Dội bom tin nhắn nhà đất: Nỗi niềm người trong cuộc

Bất kể giờ giấc, khách hàng đều nhận được những cú điện thoại, tin nhắn mời gọi mua nhà đất mùa cuối năm.

19 giờ, chị Nguyễn Thị Phương, làm việc tại quận 3, TP HCM chuẩn bị ra về thì thấy cuộc gọi đến từ số điện thoại di động nên liền bốc máy. Nhưng khi vừa thấy đầu dây bên kia giới thiệu là nhân viên của công ty X., đang có dự án Y., chào bán với giá hấp dẫn… Chị liền đáp đang có việc gấp để chấm dứt việc phải bị “tra tấn” mời chào mua nhà đất, sau khi cả ngày đã nhận cả chục tin nhắn rao bán bất động sản (BĐS).

“Có lúc đang đi đường, thấy cuộc gọi đến hoặc tin nhắn, nghĩ có việc gấp nên tôi liền tấp vô lề, lấy điện thoại ra nghe mới biết nhân viên môi giới đang quảng cáo bán dự án. Có ngày nhận điện thoại liên tục nhưng toàn từ công ty BĐS” - chị Phương bức xúc.

tin-nhan
Tin nhắn rao bán nhà đất "dội bom" người dùng hằng ngày.

Dồn dập dội “bom”!

Rao bán nhà đất qua điện thoại không mới nhưng gần đây, khi thị trường BĐS có dấu hiệu hồi phục, hàng loạt dự án bung hàng dịp cuối năm, khách hàng càng bị “dội bom” tin nhắn nhiều hơn. Một số nhân viên môi giới còn biến hóa tin nhắn càng làm người nhận thêm bực bội hoặc cảm thấy bị lừa.

Vừa nói chị Phương vừa đưa cho chúng tôi xem một tin nhắn với nội dung: “Em Mai nè, bán căn hộ resort view sông liền kê trung tâm TP từ 570-990 triệu đồng, 1-3 phòng ngủ, trả trước 165 triệu, góp 4 triệu/tháng. Đặc biệt 0% lãi suất, tiếp cận gói 30.000 tỉ đồng 100%, gọi em nhé 090933xxx”.

Ghi nhận của chúng tôi, phần lớn các tin nhắn rao bán BĐS đến từ thuê bao có 11 đầu số, nội dung tin nhắn thường nhấn vào gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay 5%/năm trong vòng 10 năm đầu, nhằm đánh vào tâm lý khách hàng có nhu cầu. Nhưng khi khách hàng điện thoại hỏi chi tiết, mới biết dự án không thuộc diện được vay gói tín dụng ưu đãi, hoặc căn hộ thực tế không hề hấp dẫn như quảng cáo.

Theo các doanh nghiệp BĐS, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các dự án (nhất là ở phân khúc nhà giá trung bình thấp), người mua phần lớn là có nhu cầu thật thì buộc DN phải áp dụng mọi biện pháp quảng cáo nhằm bán được hàng.

Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp BĐS tại TP HCM thừa nhận đây là giải pháp của phòng kinh doanh, bản thân ông không nắm rõ. “Các đầu số điện thoại của khách hàng được gửi đến là do nhân viên mua ngẫu nhiên chứ không biết cụ thể nhu cầu thực của khách hàng. Điều này lý giải vì sao hàng trăm ngàn thuê bao mỗi ngày đều nhận được tin nhắn, điện thoại mời mua nhà đất dù không có nhu cầu” - vị này lý giải.

Nhân viên môi giới cũng khổ!

Trong khi đó, nhiều nhân viên môi giới BĐS cho biết họ cũng không sung sướng gì khi phải “tấn công” dồn dập khách hàng bằng tin nhắn, điện thoại. Thanh, nhân viên môi giới BĐS công ty địa ốc H.,chia sẻ: “Tôi vừa nghỉ việc ở công ty do không bán được căn hộ nào trong vòng 2 tháng! Lương thử việc chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng nhưng áp lực doanh số rất lớn buộc chúng tôi phải liên tục nhắn tin làm phiền khách hàng”.

Thanh cho biết mỗi ngày, anh phải có mặt ở công ty vào lúc 7 giờ 30 sáng, sau khi đó in tài liệu và đi… phát tờ rơi ở khắp các chợ, khu dân cư, siêu thị quanh khu vực dự án đang triển khai. Đến buổi chiều, Thanh có nhiệm vụ gọi điện cho tất cả số điện thoại trong tờ mua bán có đăng thông tin quảng cáo, giới thiệu, rao bán về nhà đất cho đến hết giờ làm.

“Khoảng 2 tuần thử việc, mỗi nhân viên mới phải mời được một khách hàng đến xem nhà mẫu dù khách có mua hay không. Kết quả là một số nhân viên phải mời người thân, bạn bè để đối phó. Cũng có người mời được khách hàng nhưng họ chỉ hứa mà không hề tới nhà mẫu, chúng tôi bị cho leo cây là chuyện thường” - Thanh buồn rầu nói.

Trong suốt 2 tháng làm môi giới nhà đất, Thanh “chăm sóc” khách hàng rất kỹ nhưng chưa một lần thành công. “Bị leo cây nhiều lần, tôi rút kinh nghiệm và buổi sáng trước khi tới nhà mẫu, tôi còn cẩn thận điện lại cho khách về cuộc hẹn. Họ hứa chắc chắn nhưng khi chạy từ quận 9 lên tới quận 12 (nơi đặt nhà mẫu dự án), gọi thì không ai nghe máy hoặc điện thoại ò í e” - Thanh chua chát tâm sự.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau thời gian thử việc, nhân viên nào không bán được căn hộ sẽ tự động nghỉ việc. Với những nhân viên bán được căn hộ, đất nền sẽ được khoảng 1% hoa hồng dự án nhưng không phải dễ với những sinh viên mới ra trường, chưa có mối quan hệ...

Không phải cách hay

Trong khi một số DN nhìn nhận rao bán BĐS qua tin nhắn, điện thoại là cách tiếp cận, quảng bá dự án mới mẻ bởi sẽ “không bỏ sót” khách hàng nào có nhu cầu. Nhưng dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, BĐS không phải món hàng dễ qua một cú điện thoại.

Nhà đất là cả gia tài của một gia đình nên họ thường phải lựa chọn kỹ càng, đi xem xét, cân nhắc và quan trọng là thu nhập có đủ khả năng chi trả nên dội “bom” tin nhắn cho khách hàng không phải giải pháp hay.

theo Linh Anh (NLDO)