Đồng Nai: Ăn dọc mùng không sạch gần 200 công nhân đi cấp cứu

Ngay sau khi ăn trưa tại công ty, gần 200 công nhân ở Đồng Nai đã phải nhập viện khẩn cấp do ăn phải dọc mùng bị ngộ độc.

Ngộ độc do ăn dọc mùng chế biến không sạch

Cụ thể, tối 19/12, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai đã lập xong biên bản, kết luận nguyên nhân khiến 197 công nhân tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Dịch vụ Miền Quê (đóng tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai) phải nhập viện sau bữa ăn trưa là do sự cố về an toàn thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Hữu, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai, trưa cùng ngày khoảng 200 công nhân của Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Dịch vụ Miền Quê ăn bữa trưa với cơm trắng, canh chua nấu dọc mùng, gà kho sả, đậu phụ, rau muống xào.

Ngay sau đó, công nhân cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn. Sau đó, có 197 người được đưa đến Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch và Trung tâm y tế huyện Long Thành (Đồng Nai) để điều trị.

Đồng Nai: Ăn dọc mùng không sạch gần 200 công nhân đi cấp cứu

 Các công nhân phải nằm viện điều trị sau khi bị ngộ độc do ăn món có dọc mùng. Ảnh: Dân trí

Ngay sau khi xảy ra sự việc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai đã phối hợp cùng ngành chức năng trực tiếp xuống làm việc với doanh nghiệp, gặp gỡ công nhân điều trị tại các cơ sở y tế.

Thăm khám cho thấy, triệu chứng nổi bật nhất mà công nhân gặp phải là tê lưỡi, hơi ngứa vùng cổ họng, mệt mỏi, buồn nôn. Một số công nhân nói họ bị đau bụng, muốn đi cầu, song triệu chứng không rõ ràng.

Sau khi kiểm tra mẫu thức ăn, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai kết luận tình trạng mà công nhân gặp phải xuất phát từ dọc mùng, đây là sự cố về an toàn thực phẩm. Nguyên nhân, trong quá trình chế biến dọc mùng, nhà bếp đã làm không kỹ, còn sót lại phần vỏ, công nhân ăn vào bị ngứa.

Hiện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai đang xem xét và sẽ xử phạt hành chính doanh nghiệp này.

Dọc mùng ăn được nhưng cũng nguy hại

Cũng tác hại từ dọc mùng, trước đó, PGS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc cho biết, mới đây, Bệnh viện (BV) Bạch Mai tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ hơn 20 tuổi bị dị ứng với dọc mùng. Đây là một trong những ca bệnh dị ứng với thực phẩm nguy hiểm.

Được biết, sau khi ăn dọc mùng (bạc hà), bệnh nhân này thấy ngứa mồm, khó thở và co thắt như bị hen nặng. Kết quả, bệnh nhân ngừng tim do thiếu ôxy não. Mặc dù, các bác sĩ đã cấp cứu tim đập trở lại nhưng não đã chết.

PGS.TS Nguyễn Gia Bình, khi xảy ra sốc phản vệ, việc xử lý cấp cứu phải được tiến hành gấp trong vòng 10 giây đồng hồ, nếu chậm bệnh nhân sẽ tử vong. Vì thế, theo các bác sĩ cũng như chuyên gia, người dân nên cẩn trọng, chủ động hạn chế những món gây dị ứng cho cơ thể.

Theo tìm hiểu, rau dọc mùng còn gọi là môn thơm, tên khoa học là Alocasia indica, Alocasia odora. Dọc mùng có mặt trong nhiều món ẩm thực của người Việt như các món canh chua, món bún...

Theo Đông y, dọc mùng có vị nhạt, tính mát và hơi có độc và thường được dùng để thanh nhiệt giải khát. Bên cạnh đó, cứ trong khoảng 100g dọc mùng thì chứa 95g nước, 0,25g protein và lương bột đường là 3,8g.

Dọc mùng cũng chứa lượng lớn phốt pho, kali, canxi, magie, sắt... và một số chất khác có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt, dọc mùng giàu chất xơ có tác dụng thẩm thấu chất béo và cholesterol, cản trở quá trình hấp thu các chất này ở trong ruột.

Bẹ dọc mùng khô héo gọi là phùng thu can có tác dụng thanh nhiệt, giải chất béo rất tốt lại an toàn. Đối với thân và lá của cây dọc mùng có tác dụng làm tiêu đờm, giảm ho đờm khó thở, trừ giun… Rễ và củ của cây dọc mùng có thể phơi khô và chế biến thành bột trị ghẻ lở, dị ứng ngoài da (phải được chế biến kỹ lưỡng và bài bản theo khoa học).

Đồng Nai: Ăn dọc mùng không sạch gần 200 công nhân đi cấp cứu

 Người dân nên thận trọng khi dùng dọc mùng chế biến món ăn. Ảnh minh họa

Tuy dọc mùng có lợi cho sức khỏe nhưng nếu ăn nhiều sẽ gây ra những nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là khi ăn dọc mùng nấu canh chua.

Một số nghiên cứu cho thấy, những người ăn canh chua không có dọc mùng tỉ lệ tăng acid uric trong máu chỉ khoảng 15%, trong khi những người thường xuyên ăn canh chua dọc mùng có lượng acid uric trong máu cao hơn rất nhiều. 

Cũng theo nghiên cứu, có 7/10 trường hợp bệnh nhân gout thường lên cơn đau kèm theo những triệu chứng của bệnh như sưng nóng đỏ các khớp sau các bữa ăn có món canh chua dọc mùng. Nhóm người này đều có hàm lượng axd uric cao hơn so với những người không ăn.

Như vậy, người đã bị bệnh gút hoặc đang đứng ở ranh giới báo động có nguy cơ bị bệnh gút thì nên kiêng món ăn khoái khẩu này nếu không muốn bệnh tình diễn biến theo chiều hướng nặng.

Theo VietQ