng, căng thẳng, đồng thời tâm trạng cũng thay đổi thất thường và nghiêm trọng hơn là dễ rơi vào trạng thái trầm cảm.

Suy yếu hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi hàm lượng cortisol tăng cao trong cơ thể. Lý do là vì khi hàm lượng cortisol tăng cao sẽ làm cho nhiều tế bào chết đi và khiến hệ thống miễn dịch thay vì tấn công virus lại quay sang tấn công các mô của cơ thể.

Các bệnh thường gặp nhất khi hệ miễn dịch bị suy yếu do cortisol tăng cao là hen suyễn, dị ứng, tuy nhiên nếu tình trạng trầm trọng hơn có thể dẫn đến bệnh viêm ruột mãn tính, hội chứng fibromyalgia, bệnh lupus ban đỏ...

Mệt mỏi và mất ngủ

Trên thực tế, cortisol cũng là một loại hormone cần thiết cho cơ thể vì nó giúp tỉnh táo và cung cấp năng lượng tốt hơn. Đó là lý do vì sao lượng cortisol thường được sản sinh vào sáng sớm để giúp cơ thể hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu cortisol được sản sinh ra quá mức hoặc sản sinh không đúng lúc, tức là vào ban đêm sẽ gây ra tác dụng phụ đối với cơ thể khiến cơ thể lúc nào cũng hoạt động không ngưng nghỉ, gây khó ngủ về đêm và mệt mỏi hơn vào ban ngày.

Theo VietQ