Dùng kim nặn mụn có nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan siêu vi

Ngoài những tổn thương trên da như sẹo, dùng kim nặn mụn có rủi ro lây nhiễm các tác nhân gây bệnh do lây truyền như HIV, viêm gan siêu vi...

Dùng kim để chích, nặn mụn là cách nhiều người sử dụng để nhanh chóng loại bỏ mụn. Tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng có thể áp dụng phương pháp này được, việc chích và nặn mụn không đúng thời điểm và không đúng cách sẽ có thể gây viêm nhiễm nặng và làm da bị tổn thương sâu khiến cho việc điều trị mụn kéo dài, da mặt bị sẹo và vết thâm sau mụn rất khó phục hồi.

Dùng kim nặn mụn có nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan siêu vi

Dùng kim nặn mụn có rủi ro lây nhiễm các tác nhân gây bệnh do lây truyền như HIV, viêm gan siêu vi... Ảnh minh họa

Nói về những rủi ro khi dùng kim nặn mụn, trao đổi trên báo Tuổi trẻ, TS.BS Lê Thái Vân Thanh - Giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, bất kể dụng cụ lấy mụn là gì đều gây tổn thương cấu trúc bình thường của nang lông - tuyến bã của da, do đó có nguy cơ gây sẹo vĩnh viễn cho làn da.

Ngoài ra, tác động xâm lấn trên da như vậy có rủi ro lây nhiễm các tác nhân gây bệnh do lây truyền như HIV, viêm gan siêu vi, vi nấm, herpes simplex...

Nang lông - tuyến bã có chức năng tiết chất nhờn nhằm “nuôi dưỡng” bề mặt da. Còn mụn hoặc các thương tổn mụn được tạo thành là do sự ứ trệ, bít tắc lưu thông của chất nhờn.

Vi khuẩn gây mụn là một loại vi sinh vật “thường trú” tại nang lông - tuyến bã. Điều này có nghĩa là chúng sống một cách hòa bình trên làn da. Khi gặp điều kiện thuận lợi như môi trường của da bị rối loạn (viêm, tăng sừng) hoặc nguồn thức ăn là chất bã nhờn trở nên dồi dào thì chúng phát triển dữ dội và gây mụn.

Khi bị mụn nhọt cần có phương pháp chăm sóc đúng cách. Ảnh minh họa

Khi bị mụn nhọt cần có phương pháp chăm sóc đúng cách. Ảnh minh họa

Do vậy, khi bị mụn nhọt, bạn cần có biện pháp chăm sóc da mụn đúng cách, không nên nặn mụn để tránh gây tổn thương trên da và hình thành sẹo, đặc biệt là những hậu quả nghiêm trọng do nhiễm khuẩn gây nên.

Liên quan đến vấn đề trên, theo thông tin trên báo Gia đình & xã hội, đề phòng các loại mụn, tại các bệnh viện da liễu đều có hướng dẫn: Mụn nhọt thông thường chỉ cần bôi thuốc sát trùng đơn giản như nước muối loãng.

Khi mụn nhọt đã “chín” thì chích mủ, nhưng cần được bác sĩ thực hiện (không tự nặn ở nhà), để đảm bảo vô trùng, tuyệt đối không nặn mụn nhọt non.

Không nên tự ý nặn mụn để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Ảnh minh họa

Không nên tự ý nặn mụn để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Ảnh minh họa

Ngoài ra, không đắp các loại lá trực tiếp lên mụn, chỗ sưng đau vì có thể gây ngứa, nhiễm trùng… Không xử lý các vết xước, hay nặn mụn bằng kem trộn, kem che khuyết điểm, chườm nóng, chườm lạnh lên vết sưng đỏ… vì càng làm vết thương nhiễm khuẩn nặng hơn. Khi mụn mủ đã chín, nên đến cơ sở y tế để được tháo mủ đúng kỹ thuật, vô trùng. Nếu mụn lớn đã hóa mủ sẽ được chích rạch để thoát mủ, sớm lành.

Minh Hà

Theo VietQ