Giám khảo Master chef Tuấn Hải, những sai lầm phổ biến khi nấu canh

Không chỉ có mẹ mới nấu được nồi canh thơm ngon, trong veo đẹp mắt đâu nhé! Giờ đây bạn cũng có thể làm được điều đó với những mẹo đơn giản sau, chắc chắn cả nhà sẽ trầm trồ trước tài nấu nướng của bạn đấy.

giam-khao-master-chef-tuan-hai-nhung-sai-lam-pho-bien-khi-nau-canh

Vào những ngày Tết, bên cạnh những món xào, luộc,… món canh là lựa chọn không thể thiếu giúp gia đình bạn có được một mâm cơm đủ đầy dâng lên ông bà, tổ tiên. Những món canh thường được chị em chọn nấu là canh rau củ (ngô, cà rốt, súp lơ, su hào, nấm....).

Ngày Tết, cúng kiếng, ăn nhậu, đâu đâu cũng thịt, chả, gà, trứng khiến nhiều người chán ngấy. Vì thế những món canh vị chua ngọt, thanh mát, bổ sung chất xơ, là món để giải ngán rất tốt. Tuy nhiên, nấu canh rau củ sao cho ngon ngọt đúng chuẩn thì không phải ai cũng biết.

Trên Eva, Master chef Tuấn Hải, Giám khảo Vua đầu bếp Việt Nam đã chia sẻ những bí quyết và các quan niệm sai lầm khi nấu canh rau củ:

giam-khao-master-chef-tuan-hai-nhung-sai-lam-pho-bien-khi-nau-canh

1. Lựa chọn rau củ và thứ tự rau vào nấu

Khi chọn rau củ để nấu canh, nhiều chị em thường chú ý lựa chọn vì sợ nếu không kết hợp đúng cách thì sẽ sinh độc, gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa và sức khỏe. Tuy nhiên theo Master chef Tuấn Hải: "Tất cả những món rau củ được sử dụng làm nguyên liệu nấu canh ngũ quả theo phong tục và thói quen xưa đều ổn và thực tế chưa có gì cần thay đổi".

Tuy theo từng mùa và sở thích của mỗi gia đình, các mẹ có thể chọn ngô, su hào, cà rốt, củ cải, khoai tây, nấm, củ dền, củ sen, đậu, cà chua... để có một nồi canh rau củ hợp khẩu vị. Tuy nhiên, thứ tự cho các loại rau củ này vào nước thì cần được chú ý. "Ngô có vị ngọt, chất béo nên được bỏ vào đun trước, tiếp theo là các loại cà rốt, su hào, nấm... tuỳ ý và tuỳ theo độ nhanh chín của thực phẩm. Riêng súp lơ nên được bỏ cuối cùng vì súp lơ rất nhanh chín, đồng thời còn có vị hơi đặc biệt. Nếu bỏ súp lơ vào quá sớm có thể ảnh hưởng đến hương vị toàn nồi canh".

>> Có thể bạn quan tâm: Xương heo nấu với khoai tây theo kiểu này thì bữa cơm sẽ rất ngon

 2. Đun lửa quá to

giam-khao-master-chef-tuan-hai-nhung-sai-lam-pho-bien-khi-nau-canh

Một trong những tiêu chí đánh giá món canh có ngon, chính là yếu tố nước dùng phải trong. Master chef Tuấn Hải cho biết, "nguyên nhân khiến món canh rau củ của nhiều bà nội trợ bị đục là do đã đun lửa quá to". Vì thế, khi nấu canh, chúng ta đun lửa lớn cho đến khi sôi lên thì giảm bớt lửa và bắt đầu vớt bọt để canh sôi đều mà không bị đục nước.

Nếu nước dùng bị đục, bạn có thể "chữa cháy" bằng cách cho vào nồi nước dùng vài tai nấm đông cô hoặc vài lát khoai tây sống. Ngoài ra có thể lấy một lòng trắng trứng, đánh tan cho vào nồi nước dùng, khuấy đều lên cho bọt cuốn vào đó rồi hớt ra, nước dùng sẽ trong trở lại. Nếu không bạn có thể lược nước dùng qua một xoong khác với một khăn vải mỏng rồi đun lại.

3. Hạn chế dùng bột ngọt, nên thay thế bằng rau củ tự nhiên

Nhiều chị em vì muốn món canh thêm phần đậm đà nên thường sử dụng rất nhiều muối, bột ngọt. Thực chất, cách làm này chưa hẳn đúng. "Chúng ta chỉ nên tận dụng vị ngọt tự nhiên từ rau củ (nấm, ngô, củ cải...) Đặc biệt, nên sử dụng các loại chất điều vị tự nhiên từ nấm men thay vì sử dụng bột ngọt. Gia vị khi cho vào nồi nước hầm chỉ mang tính chất tôn lên hương vị tự nhiên của rau củ mới là đúng chuẩn. Cho quá nhiều muối, bột ngọt... thực chất lại càng làm át đi hương vị thật sự của món ăn".

Ngoài ra, thời điểm cho gia vị cũng cần hợp lý. Theo ông Tuấn Hải, chị em nội trợ nên hầm rau củ trước, đợi đến khi rau gần chín mới bắt đầu nêm gia vị "như vậy vừa đảm bảo nước dùng không bị quá mặn, vừa dễ cảm nhận hương vị món canh hơn".

4. Không hớt bọt

Nhiều chị em khi nấu canh hay hớt bọt, nhưng đôi khi hành động này không cần thiết, chỉ trừ lúc hầm xương mới cần thiết. Tuy nhiên theo ý kiến của Master chef Tuấn Hải: "Một số chị em quan sát thấy sau khi bỏ gia vị vào nước, canh bỗng nổi bọt trắng. Tuy nhiên những lớp bọt này thực chất chỉ là protein trong gia vị đang tan ra. Lúc này, chị em không cần hớt bọt mà chỉ cần khuấy nhẹ một lúc, những bọt này sẽ lập tức biến mất".

Những lưu ý khác khi nấu canh mà chị em nội trợ cần nên biết:

giam-khao-master-chef-tuan-hai-nhung-sai-lam-pho-bien-khi-nau-canh

- Đối với canh bầu, bí đao, bạn không nên nêm nước mắm vì nước mắm sẽ khiến canh có vị chua.

- Đối với canh cải, khi nấu nên cho thêm một chút gừng hay rượu sẽ làm cho mùi vị món ăn ngon và ngọt thanh hơn

- Nếu nấu canh với xương thịt, thì hãy nấu một lúc cho xương thịt ra hết chất, đợi cho nước canh ngọt rồi mới nêm muối vào canh. Nếu nêm nước mắm thì hãy nêm ngay trước khi bắc canh ra khỏi bếp.

- Nấu canh bầu bí với xương thịt thì nên xắt thành miếng khoảng 2x3cm, còn nếu nấu với tôm thì xắt nhỏ hơn nữa, khi nấu sẽ ngon hơn.

- Canh nấu với xương heo nên luộc xương heo cho chín trước rồi bắc xuống và đậy nắp lại trong vài giờ. Trước lúc ăn mới bắc lên cho sôi rồi cho các loại rau củ vào và đun sôi. 

- Khổ qua chỉ nên nấu với tôm, thịt nạc băm nhỏ mà không nên nấu với thịt bò và cua.

- Khi nấu canh mà có thịt bò, thì nên ngâm thịt với rượu trắng trước để khử mùi.

Giám khảo Master chef Tuấn Hải, những sai lầm phổ biến khi nấu canh

- Canh nấu với cá để không bị tanh cần cho thêm vài lát gừng, nhưng bạn lưu ý là không nên cho gừng sống vào cùng thời điểm với cá mà chờ nước sôi rồi mới cho vào sau. Như vậy mới phát huy hiệu quả khử mùi tanh của gừng.

Nấu ăn chưa bao giờ là việc đơn giản, đặc biệt là đối với các chị em phụ nữ bận rộn với công việc ngoài xã hội, gia đình. Với những mẹo vặt hữu ích này, nấu một nồi canh thơm ngon, trong veo đối với bạn sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Hãy nhanh chóng lưu lại những “bí kíp” này để mỗi bữa ăn của gia đình luôn ngon miệng ngập tràn niềm vui và tình yêu thương bạn nhé!

Theo Bestie