Đóng cửa nhiều cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm

Trong công tác phòng, chống vi phạm về an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm 2019 tại TP Hà Nội, các cơ quan chức năng đã đóng cửa 52 cơ sở vi phạm.

Tháng hành động vì ATTP năm 2019 trên địa bàn thành phố đã kết thúc. Việc công khai tập thể, cá nhân sản xuất, kinh doanh, chế biến vi phạm ATTP được Hà Nội thực hiện quyết liệt nhằm răn đe các trường hợp vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Theo đó, tin tức trên báo An ninh Thủ đô, trong 6 tháng đầu năm lực lượng chức năng về an toàn thực phẩm TP Hà Nội đã tiến hành đóng cửa 52 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP); xử phạt vi phạm hành chính 1.251 cơ sở với số tiền hơn 4,8 tỉ đồng; tiêu hủy sản phẩm của 133 cơ sở trong Tháng hành động vì ATTP năm 2019 là kết quả cho thấy các cơ quan chức năng của Hà Nội đã mạnh tay xử lý các vi phạm về ATTP. 

dong-cua-nhieu-co-so-vi-pham-cac-quy-dinh-ve-an-toan-thuc-pham

 

 Hà Nội mạnh tay với các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm. Ảnh: ANTĐ

Để tăng cường xử lý những vi phạm này, Hà Nội cũng đang chuẩn bị triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP bắt đầu từ 10-7-2019 đến 10-7-2020 tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn.

Tin tức trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế Hà Nội, để làm tốt hơn nữa công tác đảm bảo ATTP, thành phố cũng xác định rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 66.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 454 chợ, 142 siêu thị, trung tâm thương mại. Sản xuất thực phẩm của thành phố mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu. Vì vậy, công tác chỉ đạo điều hành, tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực này là hết sức quan trọng.

Từ nay cho đến cuối năm 2019, thành phố sẽ triển khai quyết liệt Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 10-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, Kế hoạch 119/KH-UBND của UBND thành phố về khắc phục hạn chế yếu kém, đổi mới nâng cao hiệu quả quản lý ATTP; Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều luật của Luật ATTP; quy định phân công trách nhiệm quản lý ATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội; kiện toàn Ban chỉ đạo công tác ATTP các cấp gắn với bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn Nghị định 15 cho Ban chỉ đạo và mạng lưới ATTP.

Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và trách nhiệm về ATTP của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là đối với cấp quận, huyện thị xã và xã, phường, thị trấn.

Đẩy mạnh công tác thi đua, thực hiện tiêu chí chấm điểm công tác ATTP quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp.

Tiếp tục triển khai các chương trình, dự án, mô hình điểm về ATTP trên địa bàn thành phố. Trong đó, ngành y tế thực hiện chuyên đề trọng tâm về tăng cường quản lý cải thiện dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn về phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm tươi sống an toàn có kiểm soát; ngành công thương với chuyên đề quản lý chợ, chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, trái cây an toàn.

Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông kịp thời về thực trạng ATTP, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai các cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng. 

Chú trọng thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định ATTP. Tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo kế hoạch và đột xuất, tránh chồng chéo gây phiền hà cho các doanh nghiệp, tập trung vào các cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống, thức ăn ngay, dịch vụ ăn uống khu vực du lịch, nước uống đóng chai.

Tăng cường kiểm tra, rà soát tại các chợ cóc, chợ tạm, sử dụng các xe chuyên dụng kiểm nghiệm nhanh trong kiểm tra thực phẩm.

Chủ động triển khai các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm: Tăng cường tuyên truyền về phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa hè, mùa mưa bão, ngộ độc methanol; kiểm tra chuyên đề tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm; giám sát chặt chẽ, điều tra và xử lý kịp thời khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra; tổ chức diễn tập điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm đông người mắc; đảm bảo ATTP các sự kiện diễn ra trên địa bàn thành phố.

Theo VietQ