Giá nông sản hôm nay 26/3: Giá cà phê lại giảm, giá tiêu tăng 1.000-2.000 đ/kg

Cập nhật giá nông sản hôm nay 26/3, giá cà phê hôm nay giảm nhẹ từ 100-200 đồng/kg. Trong khi giá hồ tiêu hôm nay tăng 1.000-2.000 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay 26/3 tiếp tục giảm

Theo khảo sát, giá cà phê nguyên liệu hôm nay ở một số địa phương tại Tây Nguyên giảm nhẹ từ 100-200 đồng/kg. Cụ thể, giá cà phê tại các huyện như Bảo Lộc (Lâm Đồng), Chư Sê (Gia Lai), Đắk Hà (Kon Tum) đồng loạt báo giảm từ 100-200 đồng/kg. Trong khi các địa phương khác giá cà phê không có thay đổi so với phiên cuối tuần trước.

Giá nông sản hôm nay 26/3: Giá cà phê lại giảm, giá tiêu tăng 1.000-2.000 đ/kg

Ảnh minh họa

Với đà giảm như hiện nay, giá cà phê nguyên liệu ở nhiều nơi đã quay lại về mức 35.000 đồng/kg. Hiện, giá cà phê nguyên liệu tại Tây Nguyên dao động trong khoảng 35.500 – 36.200 đồng/kg.

Giá cà phê nguyên liệu giao về các kho TP Hồ Chí Minh cũng giảm nhẹ 100 đồng xuống còn 37.800 đồng/kg.

Giá hồ tiêu hôm nay tăng 1.000-2.000 đồng/kg

Theo khảo sát, giá hồ tiêu nguyên liệu tại khu vực phía Nam hôm nay tăng từ 1.000-2.000 đồng/kg. Cụ thể, giá hồ tiêu hôm nay tại tỉnh Đồng Nai tăng tới 2.000 đồng/kg lên 54.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại giá hồ tiêu hôm nay đồng loạt tăng 1.000 đồng/kg. 

Mặc dù đã thoát đáy nhưng giá hồ tiêu vẫn đang thấp trong nhiều năm trở lại đây. Hiện tại, giá hồ tiêu đang dao động trong khoảng 52.000 – 54.000 đồng/kg.

Giá nông sản hôm nay 26/3: Giá cà phê lại giảm, giá tiêu tăng 1.000-2.000 đ/kg

Ảnh minh họa

Cả nước hiện có gần 153.000 ha hồ tiêu. Một khuyến nghị được nhà quản lý đưa ra là cần giảm diện tích hiện nay xuống còn 120.000 ha (tới năm 2020) và 100.000 ha (tới năm 2030) là “thuận theo lẽ tự nhiên”.

Tuy nhiên, ở một tính toán khác, giới chuyên gia đưa ra con số: Các kết quả tính toán từ cơ sở dữ liệu của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới (FAO) cho thấy, nếu Việt Nam khống chế được sản lượng như hiện tại, và phần còn lại của thế giới vẫn đạt nhịp độ tăng bình quân 2,91%/năm như trong 4 năm gần đây, tổng sản lượng hồ tiêu thế giới sẽ lần lượt là 626.000, rồi 671.000 và rồi 736.000 tấn vào các thời điểm 2020, 2025 và 2030.

Từ đó, có thể thấy không có lý do gì để giá hồ tiêu thế giới tiếp tục tụt dốc trong trung hạn. Ngược lại, rất có thể sẽ tăng trở lại trong dài hạn.

Trong nhóm 7 quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn hiện vẫn chiếm hơn 90% sản lượng của thế giới, Việt Nam và Malaysia có năng suất cao gấp 2,6-2,7 lần năng suất bình quân của thế giới. Đó chính là thế mạnh cạnh tranh mặt hàng này của Việt Nam. Vì vậy, theo giới chuyên gia: có nhất thiết phải “hy sinh” 50.000 ha hồ tiêu của Việt Nam hay không?

Tại thời điểm cuối tháng 2, giá hồ tiêu xuất khẩu chỉ còn 3.661 USD/tấn, nhưng nếu dự báo giá xuất khẩu 4.370 USD/tấn trong trung và dài hạn của các nhà quản lý là đúng, tỷ suất lợi nhuận của hồ tiêu sẽ tăng lên 63,7%, tức là nông dân trồng hồ tiêu vẫn có thu nhập cao. Do đó, giới chuyên gia khuyến cáo chưa nên vội vã giảm mạnh diện tích trồng hồ tiêu. Thêm nữa, chính bản thân người trồng hồ tiêu vẫn không muốn giảm diện tích.

Minh Anh (TH)

Theo TieuDung24h