Du học sinh mùa Covid-19 với nỗi ám ảnh lớp học bắt đầu lúc 22h: Căng mắt làm bài kiểm tra lúc nửa đêm và ti tỉ câu chuyện dở khóc dở cười

Việc chênh lệch múi giờ giữa các nước và Việt Nam khiến cho nhiều du học sinh mệt mỏi vì phải sắp xếp thời gian.

Học trái giờ… điểm danh xong rồi ngủ

Theo bạn Đ.T.T. (xin được giấu tên), hiện đang học ngành Công nghệ thông tin, ĐH Houston (Texas, Mỹ) về Việt Nam vào hồi tháng 8/2020. Theo quy định của chính quyền liên bang, du học sinh học 100% học phần bằng hình thức online, không được nhập cảnh vào Mỹ từ học kỳ mùa Thu đến khi có thông báo tiếp theo. Với hình thức học tập này, T. chỉ chọn học 4 môn để đảm bảo chất lượng học tập.

Thế nhưng, việc học tập online tại Việt Nam cũng khiến chuyện học hành của T. gặp một số khó khăn. Việc chênh lệch múi giờ giữa Mỹ và Việt Nam là 12 tiếng nên sắp xếp thời gian biểu cũng khiến T. vô cùng mệt mỏi.

Cụ thể, thứ hai, thứ tư học 2 ca: ca đầu từ 23h30 đến 1h30 hôm sau, ca sau từ 4h đến 5h30 sáng (giờ Việt Nam). Thứ ba, thứ năm học từ 22h đến 23h30 (giờ Việt Nam). Mỗi tiết học, các sinh viên quốc tế như T. sẽ học thông qua phần mềm Zoom, kết nối trực tuyến sang Mỹ.

du-hoc-sinh-mua-covid-19-voi-noi-am-anh-lop-hoc-bat-dau-luc-22h-cang-mat-lam-bai-kiem-tra-luc-nua-dem-va-ti-ti-cau-chuyen-do-khoc-do-cuoi

Ngoài ra, T. cho rằng, việc vào học lúc nửa đêm khiến em cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Bởi ban đêm thì học, thế nhưng ban ngày vẫn phải theo giờ giấc sinh hoạt theo giờ của mọi người trong gia đình. "Đêm thì phải thức học trong khi cả nhà đi ngủ. Cực nhất là những hôm kiểm tra. Buổi sáng học bài, buổi tối ôn bài, rồi nửa đêm đến đúng giờ phải mở máy làm kiểm tra. Lúc đó mình cố làm mọi cách để đầu óc tỉnh táo", T. chia sẻ.

Nếu như T. chăm chỉ ngồi nghe hết bài giảng thì bạn N.T.N - sinh viên ngành Tâm lý học, ĐH Purdue (Indiana, Mỹ) lại cho rằng, việc học online như vậy khiến cô vô cùng bất tiện. N. chỉ canh đúng thời gian đầu mỗi tiết điểm danh, thường bằng một bài tập nhỏ. Sau khi nộp bài, N. tắt máy... ngủ và canh đến tiết tiếp theo.

Lý giải về cách học không chuẩn "con ngoan trò giỏi", bạn N. cho rằng, thông thường thầy cô đều gửi tệp ghi âm bài giảng và các tài liệu học tập sau mỗi buổi học. Chính vì vậy, N. cảm thấy không nhất thiết phải thức đêm mà chỉ cần điểm danh đúng quy định, sáng hôm sau mới nghe lại bài thì sẽ học tập được hiệu quả hơn.

Chất lượng không đảm bảo?

Theo sinh viên Đ.T.T, việc học online cách xa nửa vòng trái đất thì chất lượng không được đảm bảo. T. cho rằng, thông thường sinh viên phải dành nhiều thời gian để nghe giảng các môn chuyên ngành, lên thư viện để tìm các tài liệu chuyên ngành, vào phòng thí nghiệm để thực hành,… Thế nhưng, việc học online khiến các du học sinh học online chỉ có thể học qua màn hình máy tính.

Được biết, trong giai đoạn này, trường T. cũng có quy định cho sinh viên nếu qua môn, song bị điểm kém (điểm C, điểm D) thì nhà trường sẽ chuyển thành điểm S cho học phần tương ứng.

Theo đó, điểm S có nghĩa là đã qua môn, song không tính vào điểm trung bình, bớt ảnh hưởng thành tích. Đối với các điểm A và B, sinh viên có thể giữ lại hoặc chuyển sang điểm S.

du-hoc-sinh-mua-covid-19-voi-noi-am-anh-lop-hoc-bat-dau-luc-22h-cang-mat-lam-bai-kiem-tra-luc-nua-dem-va-ti-ti-cau-chuyen-do-khoc-do-cuoi

Với T. việc học online khiến em gặp không ít những khó khăn, bất tiện và chất lượng không được như mong muốn. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, trong trường hợp không qua môn, thay vì nhận điểm F (trượt môn), sinh viên sẽ được nhận điểm NCR, nghĩa là xem như chưa học môn này. Sinh viên có thể đăng ký học lần hai mà không bị gắn mác "học lại".

Cùng quan điểm với T., bạn N. (sinh viên tại Pháp) thì việc học online khiến cô khó thu nạp được các kiến thức. Bởi việc học thường xuyên diễn ra vào ban đêm, trong khi đó ban ngày vẫn phải sống sinh hoạt theo giờ Việt Nam nên đến lúc bắt đầu học khiến T. cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ. Thậm chí có nhiều hôm kiểm tra, nhưng mệt quá "quên" nộp bài.

Hay như bạn H. việc học online đôi khi đường truyền Internet hạn chế, giọng thầy cô bị rè, không nghe rõ. Vì vậy, H. không hiểu bài giảng. Ngoài ra, nhiều giáo viên đứng tuổi không thành thạo công nghệ, một lớp học online 2 tiếng thì loay hoay hết nửa tiếng chỉnh sửa thiết bị, phần mềm, làm gián đoạn tiết học.

Trái với những du học sinh trên, T.V (du học sinh Úc) lại thích học online hơn thay vì phải đến lớp. Lý do được V đưa ra là em thích sự yên tĩnh của lớp học online và thấy dễ tập trung hơn.

Ngoài ra, ở trường của V. việc thực hiện, sắp xếp thời gian biểu thường là lúc 10h sáng, nhưng cũng có những lớp không ràng buộc về giờ giấc, có thể học bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, V. có thể chủ động thời gian, tiết kiệm được tiền bạc vì không phải sang bên kia để học như thường lệ.

Các nước dần mở cửa để du học sinh quay lại học tập

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu dần nới lỏng các quy định nhập cảnh với các du học sinh. Hồi giữa tháng 10 vừa qua, Chính phủ New Zealand cho phép 250 sinh viên quốc tế bậc sau đại học quay trở lại nước này theo chương trình miễn trừ đặc biệt trong bối cảnh New Zealand vẫn đang "đóng cửa" với hầu hết du khách nước ngoài.

Hay như bắt đầu từ ngày 20/10, du học sinh được phép đến Canada nếu cơ sở đào tạo có kế hoạch phòng ngừa COVID-19 và được cơ quan y tế tỉnh bang phê duyệt. Trước đó, các du học sinh chỉ được phép đến quốc gia này từ ngày 18/3 trở về trước mới được đến Canada.

Tại Nhật Bản, khi các du học sinh quay lại học tập tại các trường đại học sẽ tổ chức các lớp phụ đạo để bù lại những kiến thức thiếu hụt vì dịch bệnh.

Theo GiaDinh