Đồ chơi trẻ em 'lởm': Chuyện cũ, 'ruột' mới

Nếu như người tiêu dùng vẫn tiếp tục “nhắm mắt làm ngơ”, tiếp tay tiêu thụ đối với mặt hàng đồ chơi trẻ em “lởm” thì câu chuyện “bình cũ, rượu mới” vẫn còn nan giải.

"Vạch trần" hàng loạt vi phạm

Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 8, Cục QLTT tỉnh Quảng Nam vừa tiến hành kiểm tra xe mang biển kiểm soát số 92C-06043 do ông Đỗ Thành Trung điều khiển đang xuống hàng tại thôn BLô Bền, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.

Qua kiểm tra, Đội QLTT số 8 phát hiện số hàng hoá trên là đồ chơi trẻ em do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ (gồm 17 cây súng nhựa các loại, 17 cây kiếm, 160 kg đồ chơi các loại).

do-choi-tre-em-lom-chuyen-cu-ruot-moi

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra hàng hóa vi phạm. Ảnh: ĐVCC. 

Hiện, Đội QLTT số 8 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hoá trên để xử lý theo quy định pháp luật.

Trước đó, Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) cũng đã đưa thông tin về việc Tổ Kiểm soát Hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái đã triển khai lực lượng kiểm tra, phát hiện ông Nguyễn Văn Đức (trú tại Móng Cái, Quảng Ninh) đang vận chuyển 16 thùng bìa carton được tập kết tại bãi đất trống thuộc phường Trần Phú, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng hóa gồm hơn 2.000 đồ chơi trẻ em các loại: búp bê, con quay, ô tô, khủng long, đèn nháy… trị giá lô hàng là 65,88 triệu đồng.

Ông Đức khai nhận vận chuyển thuê lô hàng trên từ phường Trần Phú, TP.Móng Cái ra bến xe khách Móng Cái để vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ. Ông Đức không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và buộc tiêu hủy lô hàng nhập lậu trên theo quy định của pháp luật.

Đồ chơi "lởm" vẫn “sống khỏe”?

Theo khảo sát của PV, thực tế trên thị trường hiện nay có quá nhiều loại đồ chơi đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (TQ) và các mặt hàng được sản xuất trong nước. Trong đó, không ít những mặt hàng giá rẻ, kém chất lượng, không nhãn mác, xuất xứ tìm cách len lỏi vào thị trường.

Đặc biệt, do sắp đến ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6) nên nhiều cửa hàng kinh doanh quần áo, đồ chơi trẻ em và các dịch vụ vui chơi… đã đẩy mạnh kinh doanh, tung ra thị trường những sản phẩm mới, độc đáo. 

Đáng chú ý, các mặt hàng “made in China” được bày bán nhiều hơn. Tuy nhiên, về nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí không có dấu CR để nhận biết hợp chuẩn hợp quy. Điều đáng nói, không ít phụ huynh chọn quà tặng cho con không lưu ý đến vấn đề này. Họ chỉ chọn những món quà mà trẻ nhỏ thích.

do-choi-tre-em-lom-chuyen-cu-ruot-moi

Nhiều loại đồ chơi làm bằng chất cao su dẻo, không rõ nguồn gốc. Ảnh: T.N

Theo nhiều chuyên gia, đồ chơi trẻ em “lởm” ngoài làm bằng chất liệu tái chế còn trộn thêm hạt nhựa công nghiệp, cho thêm phụ gia, màu công nghiệp.

Các loại nguyên liệu trên có nhiều chất hóa học, kim loại nặng, rất độc hại với con người. Nếu sử dụng trong thời gian dài, những chất này xâm nhập vào cơ thể trẻ bằng cách tiếp xúc qua da, đường miệng hoặc thông qua đường hô hấp sẽ gây nguy hại cho sức khỏe. Trẻ em rất dễ mắc các nguy cơ về ngộ độc, rối loạn chức năng hay vô sinh hoặc thậm chí có thể bị ung thư.

Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất trong nước và các tiểu thương nhập lậu đồ chơi từ Trung Quốc về chất lượng không đảm bảo, tem nhãn không đầy đủ. Thậm chí, không ít cơ sở tự gắn tem nhãn, thông tin trên nhãn không đầy đủ, không có thông tin cảnh báo sau đó bán ra thị trường, khiến người mua không thể phân biệt được. Đây là một vấn nạn lớn đối với toàn xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ em.

Đồ chơi trẻ em khi ra thị trường phải đảm bảo đủ “chuẩn”

Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hoá (QLCLSPHH) - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, đồ chơi trẻ em là mặt hàng thiết yếu của trẻ nhỏ, đặc biệt trong các dịp 1/6 khi bắt đầu nghỉ hè và dịp Tết Trung thu được bày bán nhiều. Qua thực tế đã chứng minh, đồ chơi có ảnh hưởng, tác động đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Nếu được sử dụng đồ chơi phù hợp sẽ giúp trẻ tăng cường thể lực, sự khéo léo, khả năng tư duy và sáng tạo.

Đây là mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2 (hàng hóa có khả năng gây mất an toàn) do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, các yếu tố an toàn của đồ chơi trẻ em đã được quy định đầy đủ, chặt chẽ trong các văn bản, các quy chuẩn kỹ thuật; Và theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, đồ chơi trẻ em trong sản xuất, lưu thông, nhập khẩu và sử dụng đều phải được kiểm tra, chứng nhận hợp quy.

Ông Tuấn cũng chỉ ra trên thị trường hiện nay, bên cạnh những đồ chơi phù hợp quy chuẩn, đảm bảo chất lượng vẫn còn những loại đồ chơi mang tính bạo lực, không an toàn cho trẻ là vấn đề các bậc phụ huynh quan tâm. Qua những đợt kiểm tra, thanh tra trước đây cho thấy, các đồ chơi không đảm bảo chủ yếu có xuất xứ từ Trung quốc, thông qua các con đường nhập khẩu tiểu ngạch để vào Việt Nam.

Thời gian tới, ông Tuấn cho hay, Cục QLCLSPHH cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan làm tốt công tác kiểm soát chất lượng, các quy định về nhãn hàng hóa, nguồn gốc đồ chơi trẻ em tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối trên cả nước, góp phần hạn chế việc phát tán, sử dụng đồ chơi có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người.

Bên cạnh đó, đề nghị ngành Giáo dục tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền sâu rộng về tác hại của đồ chơi trẻ em không có nhãn hàng hóa, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không có dấu hợp quy cũng như không được chứng nhận và công bố hợp quy của sản phẩm đến giáo viên, phụ huynh và học sinh tại các cấp học, đặc biệt là ở cấp tiểu học và mầm non, là nhóm lứa tuổi tiếp xúc thường xuyên với đồ chơi để biết cách lựa chọn hàng hóa an toàn, đảm bảo sức khỏe. 

Để kiểm soát an toàn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 18/2009/TT-BKHCN về quy định Quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em. Theo đó, kể từ ngày 15/4/2010, đồ chơi trẻ em được sản xuất trong nước hay nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em QCVN 3:2009/BKHCN.

Đồng thời, để đảm bảo an toàn sức khỏe của con em mình, các bậc phụ huynh nên chọn các địa điểm mua đồ chơi uy tín, không nên mua hàng đổ đống tràn lan ven đường. Đặc biệt, người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm có tem chống hàng giả (tem chống giả là loại tem đặc biệt có sử dụng công nghệ chống giả, dễ dàng kiểm chứng và không bị giả mạo dưới mọi hình thức).

Theo VietQ