Dùng xilanh rửa mũi cho trẻ: Đừng thấy dễ mà tự làm sẽ gây bệnh khôn lường

Việc dùng xilanh rửa mũi cho trẻ là việc làm vô cùng mạo hiểm có thể gây ra những tổn thương về sức khỏe cũng như tâm lý của trẻ.

Theo báo Tri thức trực tuyến, gần đây, nhiều bà mẹ chia sẻ trên trang cá nhân cách rửa mũi, hút mũi cho con bằng xilanh tự chế. "Đồ nghề" của bà mẹ này là một xilanh loại thường mua ở hiệu thuốc, thêm lọ muối sinh lý NaCl (loại dùng nhỏ mắt) để lấy đầu nhựa gắn thêm vào xi lanh. Sau đó, em bé được bố dùng xi lanh xịt mạnh nước muối vào lỗ mũi phải, cùng lúc này ở phía mũi bên trái, nước muối sinh lý đi kèm dịch nhầy, đờm tắc trong khoang mũi ào ra.

Dùng xilanh rửa mũi cho trẻ: Đừng thấy dễ mà tự làm sẽ gây bệnh khôn lường

Tự dùng xilanh xịt rửa mũi cho con là vô cùng nguy hiểm. Ảnh: Dân Trí

Bác sĩ CKII Trịnh Quang Dũng - Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, lấy đờm đông ở phế quản là thủ thuật bình thường, cơ bản rất tốt và cần thiết. Khi trẻ bị sổ mũi, viêm mũi,... dễ dẫn đến mắc các bệnh về đường hô hấp, viêm họng, viêm tai giữa,... Do đó, rửa mũi giúp trẻ dễ chịu hơn, tránh tình trạng dịch nhầy và gỉ mũi bít tắc đường thở của trẻ. Việc rửa mũi cũng ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập xuống họng, tai và ngừa các bệnh lây lan qua đường hô hấp cho trẻ.  

Tuy nhiên, hiệu quả này chỉ đạt được khi thực hiện với dụng cụ đạt chuẩn và thao tác chuyên nghiệp. Hiện các bộ dụng cụ thường có cấu tạo bình rửa thông mũi với áp suất chuẩn, vừa đảm bảo dòng chảy để rửa sạch khoang mũi, vừa không bị áp lực cao gây tổn thương niêm mạc.  

Về loại xilanh tự chế hoặc đang được bán với giá rất rẻ hiện nay, bác sĩ Dũng khuyến cáo bố mẹ tuyệt đối không dùng cho con. “Dùng xilanh để bơm trực tiếp nước muối vào mũi trẻ rất nguy hiểm bởi loại này có áp lực cao sẽ làm tổn thương niêm mạc vốn rất mỏng ở trẻ em. Đó là chưa kể đến việc các loại xilanh đầu nhọn, sắc sẽ làm chảy máu mũi, viêm, xước nghiêm trọng ở trẻ. Ngoài ra, nếu không cẩn thận, nước còn ngược xuống hệ hô hấp, gây sặc vào phổi”, bác sĩ Dũng phân tích.

Bác sĩ thông tin thêm, với dụng cụ này, ngay cả người lớn dùng thử còn có cảm giác buốt lên tận óc nên với trẻ em sẽ càng nguy hiểm, đồng thời sẽ khiến các bé hoảng sợ.

Trao đổi trên báo Dân Trí, Ths.BS Nguyễn Tiến Hùng, Bộ môn Tai Mũi Họng (ĐH Y Hà Nội) cho biết, ông nhiều trường hợp trẻ em đến khám viêm tai thì do được bố mẹ sử dụng phương pháp xịt rửa bằng xi lanh.

Trong khi đó, viêm tai điều trị phức tạp hơn nhiều so với viêm mũi thông thường. Viêm tai giữa là có mủ trong tai giữa, biến chứng nặng nhất từ viêm tai, vi khuẩn có thể ngược dòng lên não gây viêm màng não. Viêm tai giữa cũng có thể gây biến chứng làm cho trẻ bị méo mặt, tổn thương dây thần kinh 7. Từ viêm tai giữa cũng có thể gây viêm toàn bộ xương thái dương, làm em bé viêm xương chũm, thậm chí đe dọa tính mạng vì tình trạng nhiễm trùng nặng. Về lâu dài, tình trạng viêm tai giữa có thể làm giảm sức nghe hoặc điếc.

“Trẻ em, trừ một số trường hợp đặc biệt có chỉ định, còn lại nên dùng muối biển sương mù, muối sinh lý thông thường chứ tuyệt đối không bơm rữa bằng xi lanh, dụng cụ xịt rửa để tránh nguy cơ trên”, BS Hùng khuyến cáo.

Theo VietQ