Gắn danh "trường quốc tế" tự phong là khẳng định đẳng cấp của trường?

Theo Luật sư, pháp luật không hề quy định về 'trường quốc tế' và trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway cũng như nhiều trường quốc tế khác trên cả nước không hề được pháp luật công nhận là trường quốc tế.

Tại buổi họp báo thông tin về vụ việc đau lòng vừa xảy ra tại trường Gateway (ngày 7/8, tại UBND quận Cầu Giấy), ông Phạm Ngọc Anh – Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy lại khẳng định: "Hiện quy định về việc thành lập trường thì không có hình thức nào được gọi là trường quốc tế, còn trong quyết định thành lập trường của UBND quận Cầu Giấy là Trường Tiểu học Gateway, không có chữ quốc tế nào cả".

Thông tin trên được Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy công khai trong buổi họp báo, có lẽ không ít người giật mình bởi danh hiệu trường "quốc tế".

gan-danh-truong-quoc-te-tu-phong-la-khang-dinh-dang-cap-cua-truong

Trường Quốc tế Global tại KĐT mới Yên Hoà (Cầu Giấy) trong cảnh yên ắng, không một bóng người. Ảnh: Bảo Loan

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh khẳng định: "Không hề có quy định về trường quốc tế".

Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết: "Trong các văn bản pháp luật hiện nay, không hề có quy định nào về trường quốc tế, cũng không có tiêu chuẩn cụ thể nào cho những ngôi trường mang danh quốc tế này. Hiện nay, tại Điều 48 Luật Giáo dục hiện hành quy định về các loại hình trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, chỉ có trường công lập (do Nhà nước thành lập, đầu tư); trường dân lập (do cộng đồng cư dân thành lập, đầu tư) và trường tư thục (do các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp thành lập, đầu tư). Hơn nữa, trong Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ 1/7/2020 cũng quy định chỉ có 3 loại hình nhà trường tương tự như trên".

gan-danh-truong-quoc-te-tu-phong-la-khang-dinh-dang-cap-cua-truong

Trường mần mon quốc tế Golbal tại KĐT mới Yên Hoà.

Cũng theo luật sư, hiện nay, các trường "gắn" danh "quốc tế" hầu hết đều hoạt động dưới mô hình là các trường tư thục. Việc "gắn" danh "quốc tế" có thể do có yếu tố nước ngoài, hoặc do thương nhân nước ngoài góp vốn đầu tư, hoặc do liên kết đào tạo với nước ngoài, hoặc cả các hình thức trên.

Tuy nhiên, đối với trường học có danh "quốc tế" lại có yêu cầu riêng. Cụ thể, tại Điều 29, Nghị định 86 năm 2018 của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục đã quy định rõ, tên các trường có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Trường", "Cấp học hoặc trình độ đào tạo" và tên riêng;

Tại các trường có vốn đầu tư nước ngoài, số lượng học sinh ở mỗi lớp không quá 30 học sinh; số lượng giáo viên ít nhất phải 1,5 giáo viên/lớp đối với trường tiểu học… Các trường phải đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất như: Tập trung tại một địa điểm, có môi trường tốt; diện tích mặt bằng bình quân ít nhất 06m2/học sinh; Có sân chơi, bãi tập, khu để xe với diện tích ít nhất bằng 30% tổng diện tích mặt bằng của trường…

gan-danh-truong-quoc-te-tu-phong-la-khang-dinh-dang-cap-cua-truong

Trường có yếu tố nước ngoài Archimedes Academy.

"Tóm lại, pháp luật không hề quy định về "trường quốc tế" và trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway cũng như nhiều trường quốc tế khác trên cả nước không hề được pháp luật công nhận là trường quốc tế. Chữ quốc tế là do theo 1 số nhóm trường ngoài công lập có thể tự quảng cáo lên để thu hút học sinh và khẳng định đẳng cấp của trường", luật sư Truyền khẳng định.

Từ cái chết thương tâm của bé trai 1 tuổi xảy ra tại trường Gateway, đã vạch trần sự gian dối của cơ sở giáo dục này, khi trong suốt thời gian qua, đeo mác "Quốc tế" tự phong và thu tiền khủng nhưng cách quản lý còn bộc lộ quá nhiều bất cập, yếu kém đến mức cả một hệ thống nhân sự bỏ quên một đứa trẻ trên xe suốt nhiều tiếng đồng hồ.

Anh Lê Văn Bảo (33 tuổi, ở Hà Đông) bức xúc: "Trường hợp trường quốc tế tự phong mà hoạt động chuyên nghiệp, cơ sở vật chất khang trang, giáo viên có năng lực có tâm, có tầm, có đạo đức nhà giáo, thể hiện bằng trách nhiệm, bằng sự tận tụy, bằng việc quan tâm chu đáo, bằng tình yêu thương thật sự thì sẽ được xã hội chấp nhận, phụ huynh tin tưởng. Nhưng việc tự phong trường quốc tế, cơ sở vật chất có khang trang nhưng năng lực giáo viên và năng lực quản lý không được như kỳ vọng thì chắc chắn, tôi không bỏ ra số tiền lớn để cho con theo học trường đeo mác "tự phong" quốc tế.

Đến nay tôi vẫn không hiểu trường quốc tế là gì? Tiêu chuẩn nào cho trường quốc tế tại Việt Nam? Bao nhiêu năm tồn tại là bấy nhiêu năm phụ huynh bị lừa dối với cái mác tự phong. Thiết nghĩ, cơ quan quản lý nhà nước và các ngành chức năng cần "tỏ tường" những cơ sở giáo dục hiện đang tự phong mác danh "quốc tế".

Theo GiaDinh