Giật mình cách tiêu tiền "một đi không trở lại" của Vinacafe

Không thua lỗ bê bết như nhiều ông lớn nhà nước nhưng Vinacafe lại khiến không ít người giật mình với các tiêu tiền “một đi không trở lại”.

Vinacafe không nằm trong danh sách các "ông lớn" nhà nước nhiều tai tiếng. Vinacafe cũng không sở hữu những khoản lỗ khiến dư luận “dậy sóng”. Thế nhưng, không ít người sẽ giật mình khi chứng kiến hàng loạt khoản đầu tư kém hiệu quả của doanh nghiệp này.

Quá nhiều công ty con thua lỗ

Không có gì ngạc nhiên khi một tổng công ty rót nhiều vốn vào các công ty con và công ty liên kết. Và cũng không có gì ngạc nhiên khi một vài khoản đầu tư đó kém hiệu quả. Nhưng với Vinacafe, số lượng công ty con, công ty liên kết thua lỗ không nằm ở con số “một vài”.

Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2107, Vinacafe đã đầu tư vào 32 công ty con, với tổng số vốn đạt gần 569 tỷ đồng. Đa số các công ty này đều không công bố kết quả hoạt động kinh doanh nên không rõ tình hình lỗ lãi. Nhưng với việc Vinacafe phải trích lập dự phòng rủi ro cho 13 công ty (chiếm 41% số các công ty con), có thể thấy, ít nhất 13 công ty con của Vinacafe thua lỗ.

caphe
Dòng vốn của Vinacafe hoạt động không hiệu quả

Xét về giá trị, tổng số trích lập dự phòng rủi ro của Vinacafe vào các công ty con là 139 tỷ đồng, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư vào công ty con. Công ty TNHH MTV Cà phê Chư Quỳnh ngốn nhiều dự phòng nhất với số tiền lên đến 23,7 tỷ đồng, chiếm 82,3% vốn góp của Vinacafe vào công ty này.

Trước đây, Công ty TNHH MTV cà phê Chư Quỳnh liên tục bị tố cố ý làm trái quy định về sử dụng đất nông nghiệp, đơn phương chấm dứt hợp đồng giao khoán trái pháp luật, giao khoán sản lượng ở mức cao…

Đứng sau Chư Quỳnh là Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Ktur (22,6 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Cà phê Đắk Nông (21,2 tỷ đồng),…

Vinacafe đầu tư vào 6 công ty liên kết thì có tới 5 công ty Vinacafe phải trích lập dự phòng. Như vậy, tổng số tiền trích lập dự phòng đầu tư của Vinacafe lên tới 158 tỷ đồng, chiếm 26,2 tổng vốn đầu tư vào công ty con và công ty liên kết.

Vì rót vốn vào rất nhiều công ty hoạt động kém hiệu quả nên lợi ích mà Vinacafe có được từ các khoản đầu tư này rất khiêm tốn. Trong năm 2017, cổ tức được chia của Vinacafe chỉ là 24,8 tỷ đồng, bằng 4,1% số vốn mà Vinacafe bỏ ra. Con số lợi nhuận này còn thấp hơn lãi suất gửi ngân hàng.

Nợ xấu chiếm 42% vốn góp

Cách tiêu tiền “một đi không trở lại” của Vinacafe còn nằm ở… nợ xấu. Không phải ngân hàng nhưng Vinacafe lại tích cực cho vay. Đa số các công ty nhận được vốn từ Vinacafe đều là công ty có liên quan đến ông lớn ngành cà phê này.

Tại thời điểm 31/12/2017, tổng nợ xấu tại Vinacafe lên tới 355 tỷ đồng, chiếm tới 42% vốn góp chủ sở hữu của Vinacafe. Trong đó, Vinacafe xác định khoản nợ có thể thu hồi được chỉ là 69 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa Vinacafe chấp nhận 286 tỷ đồng sẽ mất trắng. Số tiền mất trắng chiếm 33,5% vốn góp chủ sở hữu.

Trung tâm Xuất nhập khẩu Vinacafe là đơn vị tạo nợ xấu lớn nhất cho Vinacafe với số tiền lên tới 162 tỷ đồng. Đứng sau là Công ty TNHH Hoàng Đạo, cơ sở kinh doanh Lệ Chiêu (42,5 tỷ đồng), Công ty Thương mại Tổng hợp Phú Yên – VNCFXIM (30,2 tỷ đồng),….

Ngoài ra, Vinacafe cũng chứng tỏ mình là đơn vị dễ dàng bị chiếm dụng vốn. Chỉ tiêu phải thu của khách hàng ngắn hạn tại Vinacafe lên tới 198 tỷ đồng. Trong đó, Vinacafe phải trích lập dự phòng 8,4 tỷ đồng.

Các khoản phải thu khác đạt tới 415 tỷ đồng, chiếm gần 50% vốn góp chủ sở hữu và tăng vọt so với con số 243 tỷ đồng hồi đầu năm 2017. Trong đó, Vinacafe phải dành 115 tỷ đồng cho dự phòng.

Dòng vốn quá lớn hoạt động không hiệu quả nên không có gì ngạc nhiên khi Vinacafe phải chứng kiến lợi nhuận lao dốc. Lợi nhuận sau thuế năm 2017 của Vinacafe giảm mạnh từ 101 tỷ đồng xuống chỉ còn 54 tỷ đồng. Lợi nhuận rơi tự do bất chấp doanh thu tăng đáng kể từ 1.843 tỷ đồng lên 2.597 tỷ đồng.

Theo NTD