Doanh nghiệp mòn mỏi về gói hỗ trợ khó khăn vì dịch COVID-19

Mặc dù các doanh nghiệp đã nhiều lần tìm cách liên hệ với UBND phường sở tại theo số máy công bố trên Internet nhưng đều không thể liên lạc, để tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo tinh thần của Nghị quyết 42 của Chính phủ.

Từ khi Chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội có hiệu lực, cửa hàng thịt nướng Hàn Quốc của anh Dương Đăng Phong (34 tuổi, ở phố Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) cũng buộc phải đóng cửa để phòng, chống dịch COVID-19.

Cửa hàng đóng, nhân viên nghỉ làm, kéo theo doanh thu cửa hàng của anh Phong gần như về 0 đồng. Trong khi đó, khoản chi phí thuê mặt bằng và hỗ trợ lương cho nhân viên cứng, tiền trả nợ ngân hàng hàng tháng lên đến gần 200 triệu đồng/tháng, anh Phong và cộng sự vẫn phải cáng đáng.

doanh-nghiep-mon-moi-ve-goi-ho-tro-kho-khan-vi-dich-covid-19

Cửa hàng thịt nướng Hàn Quốc của anh Phong và cộng sự dừng hoạt động vì dịch COVID-19.

Để hỗ trợ phần nào những chi phí đắt đỏ trên, anh Phong và cộng sự đã đẩy mạnh giảm giá các sản phẩm và chia nhỏ combo để bán qua các kênh online.

Anh Phong trải lòng: "Mình đã cố vớt vát bằng cách đẩy mạnh giảm giá, chia nhỏ combo bán qua kênh online, tuy nhiên doanh thu toàn cửa hàng vẫn thiệt hại tới 70%.

Nhiều khoản chi phí vẫn phải duy trì, tiền ngân hàng mình vẫn phải trả đều hàng tháng. Nhất là chi phí cho nhân viên và thuê cửa hàng cũng lên đến gần 200 triệu đồng/tháng".

Anh Phong cho biết, trước những khó khăn chồng chất, anh Phong đã làm đơn yêu cầu phía cho thuê mặt bằng chia sẻ khó khăn, bằng cách giảm giảm tiền mặt bằng trong 3 tháng (tháng 4, 5, 6/2020) nhưng đưa đơn đã gần 1 tháng nay những phía chủ nhà vẫn "ngó lơ".

doanh-nghiep-mon-moi-ve-goi-ho-tro-kho-khan-vi-dich-covid-19

Anh Phong và cộng sự đã đẩy mạnh giảm giá các sản phẩm và chia nhỏ combo để bán qua các kênh online.

"Sau khi nắm được thông tin về những hỗ trợ theo tinh thần của Nghị quyết 42/2020 của Chính phủ, thật sự, tôi như "chết đuối vớ được cọc". Thế nhưng, tôi liên hệ 2 cơ quan chính quyền mà vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Đầu tiên là tôi liên hệ với UBND phường Láng Hạ theo số máy công khai trên internet thì không liên hệ được. Tôi tiếp tục liên hệ với chính quyền địa phương ở Thanh Hóa – nơi anh Phong đăng ký hộ khẩu thì nhận được thông tin là chỉ được giới hạn 30 người đăng ký.

Tôi làm doanh nghiệp, trong những ngày đóng cửa bởi dịch, phân nửa nhân viên tại cửa hàng phải nghỉ làm mà tôi cũng không được hỗ trợ chi phí mặt bằng, vì vậy, ngày mai, mặc dù là thứ 7 cuối tuần nhưng tôi vẫn sẽ ra UBND phường nơi tôi kinh doanh để hỏi rõ về gói hỗ trợ, tôi muốn có một câu trả lời đích xác nhất về việc này", anh Phong cho biết.

Anh Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải TM&DV Đất Cảng (tại Hải Phòng) cũng tương tự.

Anh Hải cho biết, trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, hơn 300 đầu xe ô tô thuộc công ty Đất Cảng của anh Hải đều phải tạm dừng hoạt động.

Trong khi đó, khoản tiền cả gốc lẫn lãi phải đóng cho ngân hàng (số nợ 50 tỷ) cùng chi phí lương, bảo hiểm xã hội cho công nhân viên, lái xe (gần 600 người) cũng lên đến 4 tỷ/tháng.

doanh-nghiep-mon-moi-ve-goi-ho-tro-kho-khan-vi-dich-covid-19

Hơn 300 đầu xe ô tô của anh Hải đều phải dừng hoạt động trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16 về cách ly xã hội. Ảnh: NVCC

Anh Hải cho biết: "Đến thời điểm hiện tại, dù đã được hoạt động trở lại nhưng cũng giới hạn tần suất hoạt động là 30% và trên mỗi xe chỉ được khai thác 50% số ghế trên xe.

Doanh nghiệp tôi thuộc diện được hưởng hỗ trợ theo tinh thần của Nghị quyết 42 của Chính phủ, thế nhưng, khi tôi đến 2 đơn vị ngân hàng nơi tôi đang có khoản nợ thì cả 2 đơn vị ngân hàng thương mại đều chưa có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp được vay theo tinh thần của Nghị quyết".

Cũng theo anh Hải, không chỉ doanh nghiệp của anh mà các đối tác, doanh nghiệp vận tải dịch vụ mà anh thân thiết cũng chưa ai tiếp cận được gói hỗ trợ theo tinh thần của Nghị quyết 42 của Chính phủ.

Anh Hải cho rằng: "Trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh thì tôi cũng phải xoay sở nhiều nơi để lo cho khoản tiền phải đóng hàng tháng. Khi đến ngân hàng để tiếp cận gói hỗ trợ không thành, tôi xác định "giật gấu vá vai" để lo cho câu chuyện trước mắt, thay vì cứ trông chờ vào nguồn hỗ trợ từ nhà nước.

Tôi cho rằng, ngân hàng Nhà nước nên sớm có những hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp khó khăn sớm được tiếp cận nguồn hỗ trợ, bởi khi khó khăn thì doanh nghiệp mới cần đến hỗ trợ".

Theo Tổng cục Thống kê, dịch COVID-19 đã khiến cho gần 5 triệu lao động phải ngừng hoặc thậm chí mất việc làm. Khiến tỉ lệ người thất nghiệp trong quý I/2020 xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Trong số này có 59% là tạm nghỉ việc, 28% là giãn việc hoặc nghỉ luân phiên và 13% là mất việc.

Ngành công nghiệp chế biến – chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất; tiếp theo là ngành bán buôn bán lẻ, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống. Tốc độ của người lao động so với cùng kỳ chưa bằng một nửa của cùng kỳ năm trước đó. Tỷ lệ người tham gia vào lực lượng lao động từ đầu năm đang ở mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây.

Theo GiaDinh