Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ em dưới 19 tuổi

Theo ước tính, mỗi ngày có tới 3.600 trường hợp mắc và 90 người tử vong do tai nạn thương tích. Trong đó, tai nạn giao thông, đuối nước là các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ em dưới 19 tuổi, cướp đi mạng sống của hơn 3.000 trẻ em mỗi năm.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị khoa học quốc gia lần thứ 3 về phòng chống tai nạn thương tích do Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế) phối hợp cùng Trường Đại học Y tế công cộng tổ chức ngày 12/11.

duoi-nuoc-la-nguyen-nhan-gay-tu-vong-lon-nhat-o-tre-em-duoi-19-tuoi

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, tai nạn thương tích là nguyên nhân chính gây tổn thất lớn về người và tài sản cho xã hội. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng trên 5 triệu trường hợp tử vong và hàng chục triệu người bị thương do tai nạn thương tích trên toàn thế giới.

Tai nạn thương tích là nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng bệnh tật và tử vong đặc biệt là trong nhóm dân số trẻ và trong độ tuổi lao động. Mỗi năm có tới trên 1,2 triệu trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, trên 600 ngàn trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước và trên 2/3 số trường hợp đó xảy ra tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, ước tính mỗi ngày có tới 3.600 trường hợp mắc và 90 người tử vong do tai nạn thương tích. Trong đó, tai nạn giao thông, đuối nước là các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ em dưới 19 tuổi, cướp đi mạng sống của hơn 3.000 trẻ em mỗi năm.

Theo một thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chỉ khoảng 30% học sinh tiểu học và THCS ở Việt Nam biết bơi. Trong khi đó, tỉ lệ đuối nước chiếm 50% các vụ tai nạn tử vong, thương tích ở trẻ em. Các chuyên gia cho rằng dạy bơi, học bơi là giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em, nhất là môi trường sống của trẻ Việt Nam lại có nhiều ao hồ, mương, kênh, rạch, sông, suối… tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước.

Theo các chuyên gia, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã phối hợp tích cực với các nước, Tổ chức Y tế thế giới, các bộ ngành và tổ chức xã hôi, địa phương và các tổ chức trong và ngoài nước trong công tác phòng chống tai nạn thương tích. Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai sâu rộng các nhiệm vụ phòng chống tai nạn thương tích của ngành Y tế và đã đạt một số kết quả khả quan nhất định.

Trong 10 năm qua, số liệu thống kê cho thấy, các chính sách và can thiệp phòng chống tai nạn thương tích của các Bộ, ngành, địa phương đã góp phần giảm gần 20% tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích tại cộng đồng.

Cụ thể, hệ thống giám sát số ca mắc và tử vong do tai nạn thương tích đã được thiết lập làm cơ sở xây dựng các chính sách. Việc can thiệp phòng chống tai nạn thương tích như đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy, không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông… được tiến hành thường xuyên.

duoi-nuoc-la-nguyen-nhan-gay-tu-vong-lon-nhat-o-tre-em-duoi-19-tuoi

Mỗi năm có hơn 3000 trẻ tử vong do đuối nước. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, chương trình quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích đã được xây dựng. Nhờ đó, người dân và các cấp chính quyền địa phương được nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng chống đuối nước. Năng lực cấp cứu, chăm sóc chấn thương trước khi nhập viện do tai nạn thương tích tại nhiều địa phương được nâng cao.

Mô hình cộng đồng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế đã được tập trung xây dựng. Đến nay đã có 220 xã, phường trên cả nước được công nhận là cộng đồng an toàn quốc gia với các mô hình trường học an toàn, gia đình an toàn, ngôi nhà an toàn…

Theo GiaDinh