Giá điện có thể tăng 8,36% từ cuối tháng 3/2019

Bộ Công Thương đã chính thức trình phương án giá bán lẻ điện tăng 8,36% từ cuối tháng 3, đưa giá bán lẻ điện bình quân từ 1.720 đồng/kWh lên 1.864 đồng/kWh.

Sáng 5/2, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết Bộ này đã có phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và đã được Chính phủ chấp thuận.

Theo đó, giá điện sẽ tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành là 1.720 đồng, lên khoảng 1.850 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Phương án tăng này dự kiến sẽ điều chỉnh cuối tháng 3 này. Bộ này cũng khẳng định, phương án giá điện đã được tính toán "để đảm bảo phương án tăng giá không ảnh hưởng tới CPI, GDP...". 

gia-dien-co-the-tang-8-36-tu-cuoi-thang-3-2019

Giá điện có thể tăng 8,36% từ cuối tháng 3/2019.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết việc điều chỉnh giá điện là biện pháp để lành mạnh hóa tài chính của ngành điện. Tính từ năm 2010 đến nay đã có 7 lần thực hiện điều chỉnh giá điện. Lần gần nhất là cuối năm 2017.

Theo Quyết định 24 của Thủ tướng thì năm 2018 phải có đợt điều chỉnh giá điện, tuy nhiên, thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nên năm 2018 dù có nhiều biến động về chi phí tác động đến ngành điện nhưng giá điện vẫn không tăng. Song việc này “không thể trì hoãn được mãi”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thời gian qua, ngành điện đã rà soát lại cơ cấu các yếu tố đầu vào tác động tới giá thành giá điện và có báo cáo Chính phủ. Trong lần họp ngày 29/1 vừa qua, Thường trực Chính phủ đã họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng để nghe các bộ, ngành báo cáo về điều chỉnh giá điện. Sau đó, Thủ tướng đã quyết định cho điều chỉnh giá điện trọng quý 1.

Lý giải về việc tại sao giá điện tăng 8,36%, ông Vượng cho biết, nguyên nhân là do cơ cấu nguồn điện của Việt Nam. Những năm gần đây tốc độ triển khai các dự án lớn nhất là dự án điện than của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản… bị chậm nên để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện trên 10%, ngành điện đã huy động các nguồn điện có giá cao từ khí, dầu, than, vì thế đã tác động lớn đến giá điện khi giá dầu, khí tăng cao. Cùng với tác động phí bảo vệ môi trường, tỷ giá… đã làm EVN tăng chi phí hàng ngàn tỷ đồng.

Trước câu hỏi về việc tăng giá điện lần này là cao hay thấp, ông Vượng cho biết, các đợt tăng giá điện trước đây thường là 6% trở lên (năm 2017 tăng 6,8%, có lần tăng trên 15% như năm 2010, 2011). Nếu tính toán đầy đủ, giá điện lần này có thể tăng gần 10%. Tuy nhiên, sau khi tính toán, Chính phủ cho phép giá điện tăng 8,36%.

“Giá điện Việt Nam hiện ở mức 7,4 cent/kWh nay tăng lên gần 8 cent/kWh. Giá điện của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Hiện giá điện các nước xung quanh như: Ấn Độ 8 cent, Trung Quốc 8 cent, Lào 9 cent, Indonesia 10 cent, Canada 11 cent… ”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay.

Theo TieuDung24h