GS. Hà Văn Tấn: Người ngược dòng lịch sử đi tìm cội nguồn dân tộc Việt Nam



“Cố Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn là nhà sử học lớn của Lịch sử Việt Nam và thế giới. Thầy có rất nhiều đóng góp nổi bật, để lại dấu ấn không bao giờ phai đối với sử học nước nhà” - GS.TS Phạm Hồng Tung chia sẻ.

Tối 27/11, tại Hà Nội, GS - NGND Hà Văn Tấn - người cuối cùng trong "tứ trụ" sử học nước nhà (cùng với các cố giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng) đã qua đời. Sự ra đi của GS. Hà Văn Tấn không chỉ khiến giới nghiên cứu, các đồng nghiệp, học trò thương tiếc mà còn để lại một khoảng trống lớn trong nghiên cứu lịch sử của dân tộc.

Là một học trò của GS. Hà Văn Tấn từ những năm học tại Khoa Lịch sử ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội), GS.TS Phạm Hồng Tung (Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết rất đau buồn khi mất đi người thầy vĩ đại, không ai thay thế được. Mặc dù biết thầy ốm từ lâu, nhưng ông cảm thấy rất buồn. Những đồng nghiệp, người quen biết thầy ai nấy cũng thương tiếc trước sự ra đi của người thầy đáng kính.

Chia sẻ về kỷ niệm từ thời còn sinh viên, được học những bài học do GS. Hà Văn Tấn giảng dạy, GS.TS Phạm Hồng Tung xúc động kể: "Vào hồi đang là sinh viên năm thứ 2 (năm 1982), khi thầy Tấn dự hội thảo quốc tế về nói chuyện với sinh viên của lớp. Lúc đó, thầy Tấn đến lớp, lần đầu tiên tôi gặp một giáo sư hình ảnh sáng lòa như thế. Thầy kể chuyện về đạo Phật trên thế giới, lần đầu tiên tôi được thấy trên thế giới có nhiều điều về đạo Phật hay đến thế, thầy còn kể về những cái hay trong ứng sử khoa học trong hội thảo thế giới thế nào…"

"Ấn tượng tiếp theo là vào năm thứ 4, lúc đó sắp ra trường mới được học môn Phương pháp luận Sử học của thầy Tấn, thầy giảng bài rất hay, những điều tâm huyết thầy lại cười rất sảng khoái. Tuy nhiên, lúc đó với những sinh viên kiến thức hạn hẹp, vẫn chưa hiểu nhiều về những điều thầy nói. Cho đến lúc ra trường, theo nghề rồi mới biết những bài dạy của thầy vẫn còn nguyên giá trị, vừa cao siêu nhưng cũng nhiều giá trị khoa học" - GS.TS Phạm Hồng Tung nhớ lại.

gs-ha-van-tan-nguoi-nguoc-dong-lich-su-di-tim-coi-nguon-dan-toc-viet-nam

Bộ tứ sử học gồm các GS: Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê với người thầy của mình là GS Trần Văn Giàu và phu nhân.

Theo GS.TS Phạm Hồng Tung, cố GS. Hà Văn Tấn là nhà sử học lớn của lịch sử Việt Nam và thế giới, có rất nhiều đóng góp nổi bật, được báo chí đề cập đến rất nhiều, để lại dấu ấn không bao giờ phai đối với sử học nước nhà. 

Nhưng với GS.TS Phạm Hồng Tung, đóng góp lớn thứ nhất kể đến đó là thầy là người đầu tiên lập ra bộ môn Lý luận và phương pháp luận Sử học, nghĩa là thực sự đặt vấn đề nghiên cứu, đào tạo sử học phải là một ngành khoa học. Cập nhật các phương pháp, lý luận, kỹ thuật hiện đại để giúp sử học Việt Nam là một nghề mang tính chuyên nghiệp, không bị lạc hậu so với sử học trên thế giới. Cho đến năm 1981, bộ môn được ra đời, thầy là chủ nhiệm bộ môn đầu tiên.

Đóng góp lớn thứ hai, theo GS. Phạm Hồng Tung, đó là thầy Tấn cùng với GS. Trần Quốc Vượng, GS. Phan Huy Lê làm rất rõ cội nguồn dân tộc Việt Nam qua nghiên cứu khảo cổ, nhất là nghiên cứu sâu và toàn diện về "văn minh sông Hồng", thuật ngữ "văn minh Sông Hồng" là của GS. Tấn sau này cả thế giới dùng. Sau này thầy còn mở rộng nghiên cứu văn minh sông Mã, sông Cả, miền Trung (văn minh Sa Huỳnh) và miền Nam (văn minh Phù Nam) để làm rõ giai đoạn đầu dựng nước, cội nguồn Việt Nam. Đóng góp này thầy vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000).

Đóng góp thứ ba, đó là cùng với PGS. Phạm Thị Tâm đồng tác giả cuốn "Cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông thế kỷ XIII", đây là cuốn sách kinh điển của ngành sử Việt Nam hiện đại nghiên cứu về cuộc kháng chiến thần thánh, hiển hách của dân tộc Việt Nam. Trước nay chưa ai nghiên cứu, tham khảo tư liệu của nước ngoài (Mông Cổ) để hoàn thành cuốn sách đó. Tư liệu hay, cách viết hay, rất cuốn hút. Kháng chiến chống quân Nguyên - Mông chỉ có Việt Nam và Nhật Bản, nhưng trong sách thầy còn so sánh với cả Nhật Bản để thấy được chiến công của nước ta vĩ đại như thế nào.

gs-ha-van-tan-nguoi-nguoc-dong-lich-su-di-tim-coi-nguon-dan-toc-viet-nam

Giáo sư Hà Văn Tấn (bên trái) tại Lễ kỷ niệm thành lập Viện Khảo cổ. Ảnh: ĐH Quốc gia Hà Nội.

"Một "tài sản" lớn mà thầy Tấn để lại mà chúng tôi kế thừa mãi không hết đó là bài báo "Làng, liên làng, siêu làng" (năm 1988) bài nghiên cứu về làng xã Việt Nam, mặc dù chỉ công bố một bài báo thôi, nhưng đó là chìa khóa để tất cả những người đi sau nghiên cứu về làng xã Việt Nam. Người ta quan niệm làng là đóng kín, nhưng không phải thực tế là vẫn "hờ hờ" để có mối liên hệ có liên làng gọi là nước, ý thức liên làng đó chính ý thức dân tộc. Mỗi lần đọc lại thấy có thêm ý tưởng mới có thể kể thừa được" - GS. Tung chia sẻ.

Cũng theo GS.TS Phạm Hồng Tung, vẫn nhiều dự định, công trình nghiên cứu của GS. Hà Văn Tấn còn dang dở, nhưng những công trình này đang được các thế hệ học trò, đồng nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ… tiếp tục cuộc hành trình mà người thầy để lại, mong rằng sẽ hoàn thành trong tương lai.

GS. Hà Văn Tấn sinh ngày 16/8/1937 trong một gia đình hiếu học tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Từ năm 1957, GS. Hà Văn Tấn trở thành cán bộ tại bộ môn Lịch sử cổ đại Việt Nam (ĐH Sư phạm). Làm Chủ nhiệm Bộ môn Phương pháp luận sử học - Khoa Lịch sử (ĐH Tổng hợp Hà Nội) từ 1982 - 2009. Đảm nhận cương vị Viện trưởng Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) từ năm 1988 - 2008.

Trong hành trình hơn năm thập kỷ miệt mài nghiên cứu, giảng dạy, cố GS. Hà Văn Tấn đã hướng dẫn 25 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, đã công bố khoảng 300 bài báo, tham luận, nghiên cứu khoa học trên các tạp chí uy tín ở trong và ngoài nước. Ngoài ra, ông còn là tác giả và đồng tác giả của hàng chục cuốn sách, công trình nghiên cứu giá trị.

Theo GiaDinh