Dùng 'thần dược' thuốc cam nhiều trẻ nhập viện

Sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc nhiều trẻ phải nhập viện do ngộ độc chì.

Tính từ đầu năm 2019 đến nay, Khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho 6 trẻ ngộ độc chì do dùng thuốc cam. Phần lớn các ca ngộ độc chì ở trẻ em đều liên quan đến sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc nhằm tẩm bổ, tăng cân, chữa tưa lưỡi, viêm loét miệng…

dung-than-duoc-thuoc-cam-nhieu-tre-nhap-vien
Thuốc cam chữa viêm loét miệng ở trẻ em không rõ nguồn gốc.

Trường hợp nhập viện mới đây nhất là bé Nguyễn Phan Bảo N (7 tháng tuổi, Thanh Hóa) được chuyển đến Khoa cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 15-5 trong tình trạng li bì, nôn trớ, đi ngoài. Theo lời kể của người nhà, trước đó hai tuần, bé bị viêm loét miệng, bà Nội nghe hàng xóm mách một thầy lang ở gần nhà có bài thuốc cam gia truyền có thể chữa bệnh rất tốt, nên đã tìm mua thuốc cho cháu bôi và uống. Sau 7 ngày dùng thuốc cam bé xuất hiện nôn trớ, đi ngoài, co giật, li bì nên được người nhà đưa đến bệnh viện tỉnh khám và điều trị. Sau đó bé được chuyển tiếp lên khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bác sĩ Đinh Thị Hồng, Khoa cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương  - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi cho biết, bệnh nhi bị hội chứng não cấp do ngộ độc chì mức độ nặng, ngoài ra còn có tổn thương gan (xét nghiệm men gan tăng rất cao), thiếu máu nặng phải truyền máu.

Hiện tại, sau khi điều trị bằng thuốc thải chì đặc hiệu, bệnh nhi đã có những tiến triển rõ ràng, xét nghiệm máu cho thấy nồng độ chì đã giảm nhiều.

“Bệnh nhi không còn nguy hiểm đến tính mạng, nhưng những di chứng mà ngộ độc chì để lại rất khó đánh giá, do bệnh nhi còn quá nhỏ. Tuy nhiên, các di chứng cảnh báo đó là ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần, vận động IQ và việc thải độc chì sẽ vẫn phải tiếp tục sau khi bệnh nhi được xuất viện”, bác sĩ Hồng cho biết.

Bằng Lăng (TH)

Theo TieuDung24h