Gia đình Hồ Duy Hải bất bình với vị luật sư kỳ lạ ở phiên sơ thẩm

Tại phiên giám đốc thẩm Hồ Duy Hải, hồ sơ cho thấy trong các lời khai của Hải thì lời khai cuối cùng ở Bl 87 có chữ ký của Kiểm sát viên, của luật sư. Vị luật sư ấy là ai?

gia-dinh-ho-duy-hai-bat-binh-voi-vi-luat-su-ky-la-o-phien-so-tham

Mẹ, dì và em gái của Hải túc trực tại Hà Nội trong những ngày qua - Ảnh: H.D

Theo người nhà của Hải, ngoài các cơ quan tố tụng thì người tích cực “buộc” Hải phạm tội giết người là ông Võ Thành Quyết - luật sư chỉ định. Từ lúc chưa kết thúc điều tra và ngay trong phiên tòa sơ thẩm, ông đã “buộc” Hải nhận tội giết người và chỉ xin giảm án chung thân.

Do đâu luật sư Quyết nhận bào chữa cho Hải

Nhưng điều oái oăm là vị luật sư Võ Thành Quyết (hiện đã mất) do cơ quan điều tra chỉ định này, chính là vị luật sư đầu tiên được gia đình thuê bào chữa cho Hải và đã thanh toán thù lao một lần theo hợp đồng là 10 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Rưởi, dì của Hải, đã kể về hoàn cảnh dẫn đến việc thuê và thôi nhờ luật sư Quyết như sau:

Sau khi Hải bị bắt, cơ quan điều tra nhiều lần đến nhà khám xét đào bới cả nền nhà, khám xét cả phòng riêng, tủ của em gái Hải. Mấy chiếc nhẫn của em gái Hải mua ở tiệm vàng Ngọc Sương có biên lai hẳn hoi cũng bị thu giữ (những chiếc nhẫn này được đưa vào cáo trạng xem là tang vật trong vụ án và được tòa tuyên hoàn trả nhưng không còn hóa đơn).

Tình hình rất căng thẳng, bà ngoại Hải già yếu bệnh tật càng lo lắng. Cả nhà đều hoang mang, thì có người giới thiệu luật sư Quyết - nguyên là Trưởng phòng Cảnh Sát điều tra, là sếp cũ của ông Phạm Văn Tiến - người phụ trách điều tra vụ án của Hải, lúc đó. Chính vì vậy gia đình đã ký hợp đồng với ông Quyết.

Nhưng từ ngay sau khi khởi tố vụ án, ngày 1.4.2008, phòng Cảnh sát điều tra đã có công văn trưng cầu trực tiếp với Đoàn luật sư Long An, yêu cầu đích danh luật sư Võ Thành Quyết làm luật sư chỉ định cho Hồ Duy Hải mà gia đình hoàn toàn không hay biết!

Điều này trái với quy tắc hỗ trợ pháp lý cho bị can, bị cáo, đó là cơ quan tố tụng phải gởi công văn trưng cầu luật sư đến Trung tâm Hỗ trợ pháp lý, rồi trung tâm sẽ giới thiệu luật sư cho gia đình lựa chọn, sau đó mới chuyển yêu cầu đến đoàn luật sư.

Tường trình của bà Rưởi về luật sư Quyết - Ảnh: Anh Kiệt

Vào tháng 6.2008, sau khi gia đình Hải buộc lòng ký hợp đồng với ông Quyết, thì thượng tá Tiến đã gọi điện kiểm tra xem gia đình Hải có thật đã thuê luật sư Quyết chưa. Khi gia đình Hải xác nhận, đưa ra số hợp đồng thì ngay lập tức việc khám xét chấm dứt.

Nhưng nội dung cách thức tư vấn của ông Quyết làm gia đình lo ngại. Trong khi vụ án chưa có kết luận điều tra, chưa biết thủ phạm là ai, ông Quyết cứ thúc giục gia đình Hải bồi thường thiệt hại cho 2 gia đình nạn nhân, xem như cách khắc phục hậu quả để giảm nhẹ hình phạt.

Bà Loan và gia đình không tiếc tiền, họ đã chi tiền nhưng xác định rõ mục đích là hỗ trợ chi phí mai táng chứ không chấp nhận bồi thường thiệt hại vì chưa biết ai là hung thủ. Bởi nếu gia đình Hải chấp nhận bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại, đồng nghĩa với việc thừa nhận con em mình phạm tội.

Do nhiều lần ông Quyết thúc ép như vậy, gia đình Hải đã bất bình đi nhờ luật sư khác. Đến khi Hải đã có luật sư khác, ông Quyết lại được cơ quan điều tra chỉ định làm luật sư bào chữa cho Hải. Khi ở trong tù, Hải lại được cơ quan điều tra tạo điều kiện viết văn bản từ chối luật sư gia đình mời.

Hai lần từ chối luật sư bào chữa, chỉ đồng ý luật sư chỉ định

Tâm lý bình thường ai ở tù mà mức án có thể lên đến tử hình lại không muốn có luật sư bào chữa? Bản thân Hải khi gặp luật sư Đạt lần đầu đã kêu oan, mỗi lần gặp gia đình lại nhắc nhở kêu oan.

Nhưng trong hồ sơ vụ án ở giai đoạn điều tra, Hải đã hơn một lần từ chối luật sư do gia đình thuê bào chữa, chỉ chấp nhận luật sư do cơ quan điều tra chỉ định. Đó là điều khó hiểu.

Trong biên bản ghi lời khai ngày 27.6.2008, có sự tham gia của ông Võ Thành Quyết, điều tra viên hỏi: “Bị can xác định lại bị can có cần luật sư bào chữa do chính mình thuê trong quá trình điều tra không?”.

Hải đã trả lời: “Như trước đây tôi đã trả lời là tôi không cần luật sư bào chữa bởi tôi tự thấy hành vi phạm tội của mình không cần bào chữa. Về phía cơ quan CSĐT mời luật sư tham dự hỏi cung theo quy định pháp luật thì tôi không có ý kiến gì?”.

Cơ quan chức năng xác định dấu vân tay tại hiện trường không phải của Hải - Ảnh: H.D

Trước đó, ngày 25.3.2008, Hải đã có một bản viết tay nắn nót gởi cơ quan điều tra để xin từ chối luật sư do gia đình thuê. Vì sao ở trong tù Hải lại được cán bộ ưu ái cho thời gian giấy viết để nắn nót viết thư từ chối luật sư của gia đình mời, Ở trong tù bị cách ly với xã hội, Hải biết gì về Luật sư Quyết hay Luật sư gia đình mời mà lại chọn luật sư Quyết?

Theo bà Rưởi, thì ông Quyết đã vô tâm đến mức với vụ án mà bị cáo bị phạt đến mức tử hình, ông không đến dự, không có mặt trong phiên tuyên án sơ thẩm và chỉ biết mức án tử hình Hồ Duy Hải khi bà gọi điện thoại báo tin.

Theo tường trình của bà Rưởi vào ngày 24.12.2008, ngay hôm sau ngày tuyên án sơ thẩm bà và bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hải) đã đến gặp luật sư Quyết yêu cầu làm đơn kháng cáo kêu oan và xin gặp Hải để ký tên nhưng ông Quyết không chịu mà cho rằng: “Xin kháng cáo kêu oan là ở đây không ký đâu, xin kháng cáo giảm nhẹ hình phạt thì mới ký, nghe lời ông luật sư Đạt nêu 41 điều tầm bậy tầm bạ phản cung làm chi. Ở đây tính xử chung thân mà không biết sao xử tử hình luôn…”.

Luật sư Quyết bảo bà Rưởi về làm lại đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. “Tôi nói là tôi kêu oan mà giảm nhẹ hình phạt gì? Sao kỳ vậy? Luật sư Quyết trả lời cứ làm đơn vậy đi, lên phúc thẩm họ xử tha bổng hay trắng án gì cũng được”, bà Rưởi kể.

Cũng theo tờ tường trình này, ngày hôm sau bà Rưởi, bà Loan đến trại giam xin được gặp Hải để đưa Hải ký tên và bà trực tiếp nộp cho tòa phúc thẩm nhưng cán bộ trại giam trả lời: “Hồi sáng, Hải bức xúc xin kháng cáo nhưng thấy mới ra tòa chờ vài ngày cho tinh thần ổn định mới giải quyết”.

Cán bộ trại giam hứa sẽ cho Hải viết đơn và chuyển cho tòa án. Mỗi ngày bà Rưởi đều ra văn phòng tòa án chờ, đến ngày 5.12 thấy cán bộ trại giam đem hồ sơ kháng án sang tòa mới thôi.

Anh Kiệt

Theo Motthegioi