Đinh La Thăng nói gì về cáo buộc phải bồi thường 600 tỷ?

Tại tòa, nguyên Chủ tịch PVN cho rằng sau khi ông rời vị trí này, Oceanbank vẫn kinh doanh tốt nên bị cáo không phải bồi thường 600 tỷ đồng khi PVN góp vốn 800 tỷ vào nhà băng.

Chiều 21/6, HĐXX cấp phúc thẩm xét hỏi Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Tập đoàn dầu khí) trong vụ án PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn 3 lần vào Ngân hàng Đại Dương.

Ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm về góp vốn

Trả lời HĐXX, bị cáo 54 tuổi xưng "tôi" và thừa nhận đã ký các văn bản đề nghị cho phép Oceanbank được tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Trong đó, ông Thăng ký Thỏa thuận số 6934 với Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch ngân hàng) để PVN tham gia góp vốn vào Oceanbank theo các nội dung hai bên đã thống nhất.

Tuy nhiên, Đinh La Thăng khai bản thân ký với tư cách cá nhân và không thông qua HĐQT PVN.

Cũng theo lời khai, đối với một số văn bản khác liên quan đến việc góp vốn như nghị quyết 7289 (góp vốn lần 1 số tiền 400 tỷ đồng), ông Thăng khai đã ký sau khi thành viên HĐTV PVN trình thông qua các cuộc họp bàn.

Thế nhưng, khi HĐXX hỏi ai là người đã trình các dự thảo nghị quyết và văn bản gửi xin ý kiến cấp trên thì nguyên Chủ tịch PVN nói: "Tôi không nhớ".

Chủ tọa Nguyễn Vinh Quang lập tức công bố bản án sơ thẩm, cho thấy PVN đã trình để cấp trên phê duyệt phương án cho phép đơn vị này được chuyển cổ phần góp vốn từ Ngân hàng trù bị Hồng Việt sang Oceanbank.

Đinh La Thăng nói gì về cáo buộc phải bồi thường 600 tỷ?

Đinh La Thăng tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: P.D.

Nghe nội dung này, bị cáo Thăng cho biết điều này đã có trong chủ trương. HĐXX liền hỏi: "Việc ký nghị quyết đã được cho ý kiến chưa?". Đinh La Thăng đáp: "Cái này nằm trong tổng thể, không thể chia nhỏ ra. Do đó, tôi không thể trả lời có hay không có".

Sau gần một giờ truy vấn, HĐXX tiếp tục xét hỏi rằng năm 2008, PVN đã chuyển cho Oceanbank bao nhiêu tiền? Bị cáo Thăng khai đây là việc của Tổng giám đốc tập đoàn. Ông Thăng không phải chủ tài khoản nên không nắm rõ.

Nghe chủ tọa liên tục xét hỏi về chủ trương góp vốn, nguyên Chủ tịch PVN vội kiến nghị được trả lời toàn bội nội dung này ở phần tranh luận. Ông Thăng lý giải toàn bộ phần góp vốn vào ngân hàng đã được sự đồng ý.

"Nếu cứ chẻ nhỏ ra để xem cái nào có trước, cái nào sau, cái nào đúng, cái nào sai. Bị cáo đề nghị hỏi ở phần tranh luận về những bút tích mà bị cáo ký", Đinh La Thăng trình bày.

Không chấp nhận bồi thường 600 tỷ

Cuối buổi chiều, Đinh La Thăng trình bày lý do xin kháng cáo. Bị cáo 54 tuổi nói bản thân bị tòa sơ thẩm tuyên 18 năm tù, buộc bồi thường 600 tỷ đồng cho PVN.

Nói về lý do kháng cáo, ông Thăng cho rằng bản án sơ thẩm đã không xem xét việc trong đề án, điều lệ cho phép PVN được tham gia đầu tư tài chính vào ngân hàng. Bị cáo cũng khẳng định trên thực tế, chủ trương góp vốn đã nhận được sự đồng ý.

Ngoài ra, Đinh La Thăng trình bày bản án sơ thẩm còn không xem xét bối cảnh Oceanbank tăng vốn; đồng thời TAND Hà Nội cũng không xem xét việc chỉ đến năm 2015, Ngân hàng Nhà nước mới có văn bản hướng dẫn cho phép thoái vốn đối với cổ đông chiếm trên 15% cổ phần.

"Phán quyết của tòa sơ thẩm đã làm thay đổi cáo trạng khi nói tôi phải chịu trách nhiệm chính, trong khi bản án lại nói rằng PVN đã tìm được đối tác", nguyên Chủ tịch PVN giãi bày.

Đinh La Thăng nói gì về cáo buộc phải bồi thường 600 tỷ?

Chủ tọa Nguyễn Vinh Quang điều hành phiên tòa. Ảnh: P.D.

Tiếp tục nói lý do kháng cáo, Đinh La Thăng cho rằng án sơ thẩm đã phủ nhận thực tế hiệu quả của việc PVN góp vốn. Cụ thể, bị cáo Thăng cho hay tập đoàn đã nhận được cổ tức 244 tỷ đồng. Khoản tiền 100 tỷ đồng ở lần góp vốn thứ 3 được sử dụng từ nguồn cổ tức này.

Ông Thăng còn cho rằng từ tháng 8/2011, ông ta đã rời khỏi PVN để nhận nhiệm vụ mới. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn đánh giá Oceanbank là ngân hàng loại A. Hai năm sau, nhà băng vẫn đạt loại B.

Theo Zing