Hà Nội chính thức thông tin về thầy giáo trẻ tử vong sau tiêm vaccine COVID-19

Gần 37 tiếng sau khi tiêm vaccine COVID-19, nam thanh niên có biểu hiện co giật và tử vong gần 2 tiếng sau đó. Hội đồng chuyên môn đánh giá đây là trường hợp tử vong chưa rõ nguyên nhân.

Tối 22/6, Sở Y tế Hà Nội chính thức có thông tin về trường hợp tử vong sau tiêm chủng vaccine COVID-19 tại huyện Đông Anh.

Người tử vong là anh T.H.L (26 tuổi) ở Bắc Hồng, Đông Anh, Hà Nội. 8h20 ngày 20/6, nam thanh niên làm giáo viên này đến điểm tiêm tại Trạm Y tế xã Nam Hồng. Tại đây anh T.H.L  được tiếp đón, khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine COVID-19 và đủ điều kiện tiêm chủng.

Cụ thể, thân nhiệt 36,1 độ C; huyết áp 130/80mmHg; mạch: 80 lần/phút; nhịp thở: 18 lần/phút, không có tiền sử bệnh lý. 

Anh được chỉ định tiêm vaccine COVID-19 do AstraZeneca sản xuất. Sau tiêm, anh T.H.L được theo dõi 30 phút tại Trạm Y tế và hướng dẫn tiếp tục theo dõi tại nhà theo đúng quy định.

21h55 ngày 21/6, Trạm Y tế Bắc Hồng nhận được thông báo của người nhà anh T.H.L cho biết anh xuất hiện co giật. Sau 15 phút kể từ khi nhận được thông báo, Đội cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện Đông Anh đã có mặt tại nhà người bệnh và tiến hành cấp cứu tích cực; đồng thời đề nghị Trung tâm cấp cứu 115 hỗ trợ.

ha-noi-chinh-thuc-thong-tin-ve-thay-giao-tre-tu-vong-sau-tiem-vaccine-covid-19

Sau 30 phút được cấp cứu, tình trạng người bệnh tiến triển xấu như: Toàn thân tím tái, mạch cảnh không bắt được; huyết áp không đo được; đồng tử giãn… 

Anh L được chuyển ngay đến Bệnh viện đa khoa Đông Anh, tiếp tục được cấp cứu tích cực. Tuy nhiên, đến 23h15 ngày 21/6, người bệnh tử vong.

Qua quá trình rà soát cho thấy, Trạm Y tế xã Nam Hồng đã công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng theo quy định. Ngày 20/6, Trạm Y tế xã Nam Hồng tiêm vaccine COVID-19 do AstraZeneca sản xuất số, lô ABX1466, hạn dùng 31/8, cho 100 người. 

Sau tiêm chủng, ngoài trường hợp người bệnh T.H.L có các triệu trứng nêu trên, các trường hợp còn lại hiện tại sức khỏe bình thường. 

Trạm Y tế xã Nam Hồng đã thực hiện quy trình thực hành tiêm theo đúng quy định. Tất cả các đối tượng đến tiêm chủng đều được khám sàng lọc, tư vấn đầy đủ trước tiêm, cũng như theo dõi tại trạm ít nhất 30 phút sau tiêm theo đúng quy định.

Sau khi nhận được thông tin, ngay sáng 22/6, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế TP Hà Nội mở rộng, bằng việc mới các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. 

Kết luận của Hội đồng chuyên môn cho thấy, đây là trường hợp tử vong chưa rõ nguyên nhân sau 39 giờ tiêm vaccine COVID-19.

Qua các biểu hiện lâm sàng và kết quả pháp y hiện chưa thấy có bằng chứng cho thấy tử vong do phản vệ hoặc tắc mạch; cần tiếp tục thực hiện các xét nghiệm vi thể và giải trình tự gene để có kết luận.

Vaccine COVID-19 tiêm cho anh L được Bộ Y tế cấp, có nguồn gốc rõ ràng, có đầy đủ sổ sách, hóa đơn và phiếu xuất kho. Quy trình tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vaccine và quy trình thực hành tiêm chủng đúng quy định.

Theo GiaDinh

-----

Xem thêm:

Sau tiêm vắc xin Covid-19 nên làm gì để giảm tác dụng phụ?

Sau khi tiêm vắc xin Covid-19, người thường mệt mỏi, chán ăn, sốt, sưng đau vì vậy cần lưu ý một số vấn đề để chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu tác dụng phụ sau tiêm

Chị H. (Nam Từ Liêm) tiêm vắc xin Covid-19 với tâm trạng khá lo lắng vì cơ địa vốn dị ứng.

Sau khi tiêm chị H. cẩn thận cố nán lại bệnh viện lâu hơn thời gian khuyến cáo để theo dõi thêm.

Chuẩn bị đón nhận các tác dụng phụ như sốt, đau người như nhiều người từng gặp, chị chuẩn bị sẵn thuốc giảm đau, hạ sốt theo tư vấn của bác sĩ.

Không ngoài dự đoán, 10h đêm, chị H. bắt đầu sốt kèm theo rét run. Chị uống hạ sốt, nhưng tiếp tục là những cơn đau đầu, đau người.

"Phải mất 3- 4 ngày tôi mới thấy sức khoẻ bình thường như cũ. Mệt thật nhưng cũng đã qua. Giờ thì yên tâm vắc xin có thể phòng được dịch", chị H. nói.

Theo tổng kết, khi tiêm vắc xin phòng Covid-19, tùy theo cơ địa của từng người mà có các phản ứng ở mức độ khác nhau như sốt nhẹ, đau mỏi người, đau sưng tại chỗ tiêm,… các triệu chứng sẽ thuyên giảm và khỏi hoàn toàn trong 1-2 ngày.

sau-tiem-vac-xin-covid-19-nen-lam-gi-de-giam-tac-dung-phu

Ăn gì sau tiêm vắc xin Covid-19 để mau bình phục (ảnh minh hoạ)

Để giảm bớt tình trạng này. Ths. Bs. Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết ngoài chế độ chăm sóc, theo dõi, chúng ta cần chú ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để cơ thể nhanh phục hồi, khỏe mạnh.

Theo đó, sau khi tiêm vắc xin Covid-19, người thường mệt mỏi, chán ăn, sốt, sưng đau vì vậy cần chế biến thức ăn ở dạng mềm, dễ tiêu như cháo đậu xanh nấu thịt, cháo hành nấu thịt, súp gà, súp cua…đồng thời chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Nếu trường hợp sốt cao, đau nhiều có thể uống thuốc hạ sốt giảm đau.

Đầu tiên là bổ sung nước cho cơ thể. BS Tiến cho biết, trong cuốn nhu cầu khuyến nghị dành cho người Việt Nam năm 2016, thì nhu cầu nước theo cân nặng, tuổi với trẻ vị thành niên (10-18) nhu cầu nước là 40 ml/kg; từ 19 đến 30 tuổi hoạt động thể lực nặng nhu cầu nước là 40 ml/kg; từ 19 đến 55 tuổi hoạt động thể lực trung bình nhu cầu nước là 35 ml/kg, người trưởng thành trên 55 tuổi nhu cầu nước là 30 ml/kg.

"Nước vào cơ thể chủ yếu qua ống tiêu hoá. Việc uống nước cũng cần uống từ từ, không nên uống nhiều một lúc, các loại nước uống như nước hoa quả, nước rau, nước OSEROL, nước có pha thêm chút muối,..

Đáng lưu ý, uống quá nhiều nước một lúc không tốt cho sức khỏe. Bởi uống nhiều một lúc làm lượng mồ hôi bài tiết ra nhiều hơn, cơ thể càng mệt mỏi hơn vì mất quá nhiều chất điện giải. Khi uống nước càng chậm càng tốt, uống từ từ và chia nhỏ lượng nước cần uống, nó sẽ giảm cơn khát tốt hơn", BS  Nguyễn Văn Tiến nói.

Sau khi tiêm vắc xin, thường có các dấu hiệu đau sốt, vì thế việc bổ sung nước cho cơ thể là rất cần thiết, nhất là vào những ngày nắng nóng. Các loại nước hoa quả có thể uống bổ sung như nước chanh, nước cam, nước bưởi ép … để cung cấp lượng vitamin C, A cần thiết cho cơ thể.

Phản ứng thường gặp nhất sau khi tiêm là sốt, vết tiêm nổi mẩn. Tùy theo cơ địa từng người, từng loại vắc xin sẽ có phản ứng khác nhau, vì vậy sau khi tiêm cần được theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp ít nhất là 30 phút mới ra về và tiếp tục theo dõi tại nhà, nếu có biểu hiện bất thường cần thông báo hoặc đến ngay cơ sở y tế.

BS Tiến cũng lưu ý, sốt là phản ứng phổ biến nhất sau khi tiêm vắc xin Covid-19. Đây là cách cơ thể phản ứng với thuốc và thường tự khỏi sau 1-2 ngày sau khi tiêm. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp có thể sốt đau, có thể sử dụng thuốc hạ sốt chống viêm, nếu sốt không giảm (trên 39 độ C),liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn kịp thời.

Một phản ứng khác là tại vết tiêm có thể bị sưng đỏ, đau. Vấn đề này có thể tồn tại đến vài ngày nhưng đây hoàn toàn là phản ứng bình thường và sẽ tự khỏi, không đáng ngại.

"Có thể dùng phương pháp chườm lạnh ở chỗ tiêm để giảm đau", BS Tiến nói.

Ngoài ra, sau khi tiêm, người có thể nổi các vết ban mề đay hoặc ngứa toàn thân… Thông thường, các biểu hiện dị ứng này sẽ tự khỏi sau vài ngày, nhưng nếu trong người khó chịu thì phải dùng thuốc chống dị ứng với sự tư vấn của cán bộ y tế.

Theo Infonet