Đủ trò "khủng bố thực phẩm": Tống tiền bằng thức ăn tẩm độc

Trộn chất độc có vị ngọt ethylene glycol vào thức ăn trẻ em gieo rắc nỗi sợ hãi hay trộn thuốc sâu vào bánh ngọt khiến khách hàng thiệt mạng hàng loạt là những vụ án gây chấn động thế giới

Tháng 9-2017, các bậc phụ huynh trên khắp nước Đức không khỏi hoảng sợ sau khi giới chức trách phát hiện những hũ thức ăn trẻ em ở TP Friedrichshafen bị trộn ethylene glycol - hợp chất có vị ngọt dùng để chống đông, có khả năng gây suy thận, thậm chí chết người.

Chấn động

Tổng cộng 5 hũ thực phẩm trẻ em, mỗi hũ bị trộn lượng ethylene glycol đủ giết chết một đứa trẻ, được tìm thấy ở thành phố miền Nam nước Đức. Phát hiện chấn động này diễn ra trong chiến dịch kiểm tra trên diện rộng của cảnh sát sau khi hàng loạt chuỗi cửa hàng thực phẩm lớn tại Friedrichshafen nhận được thư điện tử thông báo về các sản phẩm bị đánh thuốc độc tại một siêu thị.

Kẻ gửi thư đe dọa sẽ tẩm độc thêm nhiều đồ ăn tại các siêu thị trong nước nếu không nhận được 10 triệu euro (12 triệu USD). Theo hãng thông tấn DPA (Đức), thậm chí thư này còn được gửi tới nhiều nhóm bảo vệ tiêu dùng và cả cảnh sát, trong đó đe dọa thêm 20 loại thực phẩm khác sẽ bị đầu độc nếu yêu cầu nói trên không được đáp ứng.

Ngày 30-9, cảnh sát bắt giữ một người đàn ông 55 tuổi, danh tính không được tiết lộ, sau khi phát lệnh truy nã quốc tế và nhận được hơn 650 cuộc gọi cung cấp thông tin qua đường dây nóng. Bên cạnh đó, ADN tìm thấy trên những hũ thực phẩm trẻ em bị tẩm độc cùng hình ảnh giám sát hiện trường đã đưa cảnh sát tới chỗ kẻ tình nghi.

Lực lượng chức năng Đức cho biết nghi phạm đã nhận tội trước tòa Ravensburg, đồng thời khai rằng hắn không đánh thuốc độc vào sản phẩm nào khác ngoài những sản phẩm bày bán tại các siêu thị ở Friedrichshafen mà cảnh sát đã phát hiện.

du-tro-khung-bo-thuc-pham-tong-tien-bang-thuc-an-tam-doc

Ảnh truy nã kẻ trộn ethylene glycol vào thực phẩm tại Đức Ảnh: CCTV

Tuy vậy, cảnh sát vẫn khuyến cáo người dân thận trọng và kiểm tra kỹ thực phẩm khi mua hàng.

Trong phiên xử, bị cáo khai mình mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) và thực hiện hành vi tẩm độc thực phẩm giữa lúc cơ thể đang chịu tác động của rượu bia và chất giảm đau. Tuy nhiên, lời bào chữa trên không được chấp nhận. Người đàn ông trên bị tuyên án 12 năm tù. Truyền hình địa phương đưa tin chuyên gia tâm lý tại phiên tòa đã kết luận hắn đủ năng lực chịu trách nhiệm cho tội ác của mình.

Theo công tố viên trưởng của vụ án, ông Peter Vobiller, việc lượng chất độc ở mỗi hũ thức ăn có thể giết chết 1 đứa trẻ đã đủ để kết án 5 tội danh chủ đích giết người. Cảnh sát đã tìm thấy thêm nhiều ethylene glycol được cất trữ tại nơi ở của hắn. Công tố viên Vobiller nhấn mạnh thực tế chưa có nạn nhân nào bị hại trong vụ án này thực sự là một may mắn lớn nhờ hành động hiệu quả của cảnh sát.

Tử thần ngọt ngào

Một năm trước đó, một vụ án khác nổi lên ở Pakistan được gọi là "tử thần ngọt ngào". Kẻ thủ ác cũng lợi dụng vị ngọt để thực hiện dã tâm của mình và hàng chục nạn nhân đã thiệt mạng.

Theo CBS News (Mỹ), lễ mừng cháu trai chào đời của gia đình cụ Umar Hayat - cư dân ở quận Layyah, tỉnh Punjab, Pakistan - vào tháng 4-2016 đã nhanh chóng biến thành bi kịch khi 10 người, chủ yếu là họ hàng trong nhà, thiệt mạng và nhiều người khác đổ bệnh. Nguyên nhân sau đó được xác định là từ những chiếc bánh laddu, một loại bánh hình tròn làm từ bột và đường thường chỉ được thết đãi trong những dịp đặc biệt ở Pakistan. Ông Hayat mua bánh ở một tiệm đồ ngọt địa phương ngày 17-4-2016 để đãi tiệc họ hàng nhưng không ngờ bi kịch quá tàn khốc ập tới. Trong số 10 người thiệt mạng có cha của em bé mới chào đời và 7 người chú, bác của đứa trẻ.

Cảnh sát nhanh chóng đột kích và niêm phong tiệm bán bánh trong khi các trường hợp tử vong tương tự liên tục được phản ánh, lên tới tổng cộng 33 người và hàng chục nạn nhân khác phải nhập viện chữa trị. Chủ tiệm bánh và em trai cùng một nhân viên tiệm bánh bị bắt giữ.

du-tro-khung-bo-thuc-pham-tong-tien-bang-thuc-an-tam-doc

Các vụ bê bối hạ độc thực phẩm gây khiếp sợ trên khắp thế giới Ảnh: REUTERS

Theo BBC, sĩ quan cảnh sát cấp cao quận Layyah, ông Ramiz Bokhari cho biết em trai của chủ tiệm bánh, ông Tariq Mahmood, thú nhận đã trộn thuốc trừ sâu vào bánh. "Anh ta nói với cảnh sát rằng vì bị anh trai thường xuyên đánh đập và lạm dụng nên anh ta trộn thuốc sâu vào bánh để trả thù (!)".

Tuy nhiên, sau đó, chủ tiệm thuốc sâu kế bên kể rằng ông ta tìm cách hạ độc bánh laddu sau khi hai bên xảy ra xích mích. Nhân viên của tiệm bánh "tử thần" lại nói với cảnh sát chính anh ta…vô tình làm lẫn thuốc trừ sâu vào bánh. Cũng theo lời người này, tiệm thuốc trừ sâu kế bên sửa sang nên gửi hàng hóa bên tiệm bánh, anh ta tưởng nhầm một túi thuốc trừ sâu là đường nên trộn vào bánh.

Ba lời khai được đưa ra có vẻ mâu thuẫn làm dấy lên nhiều câu hỏi về cách thức thẩm vấn của cảnh sát. Nhiều nhóm hoạt động nhân quyền trước đó từng cáo buộc giới chức trách Pakistan ép cung các nghi phạm. 

Tiêm thuốc độc vào bánh bao vì... lương thấp

Theo Tân Hoa xã, năm 2014, Lu Yueting (lúc đó 39 tuổi) bị tòa án thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc - Trung Quốc tuyên án chung thân vì tiêm thuốc trừ sâu vào từ 6-9 hộp bánh bao đông lạnh làm 10 người Nhật Bản ngộ độc.

Nguyên nhân do họ Lu bất mãn với mức lương thấp hơn đồng nghiệp tại nhà máy thực phẩm Tianyang ở tỉnh Hà Bắc. Lu vốn làm việc cho Tianyang 15 năm nhưng vẫn chỉ là nhân viên tạm thời. Các lô bánh bao nói trên đã được xuất khẩu sang Nhật Bản.

Vụ việc cũng đã gây ra thiệt hại lớn về kinh tế, ước tính khoảng 900.000 USD, do người Nhật Bản tẩy chay bánh bao Trung Quốc, trong khi nhà máy Tianyang buộc phải đóng cửa, thu hồi toàn bộ sản phẩm, làm hơn 1.300 công nhân mất việc làm.

Theo NLD