Đua nhau bán nhà phố cổ mùa dịch: 1,1 tỷ đồng/m2, đắt kỷ lục!

Trước tác động của đại dịch Covid-19 nhiều chủ nhà phố cổ Hà Nội đã rao bán nhà, tuy nhiên do mức giá cao nên nhiều người chật vật cả nửa năm vẫn không tìm được người mua.

Giá đất phố cổ: Chênh lệnh "khủng" giữa mặt đường và mặt ngõ

Các tuyến phố nằm trong khu vực phố cổ được mệnh danh là "tuyến phố kim cương" của Hà Nội, với giá trị có thể lên tới cả tỷ đồng/m2, ngang ngửa với giá đất tại các thành phố đắt đỏ nhất thế giới như New York, Paris hay Tokyo.

Đặc biệt, càng gần khu vực Hồ Hoàn Kiếm, giá đất lại tăng theo cấp số nhân. Cụ thể, tại khu vực Hàng Ngang - Hàng Đào, Đinh Tiên Hoàng, giá đất mặt đường dao động từ 800 - 1,1 tỷ đồng/m2.

dua-nhau-ban-nha-pho-co-mua-dich-1-1-ty-dong-m2-dat-ky-luc

Trên nhiều trang mua bán BĐS, nhà phố cổ được rao bán nhiều trong mùa dịch. Ảnh chụp màn hình.

Khảo sát tại một số trang tin rao bán BĐS cho thấy, một ngôi nhà 150 m2, mặt tiền 6,8 m tại đường Đinh Tiên Hoàng đang được rao bán 168 tỷ đồng, tương đương 1,12 tỷ đồng/m2.

Tương tự, một ngôi nhà khác tại phố Hàng Đào, rộng 213 m2, đang được rao bán với giá 180 tỷ đồng, khoảng 850 triệu đồng/m2.

Trái ngược với giá mặt đường đắt đỏ, giá đất mặt ngõ, hoặc giá nhà tập thể tại khu vực này lại "mềm" hơn rất nhiều, dao động trong khoảng 30 - 100 triệu đồng/m2, chỉ bằng 1/10 so với đất mặt đường.

Đơn cử, một căn hộ 45 m2 tại khu tập thể Hàng Bông đang được chủ nhà rao bán với giá 1,4 tỷ đồng, khoảng 31 triệu đồng/m2; hoặc một ngôi nhà nhỏ, có diện tích 25 m2 tại phố Hàng Chiếu đang được rao bán với giá 1,7 tỷ đồng, gần 70 triệu đồng/m2;...

dua-nhau-ban-nha-pho-co-mua-dich-1-1-ty-dong-m2-dat-ky-luc
 
Các tấm biển bán nhà được treo nhiều trên phố cổ Hà Nội. 

Theo ông An Tiến Hưng, nhân viên tư vấn BĐS ở Hà Nội, sở dĩ giá đất mặt đường và mặt ngõ tại phố cổ có sự chênh lệch cao như vậy là do nhà mặt đường có thể cho thuê mặt bằng hoặc kinh doanh được. Giá thuê mặt bằng tại khu vực phố cổ có thể lên tới 200 - 300 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, đặc trưng của phố cổ Hà Nội là ngõ nhỏ và hẹp, nhiều ngõ rộng chưa tới 1 mét, diện tích nhà khiêm tốn, không thể kinh doanh được nên giá trị thấp hơn nhiều.

"Dù vậy, so với bình quân giá đất của Hà Nội, giá đất mặt ngõ phố cổ vẫn cao hơn 20 - 30% so với những nơi khác", ông Hưng nói.

dua-nhau-ban-nha-pho-co-mua-dich-1-1-ty-dong-m2-dat-ky-luc
 
So với nhà mặt phố nhà trong ngõ phố cổ có giá rẻ hơn song vẫn rất ít khách mua hào hứng. Ảnh minh họa: Lê Hà

Nhà phố cổ khó bán

Hiện nay, trước tác động của đại dịch Covid-19 đã xuất hiện làn sóng rao bán nhà phố cổ Hà Nội, đa phần là nhà mặt phố. Trên phố Hàng Bông, với chiều dài khoảng 932 m, nhưng đã có hơn 10 nhà mặt phố đang rao bán.

Cụ thể, một ngôi nhà 5 tầng, diện tích sàn 55 m2 đang được chủ nhà rao bán với giá 33 tỷ đồng. Cách đó khoảng 50 m, một ngôi nhà 10 tầng khác, diện tích 180 m2 cũng được chủ nhà rao bán với giá 135 đồng. Cá biệt, một ngôi nhà giáp với phố Cửa Nam, có diện tích lên tới 350 m2, mặt tiền 20 m, được chủ nhà rao bán 175 tỷ đồng.

Tình cảnh này diễn ra tại nhiều tuyến phố khác như phố Hàng Buồm, Hàng Quạt, Hàng Bè, Hàng Bạc, Mã Mây, Đào Duy Từ;....

Trao đổi với PV, một chủ nhà tại đây cho biết, so với cuối năm 2019, giá đất tại phố Hàng Bông gần như không thay đổi nhiều, thậm chí, nếu khách hàng có thiện chí mua, chủ nhà sẵn sàng giảm 5 - 7% giá trị nhà. Điều này hiếm khi xảy ra tại khu vực này.

Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận, do giá đất mặt đường rất cao nên ít khách hàng cá nhân chú ý tới: "Mặc dù sẵn sàng giảm giá cho khách, song ngôi nhà của tôi rao bán đã nửa năm vẫn chưa có khách mua".

dua-nhau-ban-nha-pho-co-mua-dich-1-1-ty-dong-m2-dat-ky-luc
 
Những con ngõ sâu hun hút, tối tăm là "đặc sản" của phố cổ Hà Nội. Ảnh minh họa: Lê Hà

Trong khi đó, bà Thu Nhung, một nhân viên môi giới BĐS phố cổ cho biết, hầu hết, chỉ có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng mới quan tâm tới nhà mặt đường phố cổ.

"Chủ yếu khách du lịch khi tới Hà Nội đều lựa chọn phố cổ để lưu trú. Vì vậy, khu vực này có rất nhiều khách sạn mini. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, khiến lượng khách du lịch tới Hà Nội giảm mạnh, bản thân các doanh nghiệp khách sạn không thể duy trì nguồn thu nên buộc phải bán nhà, thu hồi vốn", vị này nói.

Giống như nhà phố, nhiều chủ nhà rao bán nhà mặt mặt ngõ tại khu vực phố cổ cũng lâm vào cảnh nằm chờ "dài cổ" đợi khách tìm mua.

Giải thích về điều này, bà Nhung nói: Mật độ dân số trong các ngõ phố cổ rất cao, ví dụ tại nhà tập thể tại ngã tư Hàng Bông - Phủ Doãn, với diện tích vài trăm mét vuông nhưng có tới gần 50 hộ gia đình sinh sống, mỗi gia đình có 3 - 4, thậm chí 5 thành viên. Như vậy, tính ra, mỗi người chỉ có vài mét vuông sinh hoạt.

Đó là chưa tính tới nhiều nơi vẫn còn sinh hoạt theo kiểu bao cấp. Tức là, cả chục hộ chung một nhà vệ sinh, chung nhà tắm.

"Nếu lựa chọn nhà mặt ngõ phố cổ, khách mua phải đối mặt với tình trạng dân số đông đúc, nhà sát vách, ngõ nhỏ, đường đi tăm tối, không có chỗ để xe.

Với vô vàn bất tiện, nhưng giá đất tại đây lại cao hơn các khu vực khác khoảng 20 - 30%. Chình vì lý do đó, nhà mặt ngõ phố cổ cũng khó bán như nhà mặt đường", bà Nhung nói thêm.

Theo Dân Trí