Giấc mơ nghìn tỷ của "trùm" nuôi lợn hiện đại bậc nhất đất Sài thành

Mong muốn những người nuôi lợn có cuộc sống ngày một ổn định, anh Trầm Quốc Thắng - chủ trại lợn Gia Phát (xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM) đã “cả gan” xây dựng đề án huy động 1.000 tỷ đồng điều chỉnh phương án chăn nuôi.

Từ cậu sinh viên “to gan”...

Tự nhận là người kiệm lời nhưng mỗi khi đề cập đến chủ đề nuôi lợn thì anh Thắng  - ông chủ trại lợn lớn nhất nhì TP.HCM lại nói không biết mệt.

Tốt nghiệp khoa Chăn nuôi - Thú y (Đại học Nông Lâm TP.HCM), lại có đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi của gia đình làm hậu thuẫn, chàng trai trẻ Trầm Quốc Thắng quyết định mở trang trại chăn nuôi lợn Gia Phát vào năm 1997 trên diện tích 2ha, với quy mô 200 con lợn thịt. “Thời điểm ấy, cha mẹ tôi khá ngỡ ngàng vì tưởng tôi sẽ làm bác sĩ thú y nhưng ai ngờ tôi trực tiếp đòi mở trang trại nuôi lợn luôn. Một trang trại có quy mô lớn bậc nhất huyện Củ Chi thời bấy giờ. Không ai nghĩ một cậu sinh viên mới ra trường có thể làm được điều này” - Thắng nhớ lại.

Giấc mơ nghìn tỷ của

Giấc mơ nghìn tỷ của

Anh Trầm Quốc Thắng đang ấp ủ một dự án nuôi lợn theo quy mô khép kín. Ảnh: Quốc Hải

"Mình có làm, có hiệu quả thì mới thuyết phục được nhà đầu tư. Và tôi tin, nếu được triển khai thì vài năm nữa chúng ta sẽ chủ động hơn trong ngành chăn nuôi, ít nhất sẽ không phải giải cứu lợn như thời gian qua”.

Anh Trần Quốc Thắng

Đến nay, sau hơn 20 năm phát triển, quy mô trang trại đã lớn gấp 7,5 lần  so với trước. Trang trại của anh Thắng gồm 2 khu, một khu rộng 5ha chuyên sản xuất heo giống với quy mô đàn nái là 1.000 con và một khu rộng 10ha chuyên nuôi lợn hậu bị và lợn thương phẩm, quy mô 5.000 con.

Sau khi mặc đồ bảo hộ kín mít, đi vòng qua nhiều hố nước sát trùng, chúng tôi bắt đầu tiếp cận với từng khu vực: Từ khu sản xuất thức ăn chăn nuôi đến khu lợn nái đẻ, lợn con, lợn giống, lợn “cụ kỵ”... Ở mỗi khu vực, anh Thắng đều chia sẻ tỉ mỉ các quy trình kỹ thuật, vì sao phải sát trùng và cách ly từng khu riêng. Anh Thắng cũng cho biết, ngay từ khi thành lập, anh đã tổ chức sản xuất thức ăn đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn để cung ứng cho toàn bộ đàn lợn của trang trại, bảo đảm sự tăng trưởng và hiệu quả kinh tế.

“Sau nhiều năm nuôi lợn thương phẩm, vì chủ động được nguồn thức ăn, vệ sinh trang trại lại đảm bảo nên dù giá lợn có xuống đáy thì tôi vẫn hòa vốn - anh Thắng chia sẻ - Thế nhưng, lúc đó tôi lại nghĩ, tại sao mình không tự sản xuất con giống để chủ động hơn?”.

Nghĩ là làm, năm 2012, anh Thắng bắt đầu vay vốn từ Agribank và xin hỗ trợ lãi suất của TP.HCM theo chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị. Để có được đàn lợn giống chất lượng cao, anh lặn lội sang tận các nước có nền chăn nuôi phát triển như Canada, Mỹ… tìm mua con giống “cụ kỵ”. Bên cạnh đó, trang trại Gia Phát vẫn thường xuyên nhập khẩu thêm con giống có chất lượng cao từ nhiều nước trên thế giới để đa dạng nguồn giống.

...đến “ông trùm” nuôi lợn Sài thành

Giấc mơ nghìn tỷ của

Hiện tại, bình quân mỗi tháng, trang trại Gia Phát có doanh thu từ lợn thương phẩm khoảng 5 tỷ đồng.

Còn ở khâu chế biến, khi Công ty CP Heo và Sức khỏe đi vào ổn định, doanh thu mỗi tháng ước đạt 6 tỷ đồng.

Với lợi nhuận khoảng 10%, có thể nói Gia Phát đang là một trong những trang trại lợn hàng đầu ở TP.HCM cả về quy mô và hiệu quả kinh tế.

Đặc biệt, đây cũng là trang trại đầu tiên tại TP.HCM xây dựng thành công mô hình khép kín, đảm bảo an toàn thực phẩm từ con giống, thức ăn tới nuôi thương phẩm và chế biến các sản phẩm từ thịt lợn...

Bước vào trại lợn giống được nhập từ nước ngoài, chúng tôi hơi “choáng” khi thấy một “cụ” lợn giống Duroc khổng lồ dài đến 2m, nặng tới 350kg. Thắng cười bảo: “Con này nhập về với giá 4.000 USD đấy. Còn “cụ” lợn bên cạnh giống Landrace cũng nặng khoảng 360kg, được nhập với giá gần 5.000 USD”.

 Với quy mô đàn nái như vậy, trang trại Gia Phát không chỉ chủ động nguồn con giống cho mình mà còn cung cấp cho các trang trại khác. Chính vì vậy, năm 2017, trong khi nhiều hộ chăn nuôi lợn lao đao vì khủng hoảng thì nguồn thu của Gia Phát vẫn ổn định từ việc bán con giống ra thị trường.

Nói về vốn đầu tư chuồng trại và hệ thống máy lạnh hoành tráng ở trang trại, anh Thắng cho biết: “Mức đầu tư tuy cao nhưng chính hệ thống chuồng lạnh lại giúp sinh lời lớn. Nhờ nó mà trung bình giảm được 5% chi phí nuôi (nhân công, thức ăn, thuốc thú y…) và tăng thêm 5% sản lượng thịt mỗi vụ”.

 Cuộc nói chuyện chốc chốc lại đứt quãng bởi khá nhiều cuộc điện thoại đến anh nhờ tư vấn, kết nối làm ăn... Hóa ra, ngoài là chủ trại lợn Gia Phát, anh Thắng còn là Giám đốc HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (quy mô 50 thành viên với 5.000 con lợn nái, 50.000 lợn thịt).

Do áp dụng quy trình chăn nuôi hiện đại, khép kín, giảm được đáng kể chi phí sản xuất, nên trong nhiều năm qua, trang trại Gia Phát luôn đứng vững trước các biến cố thị trường và phát triển ổn định. Tuy nhiên, “ông trùm” nuôi lợn đất Sài thành vẫn không ngừng trăn trở với câu hỏi: “Làm sao để người chăn nuôi lợn Việt Nam có cuộc sống ổn định?”.

“Việt Nam là nước đứng thứ 3, thứ 4 thế giới về đàn lợn giống (khoảng 4 triệu con nái), thế nhưng ngành chăn nuôi hiện nay lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:  Thị trường Trung Quốc, sự điều tiết của các doanh nghiệp FDI... Theo tính toán của tôi thì các trại nuôi nhỏ lẻ sẽ gần như bị xóa sổ trong tương lai” - anh Thắng nói.

Nghĩ vậy, anh lao vào nghiên cứu và viết dự án điều tiết thị trường cho ngành chăn nuôi. “Dự án của tôi được thiết kế theo quy trình tài chính bài bản giúp kết nối nhà đầu tư, nguồn lực vận hành. Dự án này có tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 1.000 tỷ đồng, sau đó hoạt động như mô hình Grab nên cũng không khó về huy động tài chính” - anh Thắng bật mí.

Để nhà đầu tư tin tưởng mô hình này, từ cuối năm 2017, anh Thắng đã mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư xây dựng một xưởng chế biến các sản phẩm từ thịt lợn như xúc xích, giò chả…, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đây là một bước đi táo bạo, vừa làm tăng giá trị cho con lợn, vừa giảm áp lực tiêu thụ lợn thương phẩm mỗi khi thị trường không thuận lợi. Đến thời điểm này, xưởng chế biến của anh Thắng đã sản xuất được 60% mã hàng theo dự kiến ban đầu, với sản lượng 1 tấn sản phẩm/ngày (công suất thiết kế là 3 tấn sản phẩm/ngày).

Theo DanViet