Đường sắt thiệt hại nặng nề do COVID-19, nhiều nhân viên tuần đường, gác chắn bị nợ lương

Do ảnh hưởng của COVID-19, khách đi tàu giảm, doanh thu thiệt hại khiến doanh nghiệp vận tải đường sắt phải cắt giảm nhiều chuyến tàu.

Theo thông tin từ Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội, từ ngày hôm qua (24/2), đã tạm dừng chạy một số đôi tàu do vắng khách.

Cụ thể, đôi tàu SE35/36 tuyến Hà Nội - Vinh và ngược lại. Tàu SP1/2 tuyến Hà Nội - Lào Cai và ngược lại. Dừng chạy hàng ngày đôi tàu YB3/4 tuyến Hà Nội - Yên Bái và ngược lại, chỉ duy trì chạy đôi tàu này vào ngày cuối tuần từ Hà Nội đi vào thứ 7 và từ Yên Bái về vào chủ nhật. Hành khách đã mua vé trên các tàu này sẽ được đổi hoặc hoàn trả vé theo yêu cầu.

Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, việc dừng các tàu thường xuyên do vắng khách, khách trả vé nhiều, trong khi học sinh, sinh viên vẫn tiếp tục nghỉ học. Về thời gian tàu hoạt động trở lại, theo bà Hà, chưa thể nói trước, việc này phụ thuộc vào lượng hành khách đi tàu.

Theo bà Hà, từ khi có thông tin dịch COVID-19, hành khách đã trả lại hơn 26.000 vé. Dự kiến, doanh thu vận tải hành khách tháng 2 và tháng 3 của đơn vị này tiếp tục giảm 50% so với cùng kỳ, sản lượng vận tải hàng hoá giảm khoảng 30%.

duong-sat-thiet-hai-nang-ne-do-covid-19-nhieu-nhan-vien-tuan-duong-gac-chan-bi-no-luong

Nhiều đoàn tàu ở ga Hà Nội phải tạm dừng vì vắng khách. Ảnh: Hồng Vĩnh

Tương tự, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn cũng thông báo dừng chạy tàu SQN1/2 tuyến Sài Gòn - Quy Nhơn và ngược lại. Tàu SPT1/2 tuyến Sài Gòn - Phan Thiết và ngược lại dừng chạy hằng ngày, chỉ chạy vào các ngày thứ 6, 7 và chủ nhật hàng tuần, đồng thời bỏ qua đón/trả khách tại ga Sóng Thần.

Ông Đào Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết, từ ngày bùng phát dịch COVID-19 tới nay, khách đi tàu giảm khoảng 50% so với cùng kỳ, với hàng chục nghìn vé bị trả lại, các công ty lữ hành hủy tua.

"Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị các bộ, ngành xem xét có chính sách hỗ trợ đường sắt do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, như giảm phí hạ tầng, phí điều hành; Các ngân hàng cho khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất. Chúng tôi cũng áp dụng các biện pháp để giảm chi phí quản trị vì không có thu", ông Tuấn nói.

Trưởng chuyến tàu SE9 Phạm Trọng Luân (xuất phát từ ga Hà Nội) chia sẻ: "Do lượng khách giảm nên tàu phải cắt bớt toa xe. Nếu tính về doanh thu thì không hiệu quả nhưng có còn hơn không".

duong-sat-thiet-hai-nang-ne-do-covid-19-nhieu-nhan-vien-tuan-duong-gac-chan-bi-no-luong

Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay, vận tải đường sắt đã sụt giảm hơn 60 tỉ đồng doanh thu. Ảnh: Hà Mai

Trưởng tàu SE3/4 Đặng Xuân Định (xuất phát ga Sài Gòn) cũng bày tỏ "Ảnh hưởng của dịch COVID-19, người dân hạn chế đi lại nên rất vắng khách. Trung bình ngày thường tàu xuất phát ga Sài Gòn chỉ được trên dưới 100 khách; doanh thu khoảng hơn 400 triệu đồng/vòng quay (cả lượt đi và về), giảm đến 50% so với trước. Có chuyến khách đi tàu còn vắng hơn, giảm đến 70%".

Còn theo ghi nhận của phóng viên tại trạm gác chắn Định Công (đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội), rất nhiều công nhân cho biết đến thời điểm hiện tại họ còn chưa nhận được lương tháng 1/2020.

Trong chiếc chòi nhỏ, rộng rộng chừng 9m2, vừa là nơi ăn uống, vừa là nơi làm việc, nằm ven đường Giải Phóng, chị Tạ Thị Thu Hà (sinh năm 1970, có 30 năm gắn bó với trạm gác chắn đường sắt) chia sẻ: "Trạm gác chắn Định Công có 3 ban, mỗi ban 2 người trực, làm việc bất kể ngày đêm. Công nhân trạm gác mỗi ngày làm 12 tiếng và được bố trí nghỉ một ngày hôm sau. Với người khác, được nghỉ ai cũng mừng, nhưng với công nhân đường sắt, nghỉ một ngày là thu nhập giảm một ngày".

duong-sat-thiet-hai-nang-ne-do-covid-19-nhieu-nhan-vien-tuan-duong-gac-chan-bi-no-luong

Chị Nguyễn Thị Hương, làm việc tại Công ty CP Đường sắt Hà Hải. Ảnh: Nhật Tân

Theo chị Hà, trong 30 năm công tác tại trạm gác chắn, chị nuôi 2 con ăn học đến tuổi trưởng thành nhưng lúc nào gia đình cũng trong tình cảnh "thiếu trước, hụt sau". Cuộc sống khó khăn, đồng lương đi làm có khi được 5 – 6 triệu đồng, nếu trừ bảo hiểm và một số chế độ khác lương chỉ còn 3 - 4 triệu đồng. Cuộc sống hằng ngày chỉ dựa vào đồng lương công nhân ít ỏi, ngoài ra chị Hà không còn thêm khoản thu nhập nào khác.

Còn chị Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1973, người có 27 năm trong nghề) cho hay: "Thường thì ban ngày trung bình có 5 chuyến tàu, ban đêm khoảng 15 chuyến nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hành khách không có mấy".

duong-sat-thiet-hai-nang-ne-do-covid-19-nhieu-nhan-vien-tuan-duong-gac-chan-bi-no-luong

Chị Nguyễn Thị Hương cho biết, bình thường lương sẽ được trả vào ngày 15 hàng tháng. Nhưng hiện tại công nhân tại đây chưa nhận được lương tháng 1. Ảnh: Nhật Tân

Chia sẻ về việc công ty chậm lương, chị Hương cho rằng, ban lãnh đạo công ty cũng chưa có bất cứ thông báo cụ thể nào do vậy mọi người rất sốt ruột. "Công nhân đường sắt làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Bên cạnh đó, chưa bao giờ chúng tôi được ăn cái Tết trọn vẹn cùng gia đình trong mấy chục năm công tác nên cũng chỉ mong đồng lương được nhận đầy đủ, đúng ngày", chị Hương tâm sự.

Trong cuộc làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, sau khi chuyển về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước thì từ tháng 1/2020 đến nay, đơn vị chưa nhận được ngân sách quản lý, bảo trì khiến cho trên 1,1 vạn con người không có tiền lương.

Nguyên nhân do Điều 49 Luật Ngân sách Nhà nước quy định, là khi cơ quan nhận được ngân sách thì giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc. Trong khi Tổng Công ty Đường sắt không còn là đơn vị trực thuộc của Bộ GTVT.

"Đến giờ trên 1 vạn con người không có lương. Các đơn vị thì không có tiền để chi trả nên Tổng công ty phải ứng, song tôi ứng như vậy là tôi đang làm sai và phải đối diện với nhiều rủi ro", ông Minh cho biết.

Theo ông Minh, việc tạm chi trả tiền để duy trì hoạt động này chỉ là tạm thời, không thể duy trì mãi được. Nếu đến tháng 3 tới mà không giải quyết thì có thể phải dừng hoạt động chạy tàu trên toàn quốc, vì không có ai làm tuần đường, gác chắn…

Theo GiaDinh