Ghi nhận tại các khu cách ly: Rồng rắn gửi đồ, phớt lờ mối nguy

Những ngày qua, tại một số khu cách ly ở Hà Nội, TPHCM, nhiều người rồng rắn gửi nhu yếu phẩm vào khu cách ly cho thân nhân. Sự quan tâm không cần thiết này vô tình tạo phản cảm, gây áp lực cho lực lượng chức năng cũng như mất an toàn đối với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

ghi-nhan-tai-cac-khu-cach-ly-rong-ran-gui-do-phot-lo-moi-nguy

Trong nhiều ngày qua, hàng trăm người rồng rắn tiếp tế đồ ăn cho con em, người thân tại khu KTX Pháp Vân – Tứ Hiệp (Hà Nội).Ảnh: Lê Bảo.

Người cách ly được chăm lo chu đáo

Để công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đạt hiệu quả cao, Việt Nam đã tiến hành cách ly đối với tất cả những công dân trở về từ các nước trên thế giới. Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành đã lập hàng chục khu cách ly với đầy đủ trang thiết bị, vật tư, nhu yếu phẩm phục vụ người dân đến cách ly. Tại mỗi khu cách ly cũng được bố trí lực lượng công an, quân đội, y tế cũng như các lực lượng khác nhằm bảo vệ, phục vụ người đến cách ly một cách chu đáo, an toàn nhất.

Không chỉ phục vụ chỗ sinh hoạt, nghỉ ngơi, những người được cách ly tập trung tại Hà Nội, TPHCM cũng như các tỉnh thành được cơ quan chức năng địa phương chu cấp những bữa ăn hoàn toàn miễn phí. Khẩu phần ăn cũng được tính toán phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của người dân để đảm bảo sức khỏe của người đến cách ly.

Ngoài ra, việc cung ứng nhu yếu phẩm như: Dầu gội, khẩu trang, nước sát trùng… cũng được chu cấp không thiếu. Bên cạnh đó, lực lượng y tế cũng thường xuyên khử khuẩn, khử trùng từng phòng, từng giường nơi có người sinh sống trong thời gian cách ly 14 ngày.

Như vậy, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc đáp ứng tốt nhu cầu cho hàng chục nghìn người cách ly là một sự nỗ lực lớn của các địa phương.

Để người đến cách ly được an toàn và hạn chế lây nhiễm, lực lượng quân đội, công an, y tế… phải căng mình làm việc xuyên ngày đêm, không quản ngại gian khó. Ghi nhận tại KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hà Nội), trước lúc đón nhận người đến cách ly, BQL khu KTX đã phải nỗ lực dọn dẹp sau khi sinh viên chuyển sang khu vực khác để nhường chỗ cho người dân đến cách ly. Hay như tại khu KTX Mỹ Đình II, hàng trăm sinh viên nhiều trường đại học trên địa bàn cũng đã chuyển đồ; lực lượng chức năng tích cực chuẩn bị cho việc dọn dẹp, khử khuẩn khu cách ly.

Ấy thế nhưng, dù tất cả đều được chuẩn bị một cách tốt nhất, chăm lo từ bữa ăn – giấc ngủ đến sinh hoạt hàng ngày thì nhiều người về từ nước ngoài vẫn cho rằng thiếu thốn (?).

Vậy là đồ ăn, đồ uống, vật dụng, chăn màn, nồi niêu… được người nhà tới tấp chuyển vào. Đáng ngạc nhiên hơn là có những gia đình còn chuyển cả tủ lạnh, bia lon, sữa tươi, mì tôm… vào khu cách ly cho con em mình. Điều này đã khiến chúng tôi cũng như nhiều người ngạc nhiên và tự hỏi rằng: "Họ đang đi cách ly hay đi nghỉ dưỡng miễn phí 14 ngày?".

Hiểm họa từ đồ tiếp tế vào khu cách ly

Tại khu vực KTX Đại học Quốc gia TPHCM những ngày qua, hàng trăm người từ nhiều tỉnh thành đã rồng rắn gửi đồ tiếp tế vào cho con em mình. Thùng to, gói nhỏ, bao tải hàng hóa được vận chuyển đến, lực lượng chức năng tại đây đã phải làm việc căng mình trong nhiều giờ để tiếp nhận đồ. Hay tại khu vực KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp, nhiều gia đình trong các ngày 22, 23, 24/3 cũng đã từ nhiều nơi kéo đến tiếp tế đồ cho con em, người thân.

Rất nhiều người được hỏi đều cho biết, dù lực lượng chức năng đã lo ăn uống, sinh hoạt trong khu cách ly nhưng họ vẫn muốn gửi thêm đồ ăn mà người thân mình thích…

Nói về điều này, bà Nguyễn Thị Huyền - một phụ huynh cho biết: "Con tôi thèm ăn bánh chưng và bún chả nên tôi đã lặn lội mua bằng được bánh chưng nổi tiếng ở Hà Nội mang đến đây".

Một phụ huynh khác lại khệ nệ bê thùng trái cây nhập khẩu đắt tiền và nói: "Cháu từ nước ngoài về quen ăn trái cây nhập khẩu nên tôi mua vài cân gửi vào cho cháu ăn dần". Chỉ trong 30 phút đồng hồ ngày 24/3, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều cảnh như như vậy và không khỏi ngao ngán, thậm chí có những gia đình "chiều" con mình theo cách chẳng giống ai, họ gửi cả thùng bia, thùng nước ngọt, thậm chí cả vali quần áo.

Trao đổi với PV, anh Linh - Bí thư Chi đoàn văn phòng Thành đoàn Hà Nội cho biết: "Trong sáng 24/3, lực lượng chức năng đã phải vận chuyển đến 4 lượt xe tải đồ tiếp tế của người dân gửi vào bên trong cho con em, người thân.

Trong buổi chiều cùng ngày cũng đã vận chuyển đến 3 xe tải đồ tiếp tế. Khu KTX Pháp Vân – Tứ Hiệp đã được lực lượng chức năng cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm, đồ ăn thức uống miễn phí nên người dân không cần phải cung cấp gì thêm".

Khu KTX Pháp Vân – Tứ Hiệp hiện có khoảng 1.800 người cách ly, chủ yếu là du học sinh, kiều bào từ nhiều nước trở về. Trong lúc lực lượng chức năng đang gồng mình phục vụ bữa ăn, giấc ngủ cho từng người cũng như đảm bảo an toàn tuyệt đối với khoảng 1.800 người tại đây, thì việc người thân gửi đồ tiếp tế vào bên trong vô tình tạo áp lực đối với lực lượng chức năng khi phải tiếp nhận, vận chuyển, phân phối cho từng người. Đặc biệt, tất cả những đồ được gửi vào bên trong không được kiểm soát chặt chẽ, rất có thể sẽ là nguồn bệnh gây hại đối với công tác phòng, chống dịch bệnh thời điểm này.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 chiều 23/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị các gia đình có người thân đang cách ly tập trung không gửi đồ tiếp tế, vì thành phố bảo đảm chăm sóc đầy đủ cho những trường hợp này.

Ông Nguyễn Đức Chung khẳng định, những người đang thực hiện cách ly tại các khu cách ly tập trung của thành phố đều được chăm sóc tốt về sức khỏe, dinh dưỡng. Hằng ngày, đội ngũ y tá, bác sĩ kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt thường xuyên với từng người. Đội ngũ hậu cần chuẩn bị các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, phục vụ chu đáo người cách ly. Vì thế, các gia đình không cần thiết phải gửi đồ tiếp tế cho người thân. Việc làm này phần nào sẽ giảm bớt nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, các đơn vị quản lý không nhận đồ ăn thức uống tiếp tế của các gia đình để bảo đảm việc phòng, chống dịch được tốt hơn.

Những ngày qua, tại các khu cách ly tập trung của thành phố, rất đông gia đình tập trung ở phía ngoài để gửi đồ sinh hoạt, lương thực, thực phẩm cho người thân đang thực hiện cách ly, gây lộn xộn, ùn tắc. Việc làm này còn vô tình tạo thêm sức ép cho lực lượng phục vụ khi phải tổ chức hỗ trợ, vận chuyển đồ dùng của các gia đình vào cho người thân.

Theo GiaDinh