Ép vợ trả tiền mới cho ly hôn, trả giấy tờ: Hành vi thiếu đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục

Các chuyên gia pháp lý nhận định hành vi của người chồng rất đáng lên án cả về mặt đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục.

Chia tay đòi lại tiền

Mới đây, các hội nhóm trên mạng xã hội xôn xao chia sẻ câu chuyện chồng bắt vợ phải trả lại toàn bộ chi phí sinh hoạt mới được ly hôn kèm hình ảnh “biên bản bàn giao” của một đôi vợ chồng.

Theo đó, cặp vợ chồng này được cho là ở Kiến Xương, Thai Bình cưới nhau được một năm, vì mâu thuẫn không thể tiếp tục sống chung nên cô vợ muốn chia tay. Người chồng ra điều kiện, bắt vợ phải trả lại tiền mới chịu ly hôn và cho cô mang đồ dùng cá nhân đi.

ep-vo-tra-tien-moi-cho-ly-hon-tra-giay-to-hanh-vi-thieu-dao-duc-vi-pham-thuan-phong-my-tuc

Câu chuyện sau ly hôn của hai người từng là vợ chồng tại Thái Bình khiến nhiều người bất ngờ

Số tiền đó được tính chi tiết, bao gồm: tiền ăn hàng tháng (12.000.000 đồng) cùng nhiều khoản tiền khác (tiền chữa bệnh, tiền đóng học phí, tiền vàng cưới)… tổng cộng 42.600.000 đồng. Thậm chí, người chồng còn giữ lại giấy tờ tùy thân của vợ đến bao giờ trả đủ tiền mới đưa.

Người vợ chấp nhận điều kiện của chồng và hoàn trả đầy đủ số tiền theo yêu cầu có biên bản bàn giao rõ ràng. Khi vợ thu dọn đồ đạc, người chồng nhắc bố mẹ giám sát sợ cô vợ lấy mất đồ của nhà mình.

Đến khi vợ mang chiếc xe điện đi, anh chồng còn đòi lại cái bình điện, do anh này thay nên cô vợ phải dắt xe về.

Ngay sau khi thông tin trên được đăng tải, nhiều ý kiến bày tỏ sự bất bình, phê phán cách hành xử "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành" của người chồng và cho rằng việc giữ giấy tờ tùy thân để ép buộc người vợ đã ly hôn đưa tiền là vi phạm pháp luật.

Hành động đáng lên án

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, thông thường khi ly hôn, vợ chồng có thể tự thỏa thuận để giải quyết với nhau về việc chia tài sản chung và xác nhận tài sản riêng của 2 vợ chồng.

Theo đó, tài sản chung vợ chồng là những tài sản được tặng cho chung, thừa kế chung, do vợ chồng lao động sản xuất làm ra trong thời kỳ hôn nhân.

Với những khoản tiền, nhẫn cưới và các tài sản khác mà hai vợ chồng được tặng cho chung thì sẽ phải chia đôi, có tính đến công sức đóng góp, nguồn gốc tài sản và ưu tiên quyền lợi của phụ nữ.

ep-vo-tra-tien-moi-cho-ly-hon-tra-giay-to-hanh-vi-thieu-dao-duc-vi-pham-thuan-phong-my-tuc

"Biên bản bàn giao" trong câu chuyện được đưa lên mạng xã hội.

"Trong câu chuyện trên, trường hợp cái nhẫn vàng trong ngày cưới mà người vợ được gia đình nhà chồng tặng cho riêng thì đây là tài sản riêng của người vợ, người chồng không có quyền đòi chia chiếc nhẫn này, bố mẹ chồng cũng không có quyền đòi lại chiếc nhẫn này bởi hợp đồng tặng cho đã có hiệu lực pháp luật", Luật sư Đặng Văn Cường nhận định.

Theo chuyên gia pháp lý này, nếu trường hợp người chồng giữ giấy tờ của người vợ đã ly hôn với mục đích để ép buộc phải đưa cho anh ta những tài sản không phải là tài sản chung, không thuộc quyền sở hữu của anh ta thì đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng trong vụ việc này, cơ quan chức năng có thể vào cuộc xem xét làm rõ các khoản tiền, tài sản được kê trong biên bản này có phải là tài sản của người đàn ông đó không?

Trường hợp người phụ nữ này vì bị đe dọa, uy hiếp mà miễn cưỡng phải giao tài sản cho người đàn ông này thì hành vi có dấu hiệu tội phạm. Hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015.

ep-vo-tra-tien-moi-cho-ly-hon-tra-giay-to-hanh-vi-thieu-dao-duc-vi-pham-thuan-phong-my-tuc

Nội dung tin nhắn được cho là của người chồng.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng cho rằng, hành vi giữ lại giấy tờ tùy thân và yêu cầu người vợ đã ly hôn thanh toán các khoản chi phí sinh hoạt 42,6 triệu đồng trong thời gian sinh sống cùng nhau mới trả giấy tờ và đồng ý ly hôn đã thể hiện mâu thuẫn vợ chồng rất trầm trọng về tình cảm, sự tôn trọng lẫn nhau đã không còn.

"Đây là vụ việc xảy ra trong quan hệ hôn nhân gia đình giữa vợ chồng. Luật hôn nhân gia đình quy định vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình", Luật sư Nguyễn Anh Thơm nhận định.

Bên cạnh đó, Luật hôn nhân gia đình cũng quy định chấm dứt hôn nhân nếu xét thấy một trong các bên có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn.

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm, hành vi của người chồng rất đáng lên án cả về mặt đạo đức xã hội, không đúng về thuần phong mỹ tục và lương tâm, trách nhiệm của người chồng.

"Hành vi này tuy không cấu thành tội phạm nhưng trong quan hệ hôn nhân gia đình được coi là hành vi cưỡng ép ly hôn và cũng cần thiết phải xử lý mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa tình trạng bạo lực trong gia đình", Luật sư Nguyễn Anh Thơm nhận định.

Xét hành vi của người chồng có chăng thì sẽ vi phạm Khoản 2 Điều 55 Nghị định 167/2013 với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi: “Cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác”

Đối với việc đòi lại tiền ăn trong quá trình sinh sống, tiền khám chữa bệnh, tiền học phí... như trong câu chuyện này, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết pháp luật không quy định cho phép khi ly hôn một trong hai bên đòi lại những khoản tiền này bởi đó là những chi phí đã chi ra rồi.

"Việc người đàn ông này đòi lại những khoản tiền đó là không có cơ sở pháp lý và không phù hợp với đạo đức xã hội", Luật sư Đặng Văn Cường nói.

Theo GiaDinhVietNam