Giá dứa xuống thấp kỉ lục: Nông dân than trời, người Hà Nội đội nắng nóng giải cứu



Tại Ninh Bình, Thanh Hóa và nhiều tỉnh thành miền Bắc, giá dứa đang xuống mức thấp kỉ lục. Nhiều nơi tại Thanh Hóa, nông dân bỏ dứa chín không thu hoạch. Trong khi đó ở Hà Nội, người dân thủ đô lại chung tay giải cứu.

Giá dứa tại Ninh Bình, Thanh Hóa chỉ 1.000 đồng/kg

Tại thôn Hang Nước, xã Quang Sơn (Tam Điệp – Ninh Bình), giá dứa xuống thấp kỉ lục trong vòng nhiều năm qua. Cộng với nắng nóng kéo dài, các gia đình trồng dứa tại đây đành phải bỏ mặc nhiều diện tích dứa chín mà không thu hoạch. Bởi theo những người trồng dứa, có thu hoạch dứa bán giá quá rẻ cũng mất công. Cho nên, đành phải bỏ mặc dứa chín ngoài đồng.

Giá dứa xuống thấp kỉ lục: Nông dân than trời, người Hà Nội đội nắng nóng giải cứu

 Tại Ninh Bình, dứa chín đã thu hoạch nhưng vắng bóng thương lái đến thu mua. Ảnh Thanh Tâm.

Không chỉ là một người trồng dứa mà còn là người chuyên thu mua dứa của người dân trong thôn và các vùng lân cận để đổ buôn cho các thương lái, ông Lê Thanh Quyết (thôn Hang Nước) cho biết, năm nay, giá dứa xuống thấp kỉ lục. Nguyên nhân giá dứa xuống thấp được ông Quyết đưa ra một phần do dứa được mùa, một phần khác là những cánh đồng trồng mía trước đây tại các khu vực lân cận như tại Bỉm Sơn (Thanh Hóa) người dân đã phá bỏ mía và đầu tư vào trồng dứa dẫn đến diện tích dứa tăng đáng kể.

“Khi diện tích tăng, sản lượng tăng thì có nghĩa là nguồn cung tăng. Nguồn cung tăng nhưng nguồn cầu vẫn vậy, nhà máy thu mua dứa làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm thì họ chỉ mua đủ lượng dứa đã có trong kế hoạch sản xuất. Do đó, lượng dứa tăng lên do sản lượng cao, diện tích trồng nhiều thì đành tiêu thụ trong dân. Mà thời điểm hiện tại, đang không chỉ là mùa của dứa, mà còn là mùa của vải, của nhãn, của nhiều loại hoa quả khác cho nên dứa không bán được như những năm trước là điều đương nhiên”, ông Quyết cho biết.

Tại Bỉm Sơn (Thanh Hóa), giá dứa những ngày qua đã có lúc xuống mức dưới 1000 đồng/kg. Đây là mức giá quá thấp mà tính ra thì người nông dân đã lỗ rất nặng. Tuy nhiên, dù giá thấp người nông dân nơi cũng đành phải thu hoạch dứa để mong vớt vát được phần nào hay phần đó.

Giá dứa xuống thấp kỉ lục: Nông dân than trời, người Hà Nội đội nắng nóng giải cứu

 Trước thực trạng dứa mất giá, người dân Ninh Binh chỉ biết cầu nguyện cho giá cao để đỡ lỗ công chăm bón và đầu tư vào cây dứa. Ảnh Thanh Tâm.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh (Thị xã Bỉm Sơn – Thanh Hóa) chia sẻ thông tin thì giá dứa tại đây đã có lúc xuống đến 700 đồng/kg. Nhiều khi còn không bán được dứa vì thương lái không về thu mua.

“Nếu một vài năm trước, các thương lái về tận các ruộng dứa thu mua dứa cho nông dân chúng tôi thì năm nay, chúng tôi phải chở lên các điểm tập kết thì thương lái mới chịu thu mua. Hơn hết, thương lái thu mua dứa với mức giá rất rẻ”, bà Ánh chia sẻ.

Theo bà Ánh, nếu trước đây, diện tích trồng dứa trong dân hạn chế, lượng dứa thu hoạch đủ đáp ứng cho nhà máy sản xuất. Thì độ 2 năm nay, nhiều chủ trang trại ở các nơi khác trước đó về thuê đất tại đây làm trang trại trồng mía thì nay họ phá bỏ mía và trồng dứa. Do đó, nguồn dứa tăng cao và dẫn đến thừa. Cũng một phần, do thương lái phía Trung Quốc năm nay thu mua không nhiều nên việc dứa bán buôn cũng gặp nhiều khó khăn.

Giá dứa xuống thấp kỉ lục: Nông dân than trời, người Hà Nội đội nắng nóng giải cứu

 Tâm sự của nhiều người dân trồng dứa cũng chỉ biết "thả trôi" lên Facebook. Ảnh Thanh Tâm.

Dứa được trồng và chăm sóc trong thời gian 18 tháng sẽ cho thu hoạch, nếu chăm sóc tốt, năng suất sẽ đạt từ 35 - 40 tấn/ha. Nếu những năm trước, giá dứa dao động từ 4.000 đến 7.000 đồng/kg. Thì năm nay, giá dứa tại Ninh Bình, Thanh Hóa đang xuống mức thấp chỉ còn khoảng 1000 đồng/kg.

Vụ dứa năm nay, toàn tỉnh Thanh Hóa trồng hơn 2.000 ha, tập trung ở các huyện Như Thanh, Thạch Thành, Hà Trung, Cẩm Thủy, Yên Định, Thị xã Bỉm Sơn...

Người dân Hà Nội giải cứu dứa

Tại Hà Nội, nếu một vài tháng trước người dân đã chung tay giải cứu dưa hấu cho nông dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi hay giải cứu củ cải cho nông dân Vĩnh Phúc thì thời điểm hiện tại, người dân thủ đô lại chung tay giải cứu dứa cho nông dân Thanh Hóa.

Có thể bắt gặp các điểm giải cứu dứa trên những con phố ở Hà Nội do các chi đoàn thanh niên, các CLB tình nguyện đứng lên tổ chức dù thời tiết Hà Nội đang trong những ngày nắng nóng gay gắt.

Tại Linh Đàm, những ngày qua chi đoàn thanh niên nơi đây cùng với các bạn sinh viên tình nguyện thuộc CLB sinh viên tình nguyện Thanh Hóa đã tập kết dứa từ các huyện của Thanh Hóa về đây bán. Tuy nóng nắng nhưng hàng tấn dứa từ Thanh Hóa chuyển ra mỗi ngày cũng đã được bán hết.

Giá dứa xuống thấp kỉ lục: Nông dân than trời, người Hà Nội đội nắng nóng giải cứu

 Những cánh đồng dứa đã vào mùa thu hái nhưng vẫn vắng bóng người nông dân do giá dứa xuống thấp. Ảnh Thanh Tâm.

Theo anh Lê Tiến Độ - một thành viên bán dứa giải cứu giúp nông dân Thanh Hóa thì mặc dù trời nắng nóng nhưng nhờ sự nhiệt tình của các bạn đoàn viên thanh niên nên dứa được bán nhanh chóng bất kể ngày, đêm.

“Dứa thường được vận chuyển về ban đêm. Sau đó, các thành viên của nhóm thay phiên nhau bán dứa. Con số cụ thể bán được bao nhiêu tấn dứa thì vẫn chưa được thống kê. Nhưng ước chừng cũng được hơn 10 tấn dứa”, Độ nói.

Không chỉ khu Linh Đàm các khu vực khác tại Hà Nội dứa cũng được nhiều nhóm sinh viên tình nguyện bày bán với mức giá khá rẻ chỉ khoảng 3.000 - 5.000 đồng/quả.

Giá dứa xuống thấp kỉ lục: Nông dân than trời, người Hà Nội đội nắng nóng giải cứu

 Có những thời điểm, giá dứa tại Quang Sơn (Ninh Bình) chỉ còn 1000 đồng/kg. Ảnh Thanh Tâm.

Nói về việc giải cứu dứa những ngày qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Hưng cho rằng, năm nay, ngành nông nghiệp sản lượng của hầu hết các loại trái cây miền Bắc đều tăng vọt. Cùng với đó, chất lượng trái cây cũng tăng cao. Điều này là một tín hiệu tốt, một tín hiệu đáng mừng. Thế nhưng, cùng với điều tốt, đáng mừng đó thì nỗi lo về đầu ra, về việc tiêu thụ các sản phẩm này lại là bài toán khó.

“Vừa qua, với quả vải, tỉnh Bắc Giang đã làm rất tốt khâu xúc tiến thương mại và xây dựng một chuỗi đầu ra chắc chắn để quả vải Bắc Giang được mùa mà không mất giá. Chúng ta tưởng rằng, sẽ lại có một cuộc giải cứu vải. Thế nhưng hoàn toàn không có. Cho nên, đây là một bài học đáng để học hỏi cho các địa phương khác trong việc tìm đầu ra cho nông sản của nông dân. Làm sao, được mùa, giữ giá và nông dân không lao đao, khổ sở vì nông sản được mùa và xã hội lại không cần phải giải cứu. Thiết nghĩ, Sở nông nghiệp các tỉnh cần nghiên cứu kĩ các loại nông sản ở tỉnh mình và có phương án đầu ra thật chắc chắn giúp người nông dân khi họ được mùa”, ông Hưng nói.

Theo VietQ