Hà Nội không ‘đòi’ giấy xét nghiệm COVID-19, sao vẫn chống dịch tốt?

Người tới Hà Nội không cần trình kết quả xét nghiệm âm tính nhưng COVID-19 vẫn được kiểm soát tốt, vậy các tỉnh có nên tiếp tục yêu cầu loại “giấy thông hành” này?

Từ trưa 8/7, các chốt kiểm soát cửa ngõ Hải Phòng chỉ cho phép những người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 5 ngày được vào thành phố.

Trước đó, nhiều địa phương khác cũng đưa ra yêu cầu tương tự đối với người từ nơi khác tới như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng..., xét nghiệm có giá trị trong 3-7 ngày. Hôm qua, thành phố Vinh (Nghệ An) bỏ yêu cầu kết quả xét nghiệm SARS-Cov-2 âm tính đối với người trong tỉnh, còn công dân ngoại tỉnh vào địa bàn vẫn phải có giấy này còn thời hạn 3 ngày.

ha-noi-khong-doi-giay-xet-nghiem-covid-19-sao-van-chong-dich-tot

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 những người vào Đồng Nai. (Ảnh: Khuất Nguyên)

Phải là người trong cuộc (công việc hoặc hoàn cảnh riêng đòi hỏi phải di chuyển thường xuyên đến những tỉnh trên) mới thấm thía ảnh hưởng của quy định này. Anh bạn tôi mất nửa ngày xếp hàng xét nghiệm để về quê thăm bố ốm, lấy kết quả xong thì công ty có sự cố gọi về xử lý gấp. Lúc xong xuôi thì tờ kết quả âm tính kia đã hết hạn, thế là quy trình kia phải lặp lại từ đầu.

Sự mệt mỏi, phiền toái và tốn kém là điều mà mọi người phải chấp nhận trong những hoàn cảnh đặc biệt như dịch bệnh, bởi lợi ích chung phải được ưu tiên. Thế nhưng, liệu các địa phương trên đã cân nhắc kỹ cái được và mất, lợi và hại khi đòi hỏi kết quả xét nghiệm âm tính của người tới từ tỉnh, thành khác?

Chúng ta hãy thử so sánh.

Lợi ích được mong đợi của quy định này là ngăn cản sự xâm nhập của mầm bệnh COVID-19 từ bên ngoài. Tuy nhiên, ai cũng biết việc khẳng định âm tính với SARS-CoV-2 chỉ phản ánh đúng ở thời điểm lấy mẫu.

Sau khi lấy mẫu và trước khi vào địa phương, người đó có thể đã “dính” virus, nhất là khi công việc đòi hỏi họ xuất hiện ở nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Mặt khác, nếu nhiễm virus trong thời kỳ cửa sổ, kết quả xét nghiệm vẫn âm tính và người đó có thể phát bệnh sau một thời gian vào địa phương.

Còn cái mất là gì? Là thời gian và tiền bạc, một con số khổng lồ trong hoàn cảnh chúng ta đã tiêu tiền muôn bạc bể cho chống dịch, giao thương đình trệ. Nhưng điều đáng sợ nhất chính là nguy cơ lây nhiễm chéo khi người dân đổ xô đến các điểm xét nghiệm.

Hãy nhớ lại cảnh tượng hãi hùng được phản ánh trên báo chí cách đây mấy ngày ở TP.HCM và Đồng Nai: Đám đông chen vai thích cánh chờ xét nghiệm, chờ lấy kết quả xét nghiệm COVID-19.

Với sự lưu hành chủng virus dễ lây nhiễm như hiện nay, trong đám đông đó chỉ cần một người mang mầm bệnh thì không cần nói cũng hình dung được viễn cảnh tệ hại nào có thể xảy ra.

ha-noi-khong-doi-giay-xet-nghiem-covid-19-sao-van-chong-dich-tot

Cảnh chen chúc chờ lấy kết quả xét nghiệm COVID-19 tại Biên Hòa, Đồng Nai. (Ảnh: Tiền Phong)

Liệu số ca COVID-19 mà các tỉnh thành ngăn được nhờ giấy xét nghiệm có lớn hơn số ca bệnh xuất hiện do lây nhiễm chéo hoặc “lọt lưới” do nhiễm virus ngay sau khi lấy mẫu? Và liệu có phải ở những tỉnh không đòi hỏi tờ giấy đó, dịch bệnh hoành hành mạnh hơn?

Chắc chắn là không, có thể khẳng định ngay như vậy khi ta nhìn vào Hà Nội.

Là thủ đô, Hà Nội mỗi ngày đón hàng chục, hàng trăm nghìn người tứ xứ. Thành phố nằm ngay cạnh hoặc rất gần những địa phương từng là tâm dịch như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương…

Thế nhưng các cửa ngõ Hà Nội vẫn luôn mở rộng cho người từ khắp nơi đổ về, chưa từng yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính. Và cho đến nay, Hà Nội vẫn luôn là một trong những nơi kiểm soát dịch COVID-19 tốt nhất.

Thay vì ngăn sông cấm chợ, phong tỏa trên diện rộng cả thành phố, Hà Nội đã rất thực tế khi cách ly từng điểm có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm, hạn chế tối đa sự tụ tập đông người bằng việc đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu, xử phạt nghiêm những người vi phạm quy định chống dịch…

Chính vì biết “liệu cơm gắp mắm” mà trải qua nhiều đợt tấn công của SARS-CoV-2, các địa phương xung quanh thay nhau trở thành tâm dịch, Hà Nội vẫn đủ nhân lực để kiểm soát COVID-19.

Từ thực tế của Hà Nội, nên chăng các tỉnh khác xem xét lại việc coi kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 như một thứ giấy thông hành, để dành nguồn lực cho những biện pháp hiệu quả hơn, khi mà việc chống COVID có thể là cuộc chiến trường kỳ?

Trọng Hoàng

Theo VTC